|
GS.TS. Phạm Văn Điển - Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Lâm nghiệp - Ảnh: VGP/Đỗ Hương |
Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với GS.TS. Phạm Văn Điển - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT).
Với sự tăng trưởng mạnh mẽ của chế biến và xuất khẩu gỗ hiện nay, nhiều chính sách phát triển nguồn nguyên liệu đang được ngành lâm nghiệp thực hiện. Tuy nhiên, làm sao để đảm bảo sự bền vững cả về lượng và chất của nguyên liệu, thưa ông?
GS.TS. Phạm Văn Điển: Nguyên liệu gỗ trong nước được khai thác từ rừng trồng là rừng sản xuất, cây phân tán, gỗ cao su... đã đáp ứng trên 75% nhu cầu nguyên liệu cho chế biến đồ gỗ xuất khẩu. Chúng ta đã đóng cửa rừng tự nhiên. Nhu cầu gỗ còn lại được nhập khẩu (khoảng 8-9 triệu m3/năm).
"Lượng" ở đây là chủng loại và số lượng gỗ cung ứng, là đầu vào cho chế biến đồ gỗ xuất khẩu. "Chất" trước hết là tính hợp pháp, là uy tín, thương hiệu, là nguồn gốc từ rừng có chứng chỉ; tiếp đó là có giá trị, tạo thuận lợi cho gia công, chế biến, hợp thị hiếu, được ưa chuộng. Việc đảm bảo lượng và chất đi đôi với nhau, chính là một khía cạnh của sự cân bằng giữa lượng và chất.
Về việc đảm bảo cho sự cân bằng này, từ khía cạnh chính sách có thể thấy rằng, cả hiện tại và tương lai, những chính sách hỗ trợ phát triển giống cây, kỹ thuật thâm canh, hướng vào sản phẩm gỗ lớn, hỗ trợ cấp chứng chỉ rừng, phát triển hạ tầng lâm sinh, công trình bảo vệ rừng, trồng cây phân tán, trồng rừng thay thế nương rẫy, ưu đãi doanh nghiệp, hỗ trợ hợp tác, liên kết, vận chuyển lâm sản, phát triển lâm nghiệp công nghệ cao đều quan tâm đến cả lượng và chất của nguyên liệu gỗ. Việc thực thi các công ước cũng như các hiệp định có liên quan, như CITES, UNCCD, VPA-FLEGT là biểu hiện rõ nét về sự phát triển bền vững và tuân thủ các cam kết quốc tế của Việt Nam.
Nói đến sự cân bằng, theo ông, với tốc độ phát triển hiện nay của ngành lâm nghiệp, làm thế nào để hài hòa giữa bảo tồn và phát triển của một lĩnh vực liên quan trực tiếp đến môi trường và sinh kế của những người dân ở vùng còn nhiều khó khăn?
GS.TS. Phạm Văn Điển: Bản thân ngành lâm nghiệp chứa đựng sự hội tụ đặc biệt giữa bảo tồn và phát triển. Đây là một lợi thế lớn. Lâm nghiệp phát triển bền vững sẽ làm giảm chi phí môi trường cho phát triển kinh tế-xã hội, vì rừng chính là một nhân tố môi trường quan trọng, có tác động sinh thái không biên giới, lại là nơi cư trú, sinh sống của khoảng 28 triệu người dân ở vùng núi, trung du, vùng ven biển nước ta. Giải được bài toán "rừng là vàng" chính là sự cân bằng trên diện rộng giữa bảo tồn với phát triển.
Trên thực tiễn, chúng ta đã và đang giải bài toán tổng thể này. Chẳng hạn, mối quan hệ giữa bảo tồn với phát triển đã được giải quyết thông qua việc xác lập cơ cấu rừng hợp lý. Đến nay, diện tích rừng tự nhiên và rừng trồng lần lượt là 10,3 triệu và 4,3 triệu ha, tương đương cơ cấu 70% diện tích rừng tự nhiên và 30% diện tích rừng trồng; hiện đang bố trí 50% diện tích đất rừng phòng hộ và đặc dụng, còn lại 50% là diện tích đất rừng sản xuất. Những chỉ tiêu này nói lên sự "cân bằng" khá hợp lý giữa tự nhiên với nhân tạo, giữa bảo tồn với sản xuất. Đối với rừng trồng, chúng ta chủ trương phát triển rừng gỗ lớn, vừa cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với rừng gỗ nhỏ, vừa mang lại hiệu quả sinh thái mong đợi là làm cho độ phì của đất tăng dần và bền lâu sau mỗi chu kỳ kinh doanh.
Chúng ta đã và đang thực hiện tốt các cam kết quốc tế có liên quan đến bảo tồn rừng, bảo vệ tính đa dạng sinh học, chống biến đổi khí hậu trong khi vẫn đưa được dòng gỗ xuất khẩu có giá trị cao ra thị trường quốc tế, thu về lợi nhuận hàng tỷ USD cho ngành gỗ trong nước. Có thể khái quát đường hướng phấn đấu của chúng ta là xây dựng một nền kinh tế lâm nghiệp vì môi trường cùng với một nền lâm nghiệp môi trường có đóng góp thiết thực về kinh tế-xã hội. Nhãn quan của chúng ta là phát triển lâm nghiệp giống như phát triển một hệ sinh thái và cân bằng chính là gốc rễ của phát triển lâm nghiệp bền vững.
|
Chuỗi giá trị sản xuất lâm nghiệp cần được cân bằng hơn với người lao động - Ảnh: VGP/Đỗ Hương |
Ông từng nêu quan điểm phát triển của toàn ngành lâm nghiệp không chỉ nhìn vào con số tăng trưởng xuất khẩu mà còn phải nhìn vào phân bổ giá trị được tạo ra trong từng đoạn của chuỗi. Vậy, hiện nay có điều gì bất cập trong sự phân bổ này, thưa ông?
GS.TS. Phạm Văn Điển: Chúng ta đang tham gia và vận động trong chuỗi giá trị lâm sản toàn cầu và mong muốn thu được nhiều lợi ích từ thị trường ngoài nước. Chúng ta bán giá trị sản phẩm với kỳ vọng thu về lợi nhuận tương xứng với giá trị đó. Nếu chúng ta chỉ bán hàng, không nhập hàng về hoặc nhập về không tương xứng, có thể sẽ có tranh chấp thương mại.
Nhìn vào phân độ của chuỗi giá trị lâm sản toàn cầu ở phía Việt Nam, có thể thấy hiện nay, các chủ thể là nông dân, chủ rừng ở vùng núi, trung du, tạo ra ít giá trị gia tăng và cũng nhận được lợi nhuận thấp, trong khi họ là những đối tượng dễ bị tác động, ảnh hưởng bởi thiên tai, rủi ro, biến đổi khí hậu.
Theo ông cần làm gì để cải thiện điều này?
GS. TS Phạm Văn Điển: Cải thiện điều này không hẳn làm mất đi lợi ích hay lợi nhuận của các đối tượng ở những khâu tiếp nối trong chuỗi, như chế biến hay tiêu thụ mà là nâng cao giá trị ở chính khâu cung ứng, kết hợp với cơ chế đảm bảo sự hài hoà, bình đẳng, đảm bảo cho phát triển cao hơn và bền vững cho cả chuỗi. "Cơ chế" này phụ thuộc vào năng lực của toàn bộ cũng như của từng thành viên trong chuỗi giá trị. Chuỗi đó là một trong những biểu hiện của sự hợp tác, liên kết sản xuất hướng đến thị trường. Nói cách khác, chuỗi có khả năng tự cân bằng, tự điều hòa, nhưng việc Nhà nước hỗ trợ, kích thích để nâng cao tính bền vững và khả năng cạnh tranh của chuỗi, là rất cần thiết, là trách nhiệm kiến tạo.
Hiện, Tổng cục Lâm nghiệp đang tham mưu, trình Bộ NN&PTNT hoàn thiện dự thảo: “Chính sách đầu tư bảo vệ và phát triển rừng, chế biến và thương mại lâm sản trong lâm nghiệp". Dự thảo đang được lấy ý kiến các bộ, ngành và dự kiến trình Chính phủ vào tháng 9 tới đây.
Chính sách này hướng vào việc kích hoạt ý tưởng, tầm nhìn và nỗ lực của các bên tham gia vào chuỗi giá trị lâm sản cũng như trong tổng thể hệ sinh thái lâm nghiệp, qua đó đảm bảo cân bằng cho phát triển lâm nghiệp bền vững gắn với cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!
Đỗ Hương (thực hiện)