|
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực báo cáo tại phiên họp. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng
|
Thực hiện đồng bộ 'mục tiêu kép'
Báo cáo tại phiên họp, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực cho biết, cử tri và nhân dân đánh giá cao sự nỗ lực của các cơ quan Đảng, Nhà nước, Hội đồng Bầu cử Quốc gia, các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương và ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã tổ chức thành công cuộc bầu cử trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp, với tỉ lệ cử tri đi bầu cử đạt 99,60%; bầu một lần đủ đại biểu Quốc hội, đủ đại biểu HĐND cấp tỉnh và cơ bản đủ đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã; chất lượng đại biểu được nâng lên, cơ cấu, thành phần cơ bản đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Thành công của cuộc bầu cử thể hiện tinh thần yêu nước, niềm tin tuyệt đối của cử tri và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.
Về công tác phòng, chống dịch COVID-19, cử tri và nhân dân cảm nhận sâu sắc thời gian vừa qua, Đảng, Nhà nước đã lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, nỗ lực thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19; triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phát triển KTXH, bảo đảm ổn định đời sống nhân dân. Cử tri và nhân dân đánh giá cao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm đề ra và thực hiện quyết liệt các biện pháp "5K + vaccine"; nỗ lực đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước; xây dựng và triển khai kế hoạch tiêm phòng vaccine cho người dân, trong đó tập trung ưu tiên cho các đối tượng ở tuyến đầu phòng, chống dịch, vùng có nguy cơ cao, người lao động trực tiếp sản xuất ở các khu công nghiệp.
Việc thành lập Quỹ Vaccine phòng, chống COVID-19 đã thu hút được sự quan tâm, nhiệt tình ủng hộ của đông đảo người dân, doanh nghiệp và đồng bào ta ở nước ngoài, qua đó, thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, sẵn sàng chia sẻ với ngân sách Nhà nước, góp phần chung tay cùng Chính phủ sớm đẩy lùi dịch bệnh. Cử tri và nhân dân tiếp tục bày tỏ sự trân trọng, biết ơn những nỗ lực, hy sinh của các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch, nhất là của đội ngũ y bác sĩ, nhân viên ngành y tế, các chiến sĩ lực lượng vũ trang, cán bộ cơ sở và các lực lượng khác.
Cử tri và nhân dân mong muốn Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường, nâng cao hiệu quả các biện pháp phòng, chống tình trạng lây lan dịch bệnh COVID-19 trong cộng đồng, đặc biệt là tình trạng lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám, chữa bệnh, các khu cách ly tập trung, khu công nghiệp.
Bên cạnh đó, cử tri và nhân dân đề nghị Chính phủ và Bộ Y tế tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa việc nghiên cứu, phát triển, sản xuất vaccine COVID-19 trong nước; khẩn trương triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 toàn dân, phấn đấu đạt mục tiêu cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022 có thể đạt miễn dịch cộng đồng, góp phần khôi phục sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống nhân dân.
Về phát triển KTXH, cử tri và nhân dân ghi nhận và đánh giá cao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo kịp thời, quyết liệt, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh; kiên định thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển KTXH.
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các ngành chức năng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thành lập mới tham gia thị trường và doanh nghiệp quay lại hoạt động. Cử tri và nhân dân ghi nhận nỗ lực của Chính phủ, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương và các bộ, ngành, địa phương trong việc tích cực tìm "đầu ra" cho nông sản; thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu nông sản tới nhiều thị trường tiềm năng như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Singapore… nhất là thị trường Trung Quốc, góp phần quan trọng duy trì được mức tăng trưởng đạt 3,69% của ngành nông nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2021.
Cử tri và nhân dân mong muốn Chính phủ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách, biện pháp hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Các bộ, ngành, chính quyền địa phương tiếp tục đề ra nhiều giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, chú trọng đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án trọng điểm, quan tâm đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng, vùng kinh tế động lực, địa bàn còn nhiều khó khăn. Tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Cử tri và nhân dân cũng bày tỏ lo lắng về tình hình dịch COVID-19 đã và đang ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, dẫn đến việc một số lượng lớn người lao động bị thiếu hoặc mất việc làm, thu nhập bấp bênh; mong muốn các ngành chức năng tiếp tục quan tâm nâng cao đời sống của người dân, đặc biệt là cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; quan tâm tới đời sống người lao động tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Đồng thời, mong muốn Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương và địa phương khẩn trương thực hiện gói 26.000 tỷ đồng hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo tinh thần Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ, góp phần duy trì, tạo việc làm mới, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho nhân dân.
Bên cạnh đó, cử tri và nhân dân cũng mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh công cuộc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, có biện pháp kịp thời, hiệu quả hơn nữa trong việc thu hồi tài sản tham nhũng. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống "chạy chức, chạy quyền". Loại bỏ ra khỏi bộ máy Nhà nước những cán bộ thoái hóa, biến chất. Đề nghị sớm thực hiện cải cách chính sách tiền lương, thu nhập, nâng cao đời sống cán bộ, công chức, viên chức để họ yên tâm công tác, góp phần tích cực trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
|
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng
|
Những kiến nghị lớn
Trên cơ sở ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nêu lên 5 kiến nghị lớn.
Thứ nhất, đề nghị các vị đại biểu Quốc hội đề cao trách nhiệm, nỗ lực thực hiện chương trình hành động và lời hứa trước cử tri trong quá trình vận động bầu cử; phát huy trí tuệ, gương mẫu, bản lĩnh, thật sự gắn bó "máu thịt" với nhân dân: Tận tụy để dân mến, trách nhiệm để dân thương, kỷ cương để dân trọng, năng động để dân nhờ.
Thứ hai, đề nghị Quốc hội tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động, nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao; thể chế hóa kịp thời Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; quan tâm sửa đổi, bổ sung Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND; sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai; xây dựng Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Luật Hoạt động giám sát của nhân dân; chú trọng giám sát việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án, công trình trọng điểm và công tác giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân.
Thứ ba, đề nghị Chính phủ chỉ đạo khẩn trương triển khai các chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; sớm có đề án tổng thể và nghị quyết chuyên đề về thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, thích ứng với nền kinh tế số. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ để nâng cao chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước.
Thứ tư, đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo để sớm ban hành các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Kịp thời bổ sung, cụ thể hóa các cơ chế, chính sách đủ mạnh để góp phần phát triển KTXH, trong đó, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách để phát huy nguồn lực, hỗ trợ, duy trì, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, không để đứt gãy các chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm.
Cần chú trọng xây dựng các chính sách và biện pháp thúc đẩy tiêu dùng trong nước. Có cơ chế khuyến khích các cơ quan, đơn vị, các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội thực hiện có hiệu quả hơn nữa cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhằm khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, trí tuệ, bản lĩnh, trách nhiệm, khát vọng vươn lên của người Việt trong sản xuất, kinh doanh, quảng bá và sử dụng hàng Việt Nam, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội.
Thứ năm, đề nghị Chính phủ chỉ đạo và kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng Quỹ Vaccine phòng, chống COVID-19, minh bạch thông tin về tiếp nhận và sử dụng nguồn tài trợ của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Chính phủ cần quản lý và kiểm soát tất cả các hoạt động mua sắm và phân phối vaccine; quy định rõ việc phân cấp cho địa phương, tổ chức, doanh nghiệp trong việc tiếp cận, mua và sửa dụng vaccine; quy định rõ trách nhiệm của cơ quan chức năng trong việc kiểm soát, thẩm định chất lượng, nguồn vaccine; kiên quyết không để xảy ra tình trạng tham nhũng, lãng phí./.
Nguyễn Hoàng