Cải thiện quy trình lựa chọn án lệ trong công tác xét xử của Tòa án 

(Chinhphu.vn) - Dự thảo Báo cáo Nghiên cứu về quy trình tuyển chọn án lệ của Việt Nam là nội dung chính được thảo luận tại Hội thảo do Tòa án nhân dân Tối cao tổ chức sáng 25/4, tại Hà Nội trong khuôn khổ dự án “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam” (Dự án EU JULE) do Liên minh châu Âu tài trợ.

 

Hình ảnh tại Hội thảo. Ảnh: VGP/Thu Lê

Hội thảo nhằm giúp Tòa án nhân dân Tối cao thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển án lệ, góp phần bổ khuyết cho hệ thống pháp luật, tạo tính ổn định, minh bạch trong các phán quyết của Tòa án.

Chủ trì Hội thảo, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình nêu rõ, những ý kiến góp ý của các đại biểu sẽ là tư liệu tham khảo quan trọng cho Tòa án nhân dân Tối cao hoàn thiện, bảo đảm chất lượng của Báo cáo nghiên cứu về quy trình tuyển chọn án lệ tại Việt Nam và dự thảo Nghị quyết sửa đổi Nghị quyết số 03/2015/NQ-HDTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ.

Cho đến nay, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao đã ban hành 26 án lệ, trên cơ sở Nghị quyết số 03/2015/NQ-HDTP. Tuy nhiên, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết: “Sau hơn 3 năm thi hành, bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được, việc áp dụng Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP cũng đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập”.

Có thể kể đến như chưa có quy trình thông qua án lệ theo trình tự, thủ tục rút gọn đối với những quyết định giám đốc thẩm mà Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao thống nhất lựa chọn phát triển thành án lệ tại phiên tòa giám đốc thẩm. Quy trình “hủy bỏ, thay thế án lệ” chưa thực sự phù hợp. Một số hướng dẫn của Nghị quyết còn chung chung dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau trong thực tiễn áp dụng, ví dụ xác định thế nào là “vụ việc tương tự” tại Khoản 2 Điều 8 của Nghị quyết.

Cùng với đó, quy trình rà soát, phát hiện bản án, quyết định để đề xuất, phát triển thành án lệ còn rườm rà, phức tạp, chưa hiệu quả. Chưa có hướng dẫn cụ thể về cách viện dẫn án lệ trong bản án, quyết định của Tòa án dẫn đến việc viện dẫn án lệ không thống nhất.

Với sự hỗ trợ về kỹ thuật của Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Nhóm nghiên cứu về quy trình tuyển chọn án lệ đã tiến hành khảo sát, đánh giá thực tiễn thi hành Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP và đưa ra những khuyến nghị để cải thiện quy trình lựa chọn án lệ trong dự thảo Báo cáo nghiên cứu về quy trình tuyển chọn án lệ tại Việt Nam. Kết quả nghiên cứu này sẽ được Tòa án nhân dân tối cao tham khảo trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị quyết sửa đổi Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ.

Phát biểu tại Hội thảo, Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam Caitlin Wiesen, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao năng lực cho các Thẩm phán và cán bộ tòa án trong nỗ lực giải quyết những thách thức và bất cập trong quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ. Theo bà Wiesen : “Tất cả các thẩm phán cần áp dụng hiệu quả án lệ trong các bản án, quyết định của mình. Việc dự thảo bản án, quyết định của tòa án cũng cần được cải thiện để các thẩm phán khác có thể hiểu rõ lập luận của việc ra các bản án, quyết định”.

 Theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ , án lệ được hiểu là “những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân Tối cao lựa chọn và được Chánh án Toà án nhân dân tối cao công bố là án lệ để các Toà án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử.”

Thu Lê

320 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 405
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 405
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87840996