Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những chứng tích của nó vẫn còn đó. Nhiều người may mắn được trở về trong vòng tay của gia đình, đồng đội nhưng cũng có những người đã mãi mãi ra đi không bao giờ trở lại. Họ đã nằm lại với đất mẹ và yên giấc ngàn thu...
Trong những ngày giữa tháng 7, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh- Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2017) tôi may mắn có dịp được cùng đoàn công tác của Đoàn khối các cơ quan Trung ương ghé thăm nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn (tỉnh Quảng Trị).
|
Rất nhiều người từ khắp mọi miền Tổ quốc trở về nghĩa trang Trường Sơn đặt vòng hoa, dâng hương tưởng nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ.
|
Đặt chân lên “mảnh đất máu”- nơi có hơn 10 nghìn liệt sĩ đang yên nghỉ này, cảm xúc đầu tiên của tôi là nghẹn ngào, là niềm tự hào dân tộc trỗi dậy.
|
Những phần mộ của các liệt sĩ nằm lại tại nghĩa trang Trường Sơn khiến tôi nghẹn lại, thầm biết ơn đến những anh hùng đã ngã xuống vì sự bình yên của Tổ quốc.
|
Không chỉ có đoàn công tác của chúng tôi dừng chân tại nơi đây, mà tại nghĩa trang Trường Sơn những ngày này còn có nhiều dòng người từ khắp mọi miền Tổ quốc hành hương về tri ân, tưởng nhớ tới công lao của những người anh hùng đã ngã xuống vì độc lập tự do của Tổ quốc.
Hòa lẫn vào dòng người thắp nén tâm nhang lên bia mộ của các liệt sĩ nằm lại ở nghĩa trang Trường Sơn. Tôi có dịp được nghe những câu chuyện của người thân các liệt sĩ vất vả ngược xuôi đi tìm hài cốt của các anh. Và khi đã tìm thấy hài cốt, điều mà những người thân nguôi ngoai nhất là các anh hùng liệt sĩ được cả nước tri ân, tưởng nhớ đến.
Tại một góc trong khu nghĩa trang, tôi vô tình bắt gặp hình ảnh một người đàn ông luống tuổi, mặc chiếc áo lính màu xanh đang sửa soạn đồ lễ trước một bia mộ, sửa soạn xong ông quỳ xuống, cúi đầu và cố ngăn dòng lệ đang rơi. Thoạt nhìn, nhiều người sẽ nghĩ người đàn ông này là một người lính đi thăm đồng đội cũ. Nhưng không, trò chuyện với tôi, người đàn ông này cho hay người đang an nghỉ tại nghĩa trang Trường Sơn là anh trai ruột của mình.
|
Ông Hồ Quốc Dũng (áo xanh) cùng người em rể của mình lặn lội từ Hà Tĩnh vào thăm mộ anh trai.
|
Lặn lội hàng trăm cây số từ xã Đức Trung, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh vào thăm mộ anh trai là liệt sĩ B. (hy sinh năm 1972 trên chiến trường Bình – Trị - Thiên), ông Hồ Quốc Dũng cho biết: “Anh trai tôi nhập ngũ năm 1969, khi ấy là lái xe tăng, đến năm 1972 hi sinh. Khi nghe tin anh hi sinh cả gia đình không muốn tin đó là sự thật, chỉ nghe đồng đội kể lại anh đã anh dũng chiến đấu và hi sinh đến hơi thở cuối cùng. Thế nhưng, phải mất hơn 40 năm sau vào năm 2014 gia đình tôi mới tìm lại được hài cốt của anh trai vì bia mộ ghi nhầm địa chỉ, quê quán”.
Trong suốt hơn 40 năm đi tìm hài cốt anh trai, ông Hồ Quốc Dũng cho biết đã gặp muôn vàn khó khăn, trắc trở bởi giấy tờ hồ sơ không còn, cũng không còn ai lưu giữ.
Ông Dũng kể: “Khi anh mất, cả nhà chỉ nhận được giấy báo tử chứ không nhìn thấy thi thể hay di vật của anh. Cả nhà, trong đó có bố mẹ tôi khi còn sống đều muốn tìm anh nhưng thời đó khó khăn. Sau hơn 40 năm lặn lội ngược xuôi, cuối cùng gia đình tôi đã tìm được anh, chắc giờ này bố mẹ nơi chín suối cũng được an nghỉ”.
|
Ông Dũng chia sẻ với PV báo Người Đưa Tin về người anh đã nằm lại trên mảnh đất Quảng Trị trong những năm tháng chiến tranh.
|
Theo lời chia sẻ của ông Dũng, kể từ khi tìm được mộ của anh trai, năm nào ông cũng vào thăm anh: “Không năm nào vào dịp 27/7 là tôi không đi thăm anh. Mọi năm tôi cùng anh em trong nhà vào Nghĩa trang Trường Sơn thăm, nhưng năm nay chỉ có tôi và người em rể vì điều kiện đường xá xa xôi. Tôi cũng đã chuẩn mũ áo, hương, hoa, và bắt xe đi từ rất sớm để kịp thắp cho anh nén hương”.
|
Người em trai sửa soạn quần áo, hương hoa cho anh.
|
|
Thắp nén hương cho anh...
|
|
... cho cả những đồng đội của anh đang an nghỉ tại nghĩa trang Trường Sơn.
|
Không chỉ có ông Dũng mà còn nhiều người thân của các liệt sĩ, hay kể cả những người con chưa một lần gọi tên các anh trên dải đất hình chữ S đều về đây, thắp nén tâm nhang tưởng nhớ công ơn đến các anh. Tôi tin chắc, mỗi người khi đến đây đều có những cảm xúc đặc biệt thiêng liêng. Dù các anh đã mãi mãi nằm vào lòng đất mẹ, nhưng những bia đá khắc tên các anh như nhắc nhớ bao thế hệ: "Đời đời ghi nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ".