Cán bộ, đảng viên cần thực hiện văn hóa từ chức khi không đủ khả năng, uy tín 

Ngày 09/5/2024, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới. Đây là quy định mới, có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, khi Đảng ta đang quyết tâm xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chống suy thoái tư tưởng, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", chống tham nhũng, tiêu cực… thì vấn đề xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng càng phải được nêu cao hơn nữa. Sau khi được ban hành, Quy định 144-QĐ/TW đang nhận được sự đồng thuận, quan tâm, theo dõi của đông đảo cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.

Quy định số 144-QĐ/TW gồm 6 điều với 21 điểm, quy định cụ thể các yêu cầu, tiêu chí chuẩn mực đạo đức cách mạng đối với cán bộ, đảng viên. Theo đó, chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên bao gồm 5 vấn đề lớn. Một là, yêu nước, tôn trọng nhân dân, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc. Hai là, bản lĩnh, đổi mới, sáng tạo, hội nhập. Ba là, đoàn kết, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm. Bốn là, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Năm là, gương mẫu, khiêm tốn, tu dưỡng rèn luyện, học tập suốt đời. Trong đó, tại Điều 3 “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” có yêu cầu “thực hiện văn hóa từ chức khi không đủ khả năng, uy tín”.

Có thể khẳng định rằng, với sự kế thừa và kết nối các quy định về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Quy định số 144-QĐ/TW sẽ có sự chuyển biến tích cực trong quá trình xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng đối với những cán bộ không đủ năng lực để đảm đương nhiệm vụ, qua đó tạo tiền đề quan trọng để việc từ chức của cán bộ, đảng viên thành văn hóa khi không còn đủ tín nhiệm của tổ chức và nhân dân.

Từ chức được hiểu là việc xin thôi không đảm đương chức vụ mà một người đang giữ. Nó chỉ có thể xảy ra ở những người giữ chức vụ, quyền hạn và khi người đó nhận thấy mình không đủ uy tín, năng lực, sức khỏe, điều kiện để đảm nhận chức vụ.

Vấn đề  từ chức không phải bây giời chúng ta mới bàn đến, mà những nội dung này được cán bộ, đảng viên và nhân dân rất quan tâm và thường xuyên được đặt ra trong nghị quyết của Đảng về xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và được luật hóa trong hệ thống pháp luật nhà nước từ nhiều nhiệm kỳ qua. Cụ thể, Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 30/7/2007 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị” xác định: “Xây dựng quy chế miễn nhiệm, từ chức để thay thế kịp thời, dễ dàng những cán bộ năng lực và phẩm chất yếu kém, vi phạm kỷ luật, không hoàn thành nhiệm vụ, mất uy tín”; Quy định số 260-QĐ/TW, ngày 2/10/2009, Bộ Chính trị đã ban hành những căn cứ để xem xét cho cán bộ thôi chức vụ, miễn nhiệm, từ chức; Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” xác định “thực hiện nghiêm chế độ miễn nhiệm, bãi nhiệm, từ chức, cho thôi việc hoặc thay thế kịp thời những người kém năng lực, phẩm chất đạo đức, không đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn của chức danh, không hoàn thành nhiệm vụ được giao”.

Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII  về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” nêu: “Xây dựng quy định để việc nhận trách nhiệm, từ chức, từ nhiệm trở thành nếp văn hóa ứng xử của cán bộ; hoàn thiện các quy định về cách chức, bãi nhiệm, miễn nhiệm để việc “có lên, có xuống”, “có vào, có ra” trở thành bình thường trong công tác cán bộ”; Quy định số 08-QĐ/TW, ngày 25/10/2018, về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, nêu rõ: “Chủ động xin từ chức khi thấy mình không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ”; Hay  tại những phiên chất vấn của kỳ họp Quốc hội, vấn đề “văn hóa từ chức” cũng nhiều lần được đưa ra để “mổ xẻ” làm rõ trách nhiệm, năng lực quản lý của lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương. Tại Điều 7, Luật Cán bộ, công chức số 22/2008/QH12, ngày 13/11/2008 nêu rõ: “Từ chức là việc cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý đề nghị được thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm”. Đặc biệt, ngày 3/11/2021, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 41-QĐ/TW về việc “Miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ” đã có nội dung điều chỉnh hai hình thức là “miễn nhiệm” và “từ chức”; áp dụng đối với cán bộ vi phạm các quy định của Đảng và Nhà nước, vi phạm đạo đức, năng lực yếu kém, không hoàn thành nhiệm vụ, mất uy tín nhưng chưa đến mức xử lý kỷ luật cách chức.

Trong giai đoạn hiện nay, tình hình suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ đảng viên, kể cả cán bộ giữ các chức vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước đang diễn biến hết sức phức tạp, thì việc ban hành Quy định 144-QĐ/TW  có ý nghĩa to lớn và vai trò rất quan trọng. Nhìn lại từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, cả nước đã có hơn 1.400 tổ chức đảng, hơn 66.000 đảng viên bị kỷ luật. Trong số 200 Ủy viên Trung ương khóa XIII, hiện có 21 người thôi nhiệm vụ, trong đó 11 người bị kỷ luật hoặc khởi tố, bắt giam, lĩnh án. Trong số 18 Ủy viên Bộ Chính trị hiện đã có 6 người thôi nhiệm vụ. Những con số này cho thấy quyết tâm phòng chống tham nhũng không vùng cấm, không ngoại lệ của Đảng ta. Nói về những cán bộ đảng viên đã xử lý kỷ luật, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng thẳng thắn chia sẻ: Thật đau xót, nhưng không thể không làm, không có cách nào khác! Tất cả là vì sự nghiệp chung của Đảng, của đất nước, của nhân dân.  Tuy nhiên, có thể thẳng thắn nhìn nhận rằng, ở nước ta, cán bộ giữ chức vụ trong hệ thống chính trị thực hiện việc từ chức chưa nhiều, chưa phổ biến, nhất là từ chức vẫn chưa thể trở thành văn hóa. Mặc dù, thời gian qua, cùng với những chủ trương và chỉ đạo quyết liệt của Đảng về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, những đòi hỏi khách quan từ sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước, hội nhập quốc tế, từ chức đang dần trở thành hành động “bình thường” của người có chức vụ khi không còn năng lực, uy tín bảo đảm hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao. Bằng chứng là đã có những đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước từ chức trong thời gian qua, cho thấy sự hiểu biết về bổn phận và trách nhiệm của người nắm giữ chức vụ, là một trong những biểu hiện sinh động, cụ thể và thiết thực của những cán bộ lãnh đạo, quản lý có liêm sỉ, trọng danh dự và dám chịu trách nhiệm đối với sự nghiệp của Đảng và đất nước. Hy vọng với những quy định của Đảng, từ chức sẽ thực sự trở thành truyền thống, trở thành văn hóa chứ không chỉ dừng lại ở những hiện tượng đơn lẻ, cá biệt.

Vì vậy, để từ chức trở thành văn hóa, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ, đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cần quán triệt sâu sắc các nội dung, yêu cầu tại Quy định 144-QĐ/TW. Tiếp tục nêu cao lòng tự trọng, danh dự, không cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, giữ gìn phẩm giá của người cán bộ, đảng viên; đặt lợi ích của tổ chức và xã hội cao hơn lợi ích cá nhân, lợi ích cục bộ. Tự giác từ chức khi không đủ năng lực, phẩm chất, không còn phù hợp với vị trí lãnh đạo, quản lý, để người khác có khả năng phù hợp tiếp tục thực hiện công việc. Điều này cũng thể hiện được bản lĩnh, tinh thần của người đảng viên, thực hiện đúng lời thề khi vào Đảng. Khi không đủ năng lực, hoặc có lỗi, không còn đủ tư cách thì xin nghỉ để nhường chỗ cho người khác, để tổ chức được trong sạch, vững mạnh hơn.

Như vậy, Quy đinh 144-QĐ/TW  ra đời có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đang nỗ lực, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ, kế hoạch mà Nghị quyết đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra. Theo đó, Quy định số 144-QĐ/TW sẽ tạo tiền lệ tốt cho việc đề cao trách nhiệm, nêu gương, dám chịu trách nhiệm, dám từ chức nếu không thực hiện được cam kết của mình.

Quy định số 144-QĐ/TW  được ban hành, được xem làm bước đột phá để siết chặt những kỷ luật, kỷ cương trong Đảng. Triển khai thực hiện quy định trên, sẽ là cách “mở đường” cho văn hóa từ chức ở nước ta và là thước đo của lòng dân đối với Đảng, nhằm xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch vững mạnh, xứng đáng “là đạo đức, là văn minh” lãnh đạo đất nước thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra, đưa đất nước vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Hải Đăng

191 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 710
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 710
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88305981