Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam đứng chân được ở trong những siêu thị lớn của nước ngoài - Ảnh: VGP/LS
Giải pháp giải cứu nông sản vùng đồng bằng sông Cửu Long?
Tham gia chất vấn, đại biểu Nguyễn Thanh Phong (tỉnh Vĩnh Long) đề cập đến vấn đề nông sản (thanh long, khoai lang) rớt giá khi thu hoạch, gây ảnh hưởng đến đời sống người dân; đồng thời đề nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết giải pháp giải "cứu" nông sản cho đồng bằng sông Cửu Long.
Về tình trạng được mua mất giá, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng nên tư duy lại vấn đề này, theo đó, không nên dùng từ "giải cứu" nông sản nữa, bởi đây là vấn đề của thị trường. Như câu chuyện trồng sầu riêng, không thể cấm bà con không được trồng sầu riêng mà cần có giải pháp khuyến nông, thông tin thị trường, kết nối doanh nghiêp, đòi hỏi sự vào cuộc của toàn hệ thống từ nông nghiệp đến công thương, hiệp hội ngành hàng, đến từng hợp tác xã. Về trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết Bộ có trách nhiệm khi chưa chuẩn hóa quy trình trồng sầu riêng, xây dựng mã ngành hàng.
Về xây dựng thương hiệu, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết đã có nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam đứng chân được ở trong những siêu thị lớn của nước ngoài. Có được kết quả này là quá trình của các doanh nghiệp kiên trì xây dựng thương hiệu. Trong thời gian tới, Bộ tiếp tục phát triển thương hiệu những ngành hàng chủ lực, trong đó có sầu riêng. Một khi có được thương hiệu sẽ tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn rất nhiều.
Bộ trưởng cũng làm rõ cần phân biệt giữa nhãn hiệu với thương hiệu. Nhãn hiệu chỉ cần đăng kí là xong. Nhưng thương hiệu phải là những thứ in vào tâm trí của người tiêu dùng bao gồm nhãn hiệu và những cảm xúc vô hình, chẳng hạn như khi nói đến thương hiệu xe Toyota thì sẽ nghĩ ngay đến chất lượng xe, độ bền của xe.
Trả lời chất vấn của đại biểu về nâng cao thu nhập cho người trồng lúa, Bộ trưởng cho biết, theo niên giám thống kê, khảo sát, nông nghiệp là ngành có thu nhập thấp nhất trong các ngành kinh tế. Trong nông nghiệp, người trồng lúa là người có thu nhập thấp nhất. Ở bối cảnh hiện nay, giá gạo tăng hằng ngày, đây cũng là thời cơ cải thiện thu nhập lớn đối với những người nông dân.
Do đó, việc đảm bảo nguồn thu nhập cho người nông dân là điều được Bộ hết sức quan tâm, trong đó, việc cải thiện thu nhập không phải chỉ là vấn đề giá cả, mà cần tính toán đến các chi phí. Theo tính toán, thời gian qua, việc sản xuất lúa gạo đã giảm được 20 đến 25% chi phí đầu vào, do ứng dụng quy trình canh tác, "ba tăng, ba giảm", tiết kiệm đất, tiết kiệm nước, tiết kiệm phân, tiết kiệm giống, tiết kiệm thuốc. Chính những chi phí giảm xuống này là thành quả giúp gia tăng thu nhập cho người dân.
Bộ trưởng cho rằng, hiện nay chúng ta đang lo ngại giá cao hơn nữa có thể làm rối loạn ngành, gây thiếu bền vững. Đó cũng là một vấn đề. Nếu người nông dân nuôi trồng gì chỉ hưởng thu nhập từ sản phẩm đó, thì chưa đúng tinh thần Nghị quyết 19, chuyển từ tăng trưởng đơn giá trị sang tăng trưởng tích hợp, đa giá trị, tạo ra nhiều ngành nghề khác, không gian trồng lúa, thời gian trồng lúa có thể lồng ghép, tạo ra nhiều không gian, thời gian cho các ngành nghề khác. Nếu chúng ta tận dụng tốt quỹ không gian, thời gian đó, chuyển đổi nghề nghiệp, tạo những nghề nghiệp ở nông thôn, thì người nông dân không chỉ hưởng thành quả từ cây lúa, mà có nhiều nguồn thu nhập khác.
Bộ trưởng cũng cho rằng, cần liên kết lại trong hợp tác xã, để có giá ưu đãi do mua nhiều, giúp tăng lợi nhuận. Cần nhìn nhiều chiều hơn về cấu trúc ngành hàng lúa gạo, để có hướng khuyến khích bà con vào hợp tác xã, mua chung, bán chung, hưởng dịch vụ chung, để có thu nhập từ nhiều phân khúc khác nhau, không phải chỉ từ nông sản nuôi trồng, tránh manh mún, nhỏ lẻ, tự phát.
Toàn cảnh phiên chất vấn chiều 15/8 - Ảnh: VGP/LS
Tiếp cận theo hướng an ninh lương thực và cân bằng dinh dưỡng
Về vấn đề gỡ thẻ vàng, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, mục tiêu cuối cùng là giữ gìn trữ lượng và tính đa dạng sinh học trên vùng biển. Nếu gỡ thẻ vàng nhưng tính bền vững không được đảm bảo thì sẽ bị áp dụng thẻ vàng khác.
Bộ trưởng cho biết, so sánh với Philippines hoặc Thái Lan, cấu trúc ngành hàng của các quốc gia này bền chặt hơn Việt Nam, từ ngư dân tới doanh nghiệp được xây dựng hệ sinh thái ngành hàng. Các quốc gia này sử dụng các biện pháp rất mạnh, như đánh đắm tàu vi phạm quy định.
Trong khi đó ở Việt Nam, gần 60% vi phạm ở các địa phương vẫn chưa được xử lý, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chuyển danh sách này tới Thủ tướng Chính phủ. Bộ trưởng khẳng định, đã đến lúc phải xử lý nghiêm nếu không sẽ không đủ sức răn đe, không có sự thay đổi.
Về vấn đề an ninh lương thực, Bộ trưởng cho biết hiện đã tiếp cận theo hướng an ninh lương thực, thực phẩm và cân bằng dinh dưỡng. Đây là phạm trù rộng, an ninh lương thực không chỉ là lúa, gạo mà còn là các sản phẩm ngũ cốc để cân bằng dinh dưỡng. Vì vậy, phải nâng cao cách tiếp cận cho người dân thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia, chứ không chỉ khuyến khích người dân trồng các sản phẩm khác ngoài lúa, gạo.
Về vấn đề cân bằng dinh dưỡng, cần sự tham gia của Bộ Y tế, từ bếp ăn trong trường học và hy vọng có chương trình mục tiêu quốc gia về dinh dưỡng, tập trung xã hội hóa về lĩnh vực này để đảm bảo tiêu chí của Liên Hợp Quốc.
Lê Sơn