Cam Lộ (Quảng Trị): Gần một thập niên xây dựng nông thôn mới 

(Xây dựng) - Ngày 16/4/2020, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký ban hành Quyết định số 520/QĐ-TTg công nhận huyện Cam Lộ (Quảng Trị) đạt chuẩn nông thôn mới 2019. Dự kiến đến tháng 7, Cam Lộ - huyện đầu tiên của Quảng Trị sẽ tổ chức Lễ đón nhận quyết định trên.

Vậy là gần một thập niên triển khai thực hiện (2011 – 2019) đến nay, huyện Cam Lộ đã thực sự là huyện đầu tiên của tỉnh Quảng Trị đạt nông thôn mới cấp huyện. Nhân sự kiện này, phóng viên Báo điện tử Xây dựng có buổi trò chuyện với ông Ngô Quang Chiến – Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ.

cam lo quang tri gan mot thap nien xay dung nong thon moi
Ông Ngô Quang Chiến – Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ.

PV: Trước hết, xin chúc mừng huyện nhà và cá nhân Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ về sự kiện trên. Xin ông vui lòng đánh giá khái quát những kết quả cơ bản đạt được qua gần một thập niên huyện Cam Lộ thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới?

Ông Ngô Quang Chiến: Sau khi hoàn thành 19/19 tiêu chí xã nông thôn mới và 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới, diện mạo nông thôn huyện Cam Lộ có nhiều đổi thay vượt bậc, kinh tế tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực; sản xuất phát triển, thu nhập của nhân dân được nâng cao; các di tích lịch sử và truyền thống văn hóa không ngừng được gìn giữ và phát triển; chất lượng giáo dục, y tế được đảm bảo; cảnh quan, môi trường nông thôn được cải thiện; an ninh trật tự được đảm bảo; người dân được thụ hưởng cuộc sống đầy đủ về vật chất, tinh thần.

Tổng nguồn lực thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới từ năm 2011 đến 2019, huyện Cam lộ đã huy động được: 3.017 tỷ đồng trong đó: Ngân sách Nhà nước 1.214,790 tỷ đồng, chiếm 40,3%; vốn tín dụng: 663,74 tỷ đồng, chiếm 22%; vốn doanh nghiệp: 648,002 tỷ đồng, chiếm 21,5%; vốn nhân dân đóng góp: 490,468 tỷ đồng, chiếm 16,3%; nguồn lực được phân bổ, quản lý, sử dụng đảm bảo đúng nguyên tắc, đúng mục đích, đúng đối tượng, có trọng tâm, trọng điểm, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân. Đến thời điểm ngày 31/11/2019, trên địa bàn huyện Cam Lộ không có nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới.

Toàn bộ hệ thống giao thông trên địa bàn huyện được đảm bảo theo chuẩn nông thôn mới, gồm 124,8/124,8km đường xã, liên xã được cứng hóa, đạt 100%; 140,2/140,2km đường từ trung tâm xã đến đường huyện được nhựa hóa, bê tông hóa, đạt 100%; 136,8/160,1km đường trục thôn được bê tông hóa, đạt 85,5%; 104,7/104,7km đường ngõ xóm được cứng hóa, đạt 100%; 161,0/179,5km đường trục chính ra đồng được cứng hóa, đạt 89,7%.

Hệ thống thủy lợi nội đồng được đảm bảo phục vụ sản xuất và phòng chống thiên tai. Tỷ lệ diện tích đất sản xuất lúa được tưới và tiêu nước chủ động tại các xã đạt 100% và 50% cho cây trồng cạn. Từ năm 2011 đến nay huyện đã đầu tư sửa chữa, nâng cấp 45 hồ, đập nhỏ, 10 trạm bơm; Xây dựng mới 10 hồ, đập và 2 trạm bơm, kiên cố hóa 72km kênh mương với tổng kinh phí gần 600 tỷ đồng. Đồng thời huyện đã phân cấp, phân quyền quản lý, khai thác và vận hành đảm bảo phát huy hiệu quả các công trình sau đầu tư.

100% xã, thị trấn có hệ thống điện đạt chuẩn, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của ngành Điện; có 14.599/14.599 hộ, 100% doanh nghiệp được sử dụng điện thường xuyên, an toàn. Để đảm bảo lưới điện vận hành an toàn đáp ứng được nhu cầu sử dụng phục vụ phát triển sản xuất và sinh hoạt của người dân, huyện đã đầu tư, duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp đường dây, trạm biến áp được tiến hành thường xuyên (Đường dây 35kV: 23,0km; đường dây 22kV: 148,5km và đường dây hạ áp: 256,8km; 165 trạm biến áp); Hưởng ứng phong trào “Thắp sáng đường quê”; Xây dựng “Khu dân cư kiểu mẫu”, đã phát động nhân dân tự đóng góp, xây dựng mới hệ thống điện chiếu sáng với hơn 5.460 bóng đèn, 273km đường điện, hơn 3.200 cột đèn ở các tuyến đường.

cam lo quang tri gan mot thap nien xay dung nong thon moi
Đường liên thôn khang trang thuộc xã Cam Chính, huyện Cam Lộ.

Toàn huyện có 24/24 Trường THCS, Tiểu học và Mầm non đạt chuẩn quốc gia, là huyện duy nhất của tỉnh đến thời điểm hiện nay có số trường học thuộc các cấp học đạt chuẩn quốc gia 100%; ngoài ra bậc THPT đã có 3/4 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 75%. Năm 2019, huyện được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS đạt 97,3%. Số lao động có việc làm qua đào tạo là 18.641 người, chiếm 59,65%. Hạ tầng thương mại nông thôn tại các xã được đảm bảo; các điểm phục vụ bưu chính đều đảm bảo 100%, cung ứng tốt các dịch vụ về bưu chính, viễn thông.

Đài truyền thanh xã và 100% số thôn trong xã đều có tối thiểu 01 cụm loa hoạt động tốt, có 105/105 thôn, bản, khu phố có hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ truy cập internet. Trên địa bàn huyện không có hộ ở nhà tạm, nhà dột nát, 97,8% hộ có nhà ở đạt tiêu chuẩn theo quy định (35.986/36.780 hộ); không có hộ nghèo thuộc diện chính sách. 100% xã, thôn, bản có hội trường đa năng, hội trường thôn đạt chuẩn 100%; bên cạnh đó, huyện đã đầu tư xây dựng mới Trung tâm Văn hóa ngoài trời Bàu Ra, với quy mô 25.000m2 đảm bảo theo chuẩn quy định, phục vụ tốt các hoạt động sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao trên địa bàn.

Trung tâm y tế huyện xếp hạng III theo Quyết định số 2796/QĐ-UBND ngày 16/10/2017 của UBND tỉnh Quảng Trị; 100% xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểu y tế 41.885 người (87,7%) tăng 20,1% so với 2011; Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi bình quân các xã, thị trấn giảm còn 6,29%.

Cùng với việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đời sống, văn hóa, Cam Lộ cũng xác định phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển công nghiệp, dịch vụ nhằm nâng cao thu nhập cho người dân là nội dung cốt lõi trong xây dựng nông thôn mới.

Nâng cao thu nhập cho người nông dân là mục tiêu, động lực thúc đẩy thành công hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch xây dựng nông thôn mới của huyện trong giai đoạn 2011 - 2020.

Bằng nhiều giải pháp chỉ đạo cụ thể gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, tạo đà bứt phá cho lĩnh vực nông thôn phát triển toàn diện, bền vững, năm 2011 thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn 13,2 triệu đồng/người/năm; năm 2019 là 38,34 triệu đồng/người/năm, tăng 25,14 triệu đồng tương đương 1,9 lần.

Bên cạnh nâng cao thu nhập, công tác xóa đói giảm nghèo đạt được nhiều kết quả vượt bậc, mặc dù là một huyện còn nghèo, song với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, xây dựng các kế hoạch giảm nghèo có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng nhu cầu của các đối tượng hưởng lợi, lồng ghép, huy động các nguồn lực đầu tư đạt hiệu quả, tạo sự đồng thuận vươn lên của các hộ nghèo.

Năm 2011, toàn huyện có 1.654 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 13,94%, năm 2019 có 609 hộ nghèo, chiếm 4,17%, giảm 9,78% (1.045 hộ) so với năm 2011, kết quả điều tra sơ bộ cuối năm 2019 (hộ nghèo tính cho năm 2020) có 527 hộ nghèo, chiếm 3,57%, giảm 82 hộ ( giảm 0,59%) so với năm 2019.

PV: Xin ông nhấn mạnh vai trò lãnh đạo, chỉ đạo trong việc triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện Cam Lộ?

Ông Ngô Quang Chiến: Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết lãnh đạo, quyết định thành lập Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện; HĐND huyện ban hành Nghị quyết về cơ chế hỗ trợ, UBND huyện đã thành lập Văn phòng Điều phối nông thôn mới, ban hành Đề án “Huyện nông thôn mới” và các kế hoạch để triển khai thực hiện. Huyện đã tập trung chỉ đạo với các nội dung hết sức cụ thể “gắn việc xây dựng xã nông thôn mới song song với thực hiện các tiêu chí nông thôn mới cấp huyện theo Quyết định 558 của Thủ tướng Chính phủ” với tinh thần và quan điểm chỉ đạo chung, đó là: Xây dựng nông thôn mới phải xem tái cơ cấu nông nghiệp là then chốt; tam nông là chiến lược; nông thôn mới là căn bản; nông dân là chủ thể.

Xây dựng nông thôn mới phải sáng, xanh, sạch, đẹp, gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa của địa phương. Xây dựng nông thôn mới không chạy theo hình thức mà phải thực hiện được tinh thần 4 có: Có công việc cụ thể; có địa chỉ cụ thể; có phân công cụ thể; có hiệu quả cụ thể; phải dựa vào nội lực là chính, không huy động quá sức dân, không để nợ đọng cơ bản, lấy thu nhập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi trong chỉ đạo.

Chính phủ giao cho UBND tỉnh Quảng Trị chỉ đạo huyện Cam Lộ tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, chú trọng về tiêu chí sản xuất và môi trường để đảm bảo tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới. Bằng những kinh nghiệm quý báu, trong gần một thập niên qua, tin chắc rằng sự duy trì và sự nâng cao ấy mãi mãi hiện hữu trên miền quê bán sơn địa này.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hữu Tiến

431 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 918
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 918
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87120836