Cam kết và quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam đối với phát triển bền vững 

(Chinhphu.vn) - Với việc Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị thượng đỉnh các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Liên Hợp Quốc (LHQ) là minh chứng cho cam kết và quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam về phát triển bền vững - “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Cam kết và quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam đối với phát triển bền vững - Ảnh 1.

Bà Rana Flowers, Quyền Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc (LHQ) tại Việt Nam - Ảnh: VGP/ Văn Cường

Bà Rana Flowers, Quyền Điều phối viên thường trú của LHQ tại Việt Nam đã nhấn mạnh điều này trong cuộc phỏng vấn với Báo Điện tử Chính phủ trước thềm chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao khóa 78 Đại hội đồng LHQ.

Hội nghị thượng đỉnh lần này là thời điểm để thế giới cùng nhau thảo luận nhằm ứng phó với các vấn đề cấp bách như nghèo đói, biến đổi khí hậu, phục hồi sau đại dịch COVID-19, xây dựng lại lòng tin, thúc đẩy toàn cầu tăng cường hành động về Chương trình Nghị sự 2030 và các mục tiêu phát triển bền vững tiến tới hòa bình, thịnh vượng cho tất cả mọi người. .

Quyền Điều phối viên thường trú của LHQ tại Việt Nam tin tưởng, đến với Hội nghị, Đoàn Việt Nam sẽ nêu bật được những tiến bộ mạnh mẽ trong việc thực hiện phát triển bền vững, chia sẻ kinh nghiệm hay và các việc cần làm trong thời gian tới. 

Việt Nam đạt được những tiến bộ đáng kể trong phát triển bền vững

Đánh giá về nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc thực hiện các SDG, bà Rana Flowers cho rằng, Việt Nam đã đạt được những thành quả đáng kể ở nhiều mục tiêu và chỉ tiêu phát triển bền vững.

Theo đó, Việt Nam đã đạt tiến bộ lớn trong những mục tiêu liên quan đến xóa đói, giảm nghèo; quyền tiếp cận nước sạch và điều kiện vệ sinh; phát triển công nghiệp và cơ sở hạ tầng cũng như tiếp cận công nghệ thông tin và Internet.

Liên quan tới các thách thức trong việc thực hiện các SDG tại Việt Nam, Quyền Điều phối viên thường trú của LHQ cho rằng, hiện nay đó là vẫn còn có khoảng cách trong việc đo lường tiến trình thực hiện các SDG.

"Việt Nam cần đẩy mạnh đầu tư để đưa tất cả các SDG trở lại đúng lộ trình, nhằm đạt được các mục tiêu năm 2030", bà Rana khuyến nghị.

Bà Rana chia sẻ, các tổ chức quốc tế sẵn sàng hợp tác với Việt Nam bổ sung các nguồn lực về tài chính, bao gồm nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực này.

Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong khu vực và trên thế giới

Đại diện LHQ ghi nhận và đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong LHQ kể từ khi chính thức tham gia từ tháng 9/1977. Trong 45 năm qua, Việt Nam đã chuyển đổi từ một quốc gia nhận sự hỗ trợ của LHQ, trở thành một quốc gia có năng lực ngày càng tăng, đóng góp mạnh mẽ vào các Chương trình Nghị sự khu vực và toàn cầu.

"Như đã nêu trong Khuôn khổ hợp tác chiến lược chung giữa LHQ tại Việt Nam và Chính phủ Việt Nam, các cơ quan của LHQ cam kết tiếp tục phối hợp chặt chẽ để hỗ trợ Việt Nam thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững", bà Rana khẳng định.

Theo Quyền Điều phối viên thường trú của LHQ, Việt Nam là một thành viên chủ động, tích cực và trách nhiệm trong các tiến trình đa phương. Ngày nay, Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong khu vực và trên thế giới, trong đó phải kể đến vai trò tích cực trong việc gìn giữ hòa bình, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020 - 2021và Chủ tịch ASEAN năm 2020.

Việt Nam đã chứng tỏ mình là một thành viên ngày càng tích cực của cộng đồng quốc tế, bao gồm cả những đóng góp cho các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ và Chương trình nghị sự về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh của Hội đồng Bảo an LHQ.

Việt Nam được đánh giá cao nhờ những cam kết kiên định đối với Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển Bền vững, cũng như mục tiêu hướng đến phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, từ đó thúc đẩy sự phát triển của đất nước theo hướng toàn diện, bền vững.

Với việc Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023 - 2025, LHQ rất hoan nghênh các cam kết của Việt Nam về việc củng cố quyền con người trên mọi lĩnh vực và hoanh nghênh các hành động tiếp theo nhằm bảo đảm cơ chế thông thoáng để Chính phủ lắng nghe tiếng nói của người dân, đồng thời tiếp tục bảo vệ tốt hơn quyền của các nhóm dễ bị tổn thương, phù hợp với các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế, với mục tiêu "không để ai bị bỏ lại phía sau"./.

Thùy Dung 

160 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1119
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1119
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87074987