Cam kết trách nhiệm người đứng đầu - Dấu ấn trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng ở Quảng Trị 

Phát huy vai trò nêu gương và tính chịu trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu đã được nhiều văn bản của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đề cập. Từ hướng dẫn, gợi ý của Ban Tổ chức Trung ương tại văn bản số 2952-CV/BTCTW, ngày 20/6/2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị đã thử nghiệm và nhân rộng thành công mô hình người đứng đầu và tập thể lãnh đạo cấp dưới ký cam kết trách nhiệm với Ban Thường vụ và lãnh đạo cấp trên. Sau gần 2 năm triển khai thực hiện, kết quả “thu hoạch” bước đầu đã vượt ngoài mong đợi.

Gắn lời hứa và trách nhiệm

Nhằm nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, gắn trách nhiệm người đứng đầu với “sản phẩm” cụ thể trong lãnh đạo, chỉ đạo, bắt đầu từ năm 2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị đã thí điểm thực hiện ký cam kết trách nhiệm của ban thường vụ và đồng chí bí thư cấp ủy cấp huyện với Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Nội dung cam kết đi sâu vào các nhiệm vụ trọng tâm, đầu việc cụ thể, có sự tương tác trách nhiệm giữa cấp trên và cấp dưới trong triển khai thực hiện để hướng tới mục tiêu chung.

Cùng với việc cam kết thực hiện các nội dung tự xây dựng và đăng ký với Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo mẫu hướng dẫn, mỗi cấp ủy và người đứng đầu các địa phương, đơn vị được “ đặt hàng” thêm từ 3-4 nhiệm vụ trọng tâm, những “đặt hàng” này gắn với các nhiệm vụ cụ thể mà địa phương phải phấn đấu thực hiện để tạo đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội (như xây dựng các mô hình trong sản xuất nông nghiệp...) hoặc khắc phục các hạn chế (như công tác phát triển đảng, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo...). Qua thực hiện thí điểm cam kết đối với 10 huyện, thành, thị  trong năm 2017, kết quả có thể đo lường, “ đong đếm” được là các đơn vị cấp huyện đều thử nghiệm thành công các mô hình mới, đem lại hiệu quả trong phát triển kinh tế-xã hội; các khuyết điểm, hạn chế đã chỉ ra trong kiểm điểm năm trước thì năm sau phần lớn đã được sửa chữa, khắc phục. Từ những kết quả rõ nét đó, năm 2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất cao mở rộng đối tượng ký cam kết đến người đứng đầu tất cả các sở, ban, ngành cấp tỉnh, với 61 đầu mối. Việc tất cả các sở, ban, ngành cấp tỉnh và ban thường vụ cấp huyện cùng thực hiện ký cam kết với Ban thường vụ Tỉnh ủy được nhìn nhận như là khởi xướng một dàn đồng ca, bởi các ngành, các địa phương có mối quan hệ với nhau trong thực hiện nhiệm vụ chính trị và việc ký cam kết với ban thường vụ tỉnh ủy đòi hỏi tính đồng loạt, cùng nhau hưởng ứng và hành động, không dừng lại ở phát động, dưới sự chỉ đạo của “ nhạc trưởng” là Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Bám sát các nội dung cam kết, các địa phương, đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, ban hành văn bản cụ thể hóa và phân công thực hiện nhiệm vụ được giao. Tổ chức quán triệt các nội dung cam kết đến cán bộ, đảng viên, đưa các nội dung cam kết vào chương trình công tác năm; phân công nhiệm vụ cụ thể trong tập thể cấp ủy, lãnh đạo, các phòng ban liên quan để chỉ đạo, phối hợp thực hiện với quyết tâm chính trị cao,  xác định lộ trình và thời gian hoàn thành. Cam Lộ, Triệu Phong là những địa phương đã mạnh dạn công khai nội dung cam kết của đồng chí Bí thư cấp ủy đến tận chi bộ để cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia giám sát. 10/10 huyện, thành, thị trong tỉnh đã tổ chức ký cam kết trách nhiệm của ban thường vụ và người đứng đầu cấp ủy các xã, phường, thị trấn, người đứng đầu mặt trận, các đoàn thể chính trị-xã hội, các ban đảng, văn phòng huyện ủy, trung tâm BDCT huyện với ban thường vụ huyện ủy; chỉ đạo đảng ủy các xã, phường, thị trấn tổ chức ký cam kết trách nhiệm của chi bộ và bí thư chi bộ thôn với đảng ủy xã; chỉ đạo UBND huyện tổ chức ký cam kết trách nhiệm của người đứng đầu các phòng, ban chuyên môn của UBND huyện. Một số đơn vị như Sở Công thương, Sở Giao thông Vận tải, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy... đã đưa nội dung cam kết với cấp trên vào trong Bản đăng ký và cam kết hàng năm của đảng viên (theo mẫu quy định tại Công văn 2952-CV/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương) để đến cuối năm lấy kết quả thực hiện các nội dung cam kết đã đăng ký làm căn cứ để bình xét phân loại đảng viên, công chức. Sự đồng thuận hưởng ứng đã tạo hiệu ứng tích cực trong toàn hệ thống chính trị theo phương châm: Cấp huyện căn cứ nhiệm vụ của cấp tỉnh; cấp xã căn cứ nhiệm vụ của cấp huyện; cấp thôn căn cứ nhiệm vụ của cấp xã; các phòng, ban, bộ phận và cán bộ, đảng viên căn cứ nhiệm vụ của chi bộ, cơ quan, đơn vị để kịp thời cụ thể hóa các phần việc cụ thể trong nhiệm vụ trọng tâm đó.

Các nhiệm vụ cam kết được xác định không phải là những nội dung mang tính định tính thường bắt đầu bằng những cụm từ như “tăng cường”, “ đẩy mạnh”, “ nâng cao”, hay là những nhiệm vụ thường xuyên mà cấp ủy đương nhiên phải chỉ đạo thực hiện. Trên quan điểm rõ người, rõ việc, những vấn đề cam kết được đặt ra có tính định lượng trên tinh thần cụ thể hóa các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, cho ra kết quả cụ thể, “ tai nghe mắt thấy” và đo đếm được sau khi hoàn thành, liên quan trực tiếp đến các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra trong năm, trong đó lĩnh vực kinh tế-xã hội tập trung vào công tác quản lý đất đai, phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, xây dựng nông thôn mới; đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, đô thị; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án động lực mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã xác định; phát triển giáo dục đào tạo, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, giải quyết việc làm; đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch… Trong công tác xây dựng Đảng tập trung nhiệm vụ sắp xếp tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế theo Nghị quyết 18, 19 của BCH Trung ương Đảng khóa XII, phát triển đảng viên trong doanh nghiệp ngoài nhà nước, xóa thôn bản trắng đảng viên; giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo…, mà các địa phương, đơn vị phải thực hiện bằng cam kết trách nhiệm của người đứng đầu.

 Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng về phát triển kinh tế-xã hội rõ nét, hiệu quả

Qua thực hiện chủ trương cam kết trách nhiệm người đứng đầu đã lộ diện rõ nét điểm mới trong phương thức lãnh đạo của cấp ủy đảng trong phát triển kinh tế-xã hội. Đảng không can thiệp sâu, chỉ đạo cụ thể chính quyền, cơ quan nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, không quyết định những vấn đề cụ thể thuộc thẩm quyền của cơ quan nhà nước nhưng thông qua lãnh đạo, giao việc cho “con người của Đảng”, cấp ủy đảng cấp trên đã hướng ban thường vụ và người đứng đầu cấp ủy cấp dưới vào việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm hàng năm mà Nghị quyết cấp ủy đã xác định.

Từ đặc điểm của Quảng Trị là địa phương có nền nông nghiệp đang giữ vai trò chủ đạo, bài toán nâng cao thu nhập cho người dân từ sản xuất nông nghiệp luôn là vấn đề trăn trở của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị. Ngay đầu nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết 04-NQ/TU về đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chỉ đạo xây dựng Đề án “Phát triển một số cây trồng, con nuôi chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên địa bàn tỉnh” để thúc đẩy phát triển sản xuất, kích cầu sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Trên nền định hướng chung đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo và yêu cầu mỗi địa phương phải cam kết triển khai 3-5 mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch mỗi năm, đáp ứng yêu cầu “Xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm” được xác định trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và được nghị quyết chuyên đề của cấp ủy cụ thể hóa. Với “đề bài” được giao trong Bản cam kết, lãnh đạo ngành nông nghiệp, ngành khoa học công nghệ, các địa phương đã bắt tay vào cuộc, tập trung thực hiện quyết liệt việc chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, tạo phong trào, khí thế mới ở hầu hết các địa phương trong tỉnh. Khoảng thời gian từ năm 2017 đến nay đã ghi dấu ấn đậm nét trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao với việc hình thành nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả. Nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh đã được tổ chức liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, được công bố chỉ dẫn địa lý, có chỗ đứng trên thị trường nội địa và xuất khẩu như gạo hữu cơ và các sản phẩm organic Quảng Trị, cà phê Arabica Khe Sanh, chè vằng La Vang, cà gai leo An Xuân, tiêu Cùa... Lần đầu tiên hồ tiêu Quảng Trị được xuất khẩu qua Mỹ và Pháp, là những sự kiện chưa từng có của nông nghiệp Quảng Trị.

Nếu như cuối năm 2016 có chưa đến 10 mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ thì đến nay trên địa bàn toàn tỉnh đã xây dựng được trên 100 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Điển hình như mô hình hợp tác liên kết sản xuất lúa hữu cơ đã được triển khai trên diện tích 250 ha tại các huyện Triệu Phong, Gio Linh, Vĩnh Linh, Hải Lăng, Cam Lộ, cho ra đời thương hiệu gạo hữu cơ Quảng Trị, được đưa vào phân phối tại các chuỗi siêu thị lớn. Mô hình trồng gắn chế biến cây dược liệu ở Cam Lộ, mô hình trồng rau theo phương pháp thủy canh, trồng dưa lưới trong nhà kính, nhà màng tại các huyện Hải Lăng, Gio Linh, Vĩnh Linh khá thành công, tạo ra sản phẩm chất lượng, sạch và an toàn thực phẩm, được thị trường đón nhận. Cái được rõ nhất là tư duy sản xuất nông nghiệp có nhiều đổi mới; ruộng đồng được dồn điền đổi thửa để hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chuyên canh, có sự tham gia của doanh nghiệp và hợp tác xã. Thu nhập người dân nông thôn tăng, người nông dân đã “ có những bữa cơm ngon và thi nhau làm giàu”- một sự đổi thay rất đỗi bình dị nhưng giá trị hiện hữu đến tận người dân như có lần đồng chí Nguyễn Văn Hùng, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị đã vui mừng phát biểu với báo giới. Với một tỉnh nông nghiệp là chủ đạo như Quảng Trị, những kết quả đạt được nêu trên rất có ý nghĩa, xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có phải khẳng định hiệu quả từ cam kết trách nhiệm người đứng đầu.

 Các nội dung Ban Thường vụ Tỉnh ủy “đặt hàng” trong cam kết ký với cấp dưới có những nội dung là ý tưởng, gợi ý để phát huy sự sáng tạo, năng động của lãnh đạo các ngành, địa phương. Một khi ý tưởng của cấp trên được chuyển tải đến đúng địa chỉ và gắn với trách nhiệm cấp dưới thì sẽ làm bật dậy sự sáng tạo, đồng lòng hưởng ứng của cấp dưới. Phát triển năng lượng tái tạo tại Quảng Trị là một ví dụ. Ai cũng biết trong dải đất miền Trung, Quảng Trị “nổi danh” với “đặc sản gió Lào, cát trắng, nắng cháy thịt da”. Nhà thơ Chế Lan Viên- một người con quê hương Quảng Trị đã từng “cầu cứu thần tự nhiên”: “ Ôi gió Lào ơi, ngươi đừng thổi nữa/ Những ruộng đói mùa, những đồng đói cỏ/ Những đồi sim không đủ quả nuôi người”[1], để thấy sự khắc nghiệt của thời tiết và cũng là bất lợi vốn dĩ lâu nay của địa phương. Từ thay đổi trong tư duy phát triển “ biến cái bất lợi thành tiềm năng”,  biến nắng, gió thành điện năng, người đứng đầu và tập thể lãnh đạo ngành Công thương tỉnh đã cam kết với Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng sạch trên địa bàn. Tham mưu xây dựng và công khai quy hoạch phát triển điện gió, điện mặt trời tỉnh Quảng Trị, theo đó, quy hoạch phân vùng các khu vực tiềm năng phát triển, dự kiến rõ quy mô công suất, đất đai, phương án đấu nối vào hệ thống điện quốc gia..., tạo điều kiện rút ngắn thời gian tiếp cận dự án cho các nhà đầu tư. Kết quả là đến nay, Quảng Trị là tỉnh đầu tiên từ Ninh Thuận trở ra có năng lượng điện gió hòa lưới điện quốc gia  và một loạt dự án điện gió, điện mặt trời đang được triển khai, dự kiến cuối năm 2019 sẽ có 60MW điện gió và 49,5 MW điện mặt trời đi vào vận hành và đến năm 2025 tổng công suất nguồn điện từ năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh sẽ lên đến 775 MW. Tính sơ qua cứ mỗi MW điện hàng năm đóng thuế VAT 01 tỷ đồng thì số thu về cho ngân sách địa phương quả là không nhỏ. Thực hiện quyết liệt các nội dung cam kết, trong thời gian không dài nhưng ngành công thương cũng đã tham mưu cho tỉnh rất nhiều đầu việc trọng tâm thuộc lĩnh vực được giao, làm cho bức tranh công nghiệp của tỉnh có nhiều điểm sáng đầy hy vọng.

Với việc lựa chọn các vấn đề đúng trong tham mưu, Ban Quản lý các Khu kinh tế tỉnh, các huyện, thị, thành phố, nhất là các địa phương nằm trong Khu kinh tế Đông Nam tiếp tục hành động quyết liệt, đeo bám các mục tiêu đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, đạt được những kết quả rất đáng khích lệ trong khởi động các dự án động lực. Trong bối cảnh nguồn lực và thu ngân sách địa phương còn nhiều khó khăn, các ngành trong khối tài chính đã xây dựng và thực hiện nghiêm quy chế phối hợp, nỗ lực đạt chỉ tiêu thu ngân sách đã đề ra, giảm dần tỷ lệ thụ hưởng ngân sách từ Trung ương. Hoạt động thương mại tiếp tục duy trì mức tăng trưởng. Các ngành kinh tế- kỹ thuật và các địa phương cũng đã tập trung tranh thủ các nguồn lực đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội với quyết tâm cao và theo quy hoạch, nhất là hệ thống giao thông đường bộ, giao thông nông thôn; đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm. Cải cách hành chính, xây dựng đô thị văn minh có nhiều điểm sáng. Các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao được chăm lo phát triển toàn diện; giải quyết việc làm, giảm nghèo, an ninh xã hội được thực hiện có hiệu quả, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, đời sống văn hóa tinh thần phong phú ở cả thành thị và nông thôn; nhiều lễ hội văn hóa truyền thống được tổ chức, có tác dụng quảng bá hình ảnh địa phương. Quan tâm giải quyết có hiệu quả vấn đề ô nhiễm môi trường. Những vấn đề nổi cộm, phức tạp về an ninh trật tự được xử lý tích cực, hiệu quả, không để phát sinh điểm nóng. Tiềm lực quốc phòng an ninh được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an ninh tôn giáo được đảm bảo. Chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp ngày càng được nâng lên, hạn chế oan sai, bỏ lọt tội phạm.

Đánh giá cán bộ bằng sản phẩm, đầu việc cụ thể từ cam kết

Thực hiện các nội dung đăng ký và cam kết với ban thường vụ cấp ủy cấp trên, công tác xây dựng đảng được các cấp ủy quan tâm thực hiện toàn diện đúng với vị trí là nhiệm vụ “then chốt”, trong đó thực hiện quyết liệt, sáng tạo Nghị quyết TW 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đề cao quyết tâm chính trị thực hiện Nghị quyết TW6 khóa XII về sắp xếp bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tinh giản biên chế. Công tác xây dựng TCCSĐ trong sạch vững mạnh, phát triển đảng viên đạt nhiều kết quả quan trọng; riêng trong 9 tháng đầu năm 2018 đã có gần 1.000 đảng viên mới được kết nạp, đạt chỉ tiêu của cả năm 2018. Công tác tư tưởng, công tác dân vận ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả. Kiểm tra dấu hiệu vi phạm được chú trọng, trong đó thực hiện kiểm tra cách cấp để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các vi phạm.

Cái được rõ nhất qua thực hiện cam kết ở Quảng Trị trong công tác xây dựng Đảng chính là công tác đánh giá cán bộ, nhất là đánh giá năng lực  lãnh đạo, quản lý của người đứng đầu. Bản chất cam kết trách nhiệm là lời hứa từ hai phía: Ban thường vụ, tập thể lãnh đạo và người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đơn vị và Ban Thường vụ Tỉnh ủy trước Đảng, trước Nhân dân. Việc thực hiện lời hứa không chỉ liên quan đến chữ tín mà còn là trách nhiệm chính trị, trách nhiệm pháp lý của người lãnh đạo, bắt buộc phải đổi mới phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành theo hướng trọng tâm, trọng điểm, sâu sát, cụ thể, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn để thực hiện có hiệu quả các nội dung cam kết; bên cạnh đó phải biết khơi nguồn, truyền lửa, truyền cảm hứng cho cấp dưới, tạo sự đồng bộ, lan tỏa trong tư duy và hành động của cả hệ thống chính trị. Rõ ràng, tinh thần trách nhiệm và sự quyết liệt, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và điều hành của người đứng đầu đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, có tác dụng quyết định mọi thành, bại trong quá trình hoạt động và phát triển của địa phương, cơ quan, đơn vị. Đã cam kết thì không còn chỗ cho sự chây ỳ, trì trệ hay trốn tránh, buông lỏng; đã cam kết thì bắt buộc nói phải đi đôi với làm, phải vào cuộc quyết liệt, đứng mũi chịu sào, đôn đốc, kiểm tra, giám sát thường xuyên, thậm chí “ bắt tay chỉ việc”, dấn thân với cấp dưới, với cơ sở để hoàn thành nhiệm vụ chung.

Nhìn vào 3-4 nhóm nhiệm vụ, đầu việc đã cam kết của cấp dưới, xem xét việc triển khai như thế nào, hoàn thành đến đâu, kết quả đạt ở mức độ nào, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có thể đánh giá được sự vận động, nỗ lực của mỗi địa phương, đơn vị và vai trò của người đứng đầu địa phương, đơn vị đó, hay nói cách khác, cam kết thực hiện các “ đầu việc” và cho ra các “ sản phẩm cụ thể” chính là căn cứ quan trọng để đánh giá cán bộ, người đứng đầu. Trong gần 2 năm qua, kể từ khi thực hiện chủ trương ký cam kết, cùng với sự chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, trên tinh thần chủ động, sáng tạo, nhiều địa phương, đơn vị trong tỉnh đã có sự chuyển biến, tích cực, toàn diện trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, được thực tiễn chứng minh, khẳng định như các đảng bộ: thành phố Đông Hà, Hải Lăng, Cam Lộ, Triệu Phong, Vĩnh Linh..., các ngành như Công thương, Nông nghiệp, Khoa học công nghệ, Giao thông vận tải..., mà dấu ấn từ cam kết trách nhiệm người đứng đầu là điều mà ai cũng có thể cảm nhận được.

Hiện nay công tác đánh giá cán bộ được triển khai dựa trên nhiều cơ chế đánh giá khác nhau, như đánh giá từ dưới lên, số đông đánh giá người đứng đầu (qua hình thức bỏ phiếu tín nhiệm, lấy phiếu tập thể); hoặc người đứng đầu đặt ra những chỉ số hoàn thành công việc cho cấp dưới, đánh giá thông qua sản phẩm, công việc cụ thể. Một cán bộ được đánh giá tốt là phải có sản phẩm, đo đếm bằng thành quả do vai trò lãnh đạo của mình tạo ra. Đây cũng là cách đánh giá mà Nghị quyết 26-NQ/TW của Hội nghị BCH TW Đảng lần thứ 7 khóa XII về "tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ" đề cập, trong đó nêu rõ đánh giá cán bộ là đánh giá sản phẩm/ kết quả của cơ quan người đó đứng đầu. Việc lựa chọn, định hướng, “giao khoán” nhiệm vụ, đầu việc cụ thể và yêu cầu cam kết trách nhiệm người đứng đầu các cấp, các ngành trong tổ chức thực hiện là cách làm đã và đang phát huy hiệu quả trong thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền tỉnh Quảng Trị. Tỉnh coi đây là giải pháp quan trọng để đánh giá đúng cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp trong tỉnh.

Đôi điều trăn trở

Việc thực hiện ký cam kết trách nhiệm của Ban Thường vụ, tập thể lãnh đạo và người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị với Ban Thường vụ Tỉnh ủy lần đầu tiên triển khai thực hiện nhưng đạt được nhiều kết quả, khẳng định là cách làm đúng, trở thành công việc thường niên của tỉnh. Đây chính là bước cụ thể hóa sáng tạo để thực hiện Nghị quyết TW4 khóa XI, XII về xây dựng chỉnh đốn đảng, Chỉ thị 05-CT/TW về học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Nghị quyết TW 7 khóa XII về xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư khóa XI về trách nhiệm nêu gương, văn bản số 2952-CV/BTCTW, ngày 20/6/2017 của Ban Tổ chức Trung ương Đảng về xây dựng cam kết thực hiện các nghị quyết, quy định của Đảng... Tuy nhiên, sau gần 2 năm thực hiện, bên cạnh kết quả và thuận lợi là chủ yếu, vẫn còn không ít vấn đề thực tiễn đặt ra như một số nội dung cam kết vừa là nhiệm vụ trước mắt, vừa là nhiệm vụ lâu dài, phải có nguồn lực và quỹ thời gian nhất định mới hoàn thành, đánh giá được. Một số nơi, ban thường vụ cấp ủy cấp trên giao việc chưa sát, xác định “đề bài” chưa phù hợp năng lực và tình hình thực tế của cấp dưới. Một số cấp ủy, lãnh đạo địa phương, ngành chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc thực hiện cam kết, chưa xem đó là tiền đề quan trọng để đánh giá đúng cán bộ, do vậy việc triển khai còn sơ sài, thiếu phân công trách nhiệm gắn với xác định lộ trình cụ thể nên hiệu quả còn hạn chế, có một số việc thực hiện còn chậm và chất lượng chưa cao.

Thực tiễn triển khai cam kết trách nhiệm của tập thể lãnh đạo và người đứng đầu càng khẳng định việc thực hiện nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách là hoàn toàn đúng đắn, chỉ đâu đó chưa làm rõ, hiểu rõ hoặc cố tình làm sai. Tuy nhiên, cần tiếp tục quy định cụ thể, rõ hơn nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Tập thể lãnh đạo thế nào, là những gì, phạm vi nào; cá nhân phụ trách là thế nào, đến đâu, tránh sự hiểu lầm hoặc cố tình vận dụng không đúng nguyên tắc. Cần đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu trong giải quyết các công việc thuộc thẩm quyền, không thể để người đứng đầu “dựa” mãi vào tập thể,  khi có thành tích thì cá nhân ai cũng muốn nhận, khi thất bại lại đổ lỗi cho tập thể. Tuy nhiên, nhiệm vụ, trách nhiệm của từng cá nhân trong từng bộ phận cũng phải được quy định rõ, không phải cái gì cũng quy trách nhiệm cho người đứng đầu. Cần phân định rõ việc nào do tập thể chịu trách nhiệm, việc nào do người đứng đầu chịu trách nhiệm. Hoàn thiện được những quy định như vậy, chúng ta sẽ có công cụ để vận hành bộ máy tốt hơn, và giải quyết được các mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân, giữa người đứng đầu và cấp dưới cũng như đổi mới công tác lựa chọn cán bộ để có người đứng đầu thực quyền, năng lực, bản lĩnh và trách nhiệm. Bên cạnh đó, cần có chế tài xử lý người đứng đầu khi chưa thực hiện tốt cam kết. Công khai nội dung và kết quả thực hiện cam kết của người đứng đầu để cán bộ, đảng viên và nhân dân giám sát cũng là một việc cần phải làm trong thời gian đến.

Nội hàm của cam kết là “chính thức cam đoan làm đúng những điều đã hứa”. Trong tác phẩm mang tên Five Minutes on Mondays (tạm dịch: Năm phút trong những ngày thứ Hai, sách do Nhà xuất bản Pearson Education ấn hành năm 2009), tác giả Alan Lurie đã đặt ra bảy câu hỏi “đặc tả” sự cam kết, đó là: (1) Khi nói tôi cam kết làm điều này, điều kia thì có nghĩa gì? (2) Cam kết có phải là lời hứa phải làm việc gì hay gắn bó với điều gì và không bao giờ từ bỏ trong bất cứ hoàn cảnh nào không? (3) Cam kết có phải là một cảm giác chúng ta có được khi tin rằng một điều nào đó thật sự quan trọng với bản thân nên cần phải gắn bó không? (4) Có hay không những trách nhiệm đi đôi với cam kết và có cách đo lường việc thực hiện những trách nhiệm ấy? (5) Có phải đối tượng của sự cam kết chính là một nhiệm vụ được đặt ra với chúng ta? (6) Có những tình huống nào làm chấm dứt sự cam kết? (7) Điều gì đáng kể nhất khi chúng ta cam kết? Theo Alan Lurie, câu hỏi thứ bảy là quan trọng nhất vì nếu thiếu cam kết, khi bắt tay vào thực hiện công việc, người ta không thấy điều gì là quan trọng cả, do vậy không chỉ công việc, mà thậm chí cả cuộc sống của người ta sẽ chẳng còn mấy ý nghĩa. Như vậy, chỉ tập trung vào việc trả lời câu hỏi cuối cùng là đủ hình dung ra phần nào về sự cam kết; chính ý nghĩa và mục đích của sự cam kết sẽ dẫn đến hành động tích cực trong cuộc sống. Sự cam kết tạo ra động lực thúc đẩy việc tìm tòi ra nhiều ý nghĩa sâu sắc hơn và điều đó quay trở lại giúp cho sự cam kết mạnh lên, phong phú hơn về ý nghĩa, đồng thời mục đích cũng có thể trở nên to lớn hơn. Chính sự cam kết tạo ra động lực thúc đẩy sự phát triển của một tập thể, cơ quan, đơn vị và cá nhân. Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, khi nhắm tới một mục tiêu nào đó của một địa phương, đơn vị, sự cam kết nhiều khi được nhìn nhận là yếu tố tiên quyết để đi tới thành công, và thực tiễn thực hiện cam kết trách nhiệm người đứng đầu ở Quảng Trị đang chứng minh cho điều đó. Nguyễn Thị Hải Yến

 

[1] Trích từ tác phẩm “ Kết nạp Đảng trên quê mẹ”

3889 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 502
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 502
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87010014