Trách nhiệm càng cao thì càng phải gương mẫu

Xung quanh câu chuyện xây nhà không phép của gia đình ông Lê Hữu Thành, ủy viên Ban thường vụ, Phó Chủ tịch HĐND quận Thủ Đức trên địa bàn phường Hiệp Bình Chánh được báo chí thông tin.

Ngày 22/10, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân và Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cùng đoàn công tác của TP đã trực tiếp xuống hiện trường chỉ đạo xử lý vụ việc này.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân kiểm tra căn nhà không phép của ông Lê Hữu Thành và chất vấn Bí thư Đảng ủy phường Hiệp Bình Chánh. (Ảnh:tienphong.vn)

Theo báo cáo của lãnh đạo Quận ủy quận Thủ Đức, ông Lê Hữu Thành cùng người thân trong gia đình đã xây dựng không phép 7 công trình gồm nhà xe, xưởng gỗ, xưởng cơ khí… với tổng diện tích hơn 1.800m2. Công trình do ông Lê Hữu Thành xây không phép từ năm 2012. Các công trình còn lại được người nhà ông Thành xây dựng không phép từ năm 2015.

Tại thời điểm lãnh đạo TP.HCM xuống thị sát, nhiều công trình không phép đang được sử dụng để làm cơ sở sản xuất. Bí thư thành ủy TP.HCM đánh giá hầu hết các xưởng sản xuất đều không đảm bảo điều kiện về môi trường, an toàn phòng cháy chữa cháy…

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã hỏi người đại diện các cơ sở sản xuất về giấy phép kinh doanh, hợp đồng lao động,… nhưng hầu hết đều từ chối trả lời với lý do là người làm thuê, không phải chủ cơ sở.

Bí thư Thành ủy cũng đã chất vấn lãnh đạo phường Hiệp Bình Chánh và quận Thủ Đức vì sao các cơ sở sản xuất hoạt động trong các nhà xưởng không phép, không đủ điều kiện đăng ký kinh doanh nhưng vẫn được cấp điện, cấp nước để hoạt động.

Ngay sau đó Bí thư thành ủy TP.HCM và đoàn công tác đã làm việc với Ban thường vụ Quận ủy quận Thủ Đức.

Tại đây, Bí thư thành ủy TP.HCM nêu: Thành ủy đã có Nghị quyết 23 về chấn chỉnh xây dựng trái phép, không phép. Anh Lê Hữu Thành là ủy viên Ban thường vụ Quận ủy, chắc chắn đã quán triệt Nghị quyết rồi nhưng vẫn không gương mẫu, không hành động.

Người đứng đầu Đảng bộ TP.HCM nói thẳng: Cuối năm, anh Thành xác định xem vi phạm như vậy, có căn nhà xây không phép lớn như vậy thì có còn xứng đáng và đủ uy tín làm Phó chủ tịch HĐND quận hay không. 

“Quận ủy có triển khai nghị quyết nhưng cán bộ trong Ban thường vụ thì lại không tự giác. 7 công trình này sai phạm đầu tiên là từ năm 2012 và đã có quyết định cưỡng chế rồi nhưng 7 năm qua chưa xử lý thì rõ ràng chưa nghiêm túc. Cán bộ, đảng viên không nghiêm túc thì nói làm sao dân nghe, dân tin”, Bí thư thành ủy TP.HCM nhấn mạnh.

Bí thư thành ủy, yêu cầu lãnh đạo quận Thủ Đức trả lời hàng loạt câu hỏi: Đó là nhìn nhận, đánh giá của quận qua báo cáo với thành ủy đã đúng chưa, trách nhiệm của quận vừa qua xử lý đã đầy đủ đúng pháp luật hay chưa? Công tác thanh tra kiểm tra, đánh giá sai phạm gì và việc xử lý vừa qua đã đúng pháp luật hay chưa?

Sắp tới quận sẽ làm gì, có đủ bản lĩnh giải quyết những vấn đề phát sinh? Công dân sai phạm xử lý như thế nào? Cán bộ có trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu vừa qua đã gương mẫu chưa… “Rõ ràng là chưa gương mẫu. Là cán bộ đảng viên, trong Ban thường vụ quận ủy mà xây dựng không phép. Tinh thần là quận phải có kết luận, xử lý sớm nhất việc này để làm gương”, Bí thư Thành ủy TP.HCM bức xúc.

Tập thể Ban thường vụ có biết hay biết mà cho qua luôn. Không xử lý vi phạm của Phó Chủ tịch HĐND quận phải chăng Chủ tịch UBND quận nể nang. Sắp tới phải nhận thức rõ người có trách nhiệm càng cao thì càng phải gương mẫu. Nếu không gương mẫu thì không nên làm.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, quan điểm của lãnh đạo TP.HCM là cán bộ sai phạm thì phải xử lý, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Ông yêu cầu: Qua vụ việc này, Ban Thường vụ quận ủy phải kiểm điểm trách nhiệm và chậm nhất đến sáng thứ 2 tuần tới phải có báo cáo cụ thể cho Ban Thường vụ Thành ủy và Thường trực UBND TP.HCM.

Vai trò nêu gương đang bị thách thức

Câu chuyện trên đã gợi mở nhiều vấn đề về vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên hiện nay, có thể nói mặt trái của nền kinh tế thị trường đã tác động mạnh mẽ, đến lợi ích cá nhân và nhóm người trong đó có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên là đáng “báo động”. Vi phạm xây dựng không phép 7 công trình gồm nhà xe, xưởng gỗ, xưởng cơ khí… với tổng diện tích hơn 1.800m2, phải nói rằng qui mô lớn, thời gian xây không phép kéo dài (từ năm 2012, các công trình còn lại được xây cất không phép từ năm 2015).

Đây là ví dụ điển hình về yếu kém của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt, một ủy viên Ban thường vụ, Phó chủ tịch HĐND quận về trách nhiệm nêu gương, phải chăng vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên đang bị thách thức.

Theo Chánh Thanh tra TP.HCM Đặng Minh Đạt: Đây là vụ vi phạm đã phát hiện từ lâu và kéo dài qua nhiều năm, xử lý trách nhiệm không nghiêm. Có quyết định cưỡng chế nhưng không thực hiện. Cần xem xét trách nhiệm các cấp có thẩm quyền, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên. Công trình không phép là của cán bộ đảng viên, mà cán bộ đảng viên thì lẽ ra phải gương mẫu.

Còn Giám đốc Sở Xây dựng Lê Hòa Bình cho hay, qua kiểm tra lại hồ sơ 7 công trình không phép của gia đình ông Thành thì thẩm quyền kiểm tra xử lý vi phạm là của Chủ tịch UBND phường, chủ tịch UBND quận. Chính quyền địa phương đã tổ chức kiểm tra, có các quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định cưỡng chế tháo dỡ … nhưng xử lý không kiên quyết, triệt để.

Có thể thấy qua vụ việc ngoài trách nhiệm cá nhân Phó chủ tịch HĐND quận, thì còn trách nhiệm của cá nhân Bí thư, Chủ tịch quận, Ban thường vụ cũng như các ban ngành của quận, phường liên quan. Nể nang, né tránh ngại va chạm, thấy sai không đấu tranh…là căn bệnh kinh niên chưa được chữa trị đúng thuốc. Nói như nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Thân Thị Thư “Ai cũng nói lãnh đạo phải nêu gương, nói phải đi đôi với làm. Nhưng việc nêu gương của người đứng đầu, ở nơi này nơi khác vẫn chưa có kết quả”.

Còn Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Nguyễn Thị Phương Mai đề nghị xem xét trách nhiệm các cán bộ, đảng viên trực tiếp sai phạm. Bà nhận xét: Cán bộ đảng viên không gương mẫu thì nói ai nghe?

Cũng về vấn đề nêu gương ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng – Ban Tổ chức Trung ương tâm tư: “Trước, quần chúng mong vào Đảng, phấn đấu vào Đảng thì bây giờ người ta nhìn vào gương đảng viên có thực sự gương mẫu không?. Có thực sự để cho người ta học tập, noi theo và phấn đấu không?. Chứ bây giờ không ít những đảng viên không hơn gì quần chúng lắm. Vậy thì tấm gương để người ta phấn đấu, học tập noi theo là thế nào?”.

Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp chưa xác định rõ trách nhiệm và chưa thật sự gương mẫu trong rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, tác phong với những biểu hiện như nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít, có cán bộ còn trục lợi, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; đặc biệt có cán bộ lãnh đạo đã vi phạm nghiêm trọng kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Nêu gương là giá trị đạo đức nhân văn sâu sắc, văn minh của nhân loại, là truyền thống đạo lý của dân tộc; nêu gương chính là hành động của mình tạo ra những giá trị tốt đẹp cho xã hội có tính thuyết phục, thuận lòng người. Nêu gương có vai trò dẫn dắt, chỉ dẫn mọi người làm theo; là động lực tinh thần to lớn, một giá trị văn minh trong chuẩn mực đạo đức của người cách mạng, nhất là người lãnh đạo, người đứng đầu. Nêu gương chính là phương thức lãnh đạo của Đảng, do đó để có lòng tin của dân với Đảng, thì cần phải nêu gương. Trên phải làm gương, nói đi đôi với làm, thực hiện trên trước dưới sau./.

Nguyễn Minh