Cần“cơ chế đặc thù” để cổ phần hóa DNNN? 

(ĐCSVN) - Tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) là vấn đề đang diễn ra nhưng có một thực tế khi việc chậm cổ phần hóa, thoái vốn cũng đồng nghĩa với khả năng gây thất thoát cho Nhà nước càng lớn. Vậy đã đến lúc cần có một cơ chế đặc thù để đẩy nhanh cổ phần hóa DNNN?

 

Cổ phần hóa DNNN cần“cơ chế đặc thù". Ảnh baodautu.vn


Cổ phần hóa DNNN và thoái vốn nhà Nước tại các doanh nghiệp vốn là 1 trong 3 nhiệm vụ quan trọng của tái cơ cấu nền kinh tế. Chính vì thế trong thời gian qua Chính phủ đã có những quyết tâm chính trị rất lớn bằng việc ban hành đồng bộ hệ thống cơ chế chính sách và chỉ đạo quyết liệt triển khai. Nhưng thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, đến nay mới cổ phần hóa được 35/127 doanh nghiệp của giai đoạn 2017-2020. Số doanh nghiệp còn phải cổ phần hóa từ nay tới năm 2020 là 92 doanh nghiệp, chiếm 72% kế hoạch. Điều đó đang đặt ra thực tế sự chậm trễ trong cổ phần hóa, thoái vốn dễ dẫn đến doanh nghiệp có tâm lý hoạt động cầm chừng chờ đợi làm ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Mà kéo theo đó là những doanh nghiệp đã yếu kém sẽ lại càng yếu kém hơn và Nhà nước sẽ càng khó khăn hơn khi thoái vốn.

Trong rất nhiều nguyên nhân khiến cổ phần hóa và thoái vốn chưa đạt mục tiêu đề ra, một nguyên nhân sâu xa được ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính nhắc đến là các cơ quan liên quan chưa nghiêm túc triển khai. Những vướng mắc về tài chính, đất đai, lao động, hay tỷ lệ vốn nhà nước trong phương án cổ phần hóa còn cao dẫn đến giảm sức hút với các nhà đầu tư. Trong đó, có phần do các quy định trong nhiều văn bản liên quan còn chồng chéo, cứng nhắc, gây khó khăn, lúng túng cho cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp thuộc diện thực hiện cổ phần hóa và thoái vốn.

Theo các chuyên gia kinh tế, trong quá trình cổ phần hóa thoái vốn Nhà nước, việc lựa chọn nhà đầu tư nội hay ngoại không quan trọng bằng việc đánh giá, lựa chọn được nhà đầu tư. Trong đó ưu tiên nhà đầu tư có công nghệ tiên tiến, có kinh nghiệm, cam kết gắn bó với thị trường Việt Nam trong dài hạn. Bởi thực tế không ít nhà đầu tư chiến lược Việt tham gia mua cổ phần của doanh nghiệp Nhà nước chỉ nhằm mục đích chính là bất động sản và những “khu đất vàng” hơn là nhằm vào thương hiệu hoặc ngành kinh doanh chính của doanh nghiệp. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn tại DNNN thời gian qua bị chậm lại. Do vậy các quy định pháp lý cần chặt chẽ hơn, một số khâu, công đoạn buộc phải kéo dài để tránh thất thoát như việc xác định giá trị doanh nghiệp, xử lý đất đai trước khi cổ phần hóa.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, nhiều trường hợp việc chậm cổ phần hóa, thoái vốn cũng đồng nghĩa với khả năng gây thất thoát cho Nhà nước càng lớn. Bởi theo phân tích của ông Long, đơn cử như nhà máy Bột Giấy Phương Nam, Công ty Gang thép Thái Nguyên bán nhiều lần không ai mua, hoặc không bán được do còn vướng mắc, tồn đọng chưa giải quyết được. Cổ phiếu của một số doanh nghiệp có vốn nhà nước trong một số ngành, lĩnh vực vốn rất hấp dẫn nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư ngoại như dược phẩm, công nghiệp nhựa, bia rượu nước giải khát đang giảm dần. Do đó nếu Nhà nước không có “cơ chế đặc thù” để thoái vốn nhanh, chắc chắn bất lợi và thiệt hại sẽ càng nhiều hơn.

Từ thực tế trên vậy tháo gỡ vấn đề trên như thế nào là vấn đề đang được đặt ra vào thời điểm hiện nay. Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, cổ phần hóa DNNN gặp những những vướng mắc chưa giải quyết được về mặt cơ chế, đặc biệt có vấn đề liên quan đến chuyển hóa từ các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước thành các mô hình công ty mẹ-con, từ đó thực hiện cổ phần cổ phần hóa gặp khó khăn vì thành công ty mẹ-con có mối quan hệ khác với DNNN nên cần cơ chế cụ thể về công ty mẹ-con cũng như thẩm quyền và trách nhiệm của công ty mẹ với công ty con ra sao? nhất là thẩm quyền về mặt tài sản, đất đai, các công trình gắn liền với đất.

Ông Thịnh nhìn nhận, khó khăn nhất trong cổ phần hóa DNNN trong thời gian qua gắn với tài sản Nhà nước trên đất đai, và việc cổ phần hóa gắn với đất thường phức tạp ở việc cơ chế của Nhà nước chủ yếu là tài sản doanh nghiệp, còn định giá đất hầu như không tính đến, nhất là các dự án mà doanh nghiệp thuê đất ngắn hạn, trả tiền theo một vài năm. Do đó cần xác định rõ cơ chế khi đất đó cổ phần hóa tính quy đổi ra phải được tính vào giá trị của doanh nghiệp và doanh nghiệp được sử dụng thế nào phải rõ ràng?.

Dẫn chứng các vụ vi phạm khi cổ phần hóa cốt “nhắm” đến miếng đất của doanh nghiệp, sau khi cổ phần hóa xong bắt đầu dùng “mánh lới” chuyển doanh nghiệp ra bên ngoài các khu đất vàng để xây chung cư dẫn đến nhiều vấn đề phức tạp, ông Thịnh cho rằng phải có cơ chế phân định rõ ràng về quyền và trách nhiệm nghĩa vụ của người đứng đầu DNNN?. Bởi theo ông Thịnh “chả ai đang có quyền muốn mình mất quyền?. Vì thế người có quyền quyết định trong cổ phần hóa kể cả ở cơ quan chủ quản tại các bộ đều không muốn cổ phần hóa”.

Từ thực tế đó, theo ông Thịnh, bây giờ cần phải có cơ chế để bắt buộc nếu như không cổ phần hóa thì sẽ như thế nào? có cơ chế thưởng phạt rõ ràng, nhất là cơ chế xử lý khi chậm trễ trong cổ phần hóa. “Nhiều người nói rằng khi cổ phần hóa phải đảm bảo giá trị của Nhà nước là đúng, nhưng không phải “vin” vào đó để kéo dài thẩm quyền của ban giám đốc khiến mãi không cổ phần hóa được, càng để có khi tài sản của doanh nghiệp lại bị mất giá đi. Cho nên phải có cơ chế trách nhiệm của người đứng đầu, các ban giám đốc nếu không cổ phần hóa thì trách nhiệm sẽ như thế nào?. Giá trị của doanh nghiệp được định giá theo thị trường và khi định giá sai thì trách nhiệm ra sao?. Lúc đó cổ phần hóa mới đẩy nhanh lên được”-ông Thịnh nói./.

 

 

 

 

Hà Vũ

294 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1254
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 1255
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87225733