Cùng dự họp báo có đại diện lãnh đạo các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Y tế, Lao động-Thương binh và Xã hội, Công Thương, Tài chính, Giao thông vận tải, Xây dựng, Nội vụ, Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thanh tra Chính phủ.

Mở đầu họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn thông tin: hôm nay, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chính phủ đã tiến hành phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2021 trong bối cảnh chúng ta vừa tổ chức thành công cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 (ngày 23/5), đồng thời trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Tại phiên họp này, Chính phủ đã thảo luận các nội dung: Báo cáo về công tác phòng chống dịch COVID-19; tình hình kinh tế - xã hội tháng 5,5 tháng và dự báo thực hiện 6 tháng đầu năm, các giải pháp trong 6 tháng cuối năm 2021; báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; báo cáo đánh giá tình hình thực hiện NSNN tháng 5,5 tháng và dự báo thực hiện 6 tháng đầu năm, các giải pháp trong 6 tháng cuối năm 2021; Đề án thực hiện xây dựng đường bộcao tốc giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Các nội dung này được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo chuẩn bị rất kỹ càng, công phu từ khâu chuẩn bị tài liệu, báo cáo, tờ trình. Các thành viên Chính phủ thảo luận rất trách nhiệm, sâu sắc và thẳng thắn, đúng như phát biểu tại khai mạc phiên họp của Thủ tướng là: Nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật và để người dân, doanh nghiệp được hưởng lợi thật.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn trả lời vấn đề liên quan đến Quỹ vaccine. Ảnh: Nhật Bắc

Huy động các phần kinh tế, các tổ chức, cá nhân tham gia ủng hộ Quỹ vaccine

Cũng tại buổi họp báo Chính phủ, một câu hỏi được đặt ra, hiện tại người dân đang rất quan tâm và kỳ vọng vào Quỹ vaccine. Theo tính toán của Bộ Tài chính, chúng ta cần khoảng 25.000 tỷ đồng để miễn dịch cho 70% người dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên. Vậy đến giờ Quỹ đã có bao nhiêu tiền và chúng ta kỳ vọng như thế nào về Quỹ này trong thời gian tới?

Trả lời câu hỏi trên, Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn khẳng định, vấn đề tiêm vaccine để phòng chống dịch rất quan trọng, nguồn kinh phí để mua vaccine cũng như để tiêm vaccine rất lớn. Theo tính toán sơ bộ của Bộ Y tế, chi phí mua và tiêm vaccine khoảng 25.000 tỷ đồng. Ngoài ra còn phải tiêm nhắc lại hằng năm. Chính vì vậy, quan điểm của Đảng và Nhà nước là chúng ta sẽ dùng nguồn ngân sách Nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp thông qua xã hội hoá để mua và tiêm vaccine cho nhân dân.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ thành lập Quỹ vaccine. Ngay sau đó, Bộ Tài chính cũng có quyết định thành lập Ban Quản lý Quỹ, cũng như có Thông tư hướng dẫn về cơ chế quản lý Quỹ đảm bảo công khai, minh bạch, rõ ràng.

Liên quan đến huy động nguồn Quỹ, Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn cho hay, số dư của Quỹ hiện là gần 104 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã được các đơn vị tài trợ khoảng 1.000 tỷ đồng và sẽ chuyển vào Quỹ.

“Chúng tôi cũng đang tích cực làm việc với các đơn vị liên quan, như các doanh nghiệp thuộc Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cam kết ủng hộ cho Quỹ hơn 2.000 tỷ đồng. Các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, từ FDI cũng như doanh nghiệp tư nhân và một số đơn vị ngoài các doanh nghiệp thuộc Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp rất hưởng ứng trong việc ủng hộ Quỹ vaccine”- Thứ trưởng Bộ Tài Chính nói.

Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn cho biết thêm, sắp tới đây, Bộ Tài chính phối hợp với Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ khai trương và phát động các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân tham gia ủng hộ Quỹ vaccine. Bộ Tài Chính cũng đã làm việc với Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng như các bộ, ngành liên quan như Bộ TT&TT để ủng hộ Quỹ vaccine bằng nhiều hình thức đơn giản và thuận tiện nhất, góp phần cùng ngân sách Nhà nước đảm bảo đủ nguồn kinh phí để chúng ta mua vaccine phòng, chống dịch COVID-19.

Bộ Công Thương không đề xuất thành lập Quỹ Bình ổn giá thép

Liên quan đến vấn đề giá thép tăng cao đột biến đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp xây dựng. Vừa rồi, có thông tin cho rằng, Bộ Công Thương đã đề xuất Chính phủ thành lập Quỹ bình ổn giá thép. Trao đổi vấn đề này tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay, từ cuối năm 2020 đến nay, giá nguyên liệu sản xuất giá đã tăng rất cao khiến cho sản phẩm thép có sự tăng giá đột biến, gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp xây dựng, chủ đầu tư các dự án xây dựng. Cuối năm 2020, Bộ Công Thương đã có báo cáo lên Chính phủ về tình hình cung-cầu sản phẩm thép năm 2020 và dự báo tình hình cung-cầu và giá thép năm 2021.

Hiện nay, giá thép đang tăng rất cao và ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp. Ngày 8/5/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã có yêu cầu các bộ, ngành và Bộ Công Thương báo cáo về tình hình giá thép và đề xuất giải pháp. Bộ Công Thương đã có cuộc họp khẩn cấp với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thép hàng đầu Việt Nam như Tổng Công ty Thép Việt Nam, Hòa Phát, Hiệp hội Thép Việt Nam... về vấn đề này và đã có báo cáo lên Chính phủ.

“Thông tin về việc Bộ Công Thương đề xuất thành lập Quỹ bình ổn giá thép không phải ý kiến chính thức của Bộ Công Thương.”- Thứ trưởng Bộ Công thương khẳng định.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết thêm, ngày 20/5, Bộ Công Thương đã có báo cáo gửi đến Chính phủ đánh giá tình hình cung-cầu thép, đánh giá tình hình giá thép trong khu vực và trên thế giới và đề xuất giải pháp tác động tích cực về sự tăng giá của thép hiện nay, góp phần giảm gánh nặng về nguồn vật liệu cho các doanh nghiệp. Trong báo cáo gửi lên Chính phủ, Bộ Công Thương không đề xuất việc thành lập Quỹ Bình ổn giá thép.

Để từng bước điều chỉnh nguồn cung thép, bình ổn giá thép, định giá thép, tránh hiện tượng đầu cơ ép giá để trục lợi đối với các sản phẩm thép, Thứ trưởng nhấn mạnh: Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị, cơ quan thuộc Bộ nghiên cứu, rà soát và thực hiện việc xây dựng các hàng rào kỹ thuật và tiêu chuẩn chất lượng, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng; chủ động tiến hành triển khai các giải pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm thép phù hợp với các quy định thương mại và luật pháp quốc tế.

Theo dõi và xem xét xử lý kịp thời việc chống bán phá giá một số sản phẩm thép nhập khẩu vào thị trường Việt Nam cũng như đối phó với các vụ kiện chống bán phá giá của các nước đối với mặt hàng thép xuất khẩu của Việt Nam nhằm giảm thiểu thiệt hại cho các doanh nghiệp sản xuất thép.

Cùng với đó, tăng cường công tác quản lý thị trường để ngăn chặn, xử lý kịp thời hiện tượng đầu cơ tăng giá thép, thao túng giá thép trên thị trường, gian lận thương mại làm thất thu ngân sách Nhà nước và ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Bộ Công Thương cũng yêu cầu các đơn vị chức năng thuộc Bộ kiến nghị ban hành các chính sách kiểm soát xuất khẩu đối với các loại thép trong nước đang có nhu cầu và tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư sản xuất thép sớm đưa vào hoạt động./.

 
Mỹ Anh