Theo kết quả công bố năm 2023 của Bộ Nội vụ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) của tỉnh Quảng Trị đạt 86,25/100 điểm, xếp thứ 41/63 tỉnh, thành; tăng 11 bậc so với năm 2022 (52/63 tỉnh, xếp thứ 5/6 tỉnh Bắc Trung bộ). Chỉ số hài lòng của người dân và tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) đạt 79,46%, xếp thứ 53/63, tăng 3,03%, tăng 02 bậc so với năm 2022 (Năm 2022 đạt 76,43%, xếp thứ 55/63). Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) đạt tổng điểm là 42,7705, xếp thứ 26/63, thuộc nhóm các tỉnh đạt điểm trung bình cao trong cả nước (tăng 0,9963 điểm so với năm 2022 và tăng 11 bậc trong bảng xếp hạng của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước). Về chỉ số PCI, trong năm 2023, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thay đổi cách công bố kết quả, chỉ công bố và xếp hạng Top 30 tỉnh/thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất năm 2023. Các tỉnh/thành phố còn lại chỉ công bố điểm số thành phần và không xếp hạng. Tổng điểm số PCI tỉnh Quảng Trị năm 2023 đạt 63,26/100 điểm (tăng 1,97 điểm so với năm 2022 nhưng nằm ngoài Top 30 địa phương nhóm đầu với tỉnh Quảng Ninh đứng thứ nhất (71,25 điểm) và tỉnh Thanh Hóa đứng thứ 30 (66,79 điểm)).
Mặc dù kết quả xếp hạng của chỉ số PAR Index có tăng thứ hạng nhưng một số lĩnh vực liên quan đến CCHC của tỉnh giảm thứ hạng so với năm 2022. Việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến, bưu chính công ích, hồ sơ toàn trình … trong tỉnh, nhất là cấp huyện, cấp xã tỷ lệ sử dụng vẫn còn thấp, chưa đạt yêu cầu theo quy định (tỷ lệ TTHC có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia đạt 53,27% (quy định tối thiểu 60% của năm 2023); tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia trên tổng số hồ sơ có yêu cầu nghĩa vụ tài chính đạt 17,88% (quy định tối thiểu 30% của năm 2023). Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình mới chỉ đạt 71,3%: 41.940 hs/58.818 (quy định tối thiểu 80%).
Ngoài ra, chỉ số SIPAS tăng 2 bậc so với năm 2022 nhưng nhiều tiêu chí đánh giá còn thấp so với các tỉnh, thành phố trong cả nước, đặc biệt là ở nội dung đánh giá sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước. Chỉ số PAPI năm 2023 của tỉnh Quảng Trị có sự cải thiện đáng kể so với 2 năm liền kề, xếp 26/63 (năm 2021 xếp thứ 28/63, năm 2022 xếp thứ 55/63 tỉnh, thành phố). Hai lĩnh vực “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” và “Thủ tục hành chính công” đã có một số cải thiện; tuy nhiên trong lĩnh vực “Công khai minh bạch” và “trách nhiệm với người dân” có chiều hướng giảm sút.
Từ kết quả trên cho thấy, mặc dù cả hệ thống chính trị của tỉnh đã có nhiều nỗ lực cố gắng trong công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện tuy nhiên tỉnh chỉ cải thiện được điểm số, chưa cải thiện được vị trí xếp hạng theo mục tiêu, yêu cầu của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đề ra. Nguyên nhân chủ yếu do sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và trách nhiệm của người đứng đầu về công tác CCHC và nâng cao các chỉ số PAR Index, SIPAS, PAPI, PCI tại cơ quan, đơn vị, địa phương chưa đúng mức; thiếu tính quyết liệt, liên tục và thường xuyên; thiếu các giải pháp cụ thể nhằm khắc phục những hạn chế để cải thiện.
Nhận thức về tác động của các chỉ số PAR Index, SIPAS, PAPI, PCI đối với kêu gọi đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, nâng cao dân chủ cơ sở, cải thiện đời sống nhân dân và tăng mức hài lòng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp là chưa đầy đủ; chưa có giải pháp hữu hiệu để đẩy mạnh tuyên truyền tác động của các chỉ số trong nhân dân và trong cán bộ, công chức, viên chức. Vẫn còn 1 bộ phận cán bộ công chức còn nhũng nhiễu, tiêu cực; thái độ chưa đúng mực trong tiếp dân và thực hiện công vụ với người dân, doanh nghiệp… nên người dân, doanh nghiệp chưa hài lòng cao.
Để đẩy mạnh thực hiện công tác CCHC của tỉnh và cải thiện, nâng cao các Chỉ số PAR Index, SIPAS, PAPI, PCI trong thời gian tới, các cơ quan, ban ngành và chính quyền địa phương cần tập trung, chú trọng giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp, tạo sự đồng thuận, hài lòng, thúc đẩy thành phần kinh tế tư nhân phát triển; tiếp tục thực hiện công khai, minh bạch các thông tin, quy trình, thủ tục hành chính cho người dân biết cùng chung tay thực hiện; tôn trọng người dân, tạo điều kiện cho Nhân dân tham gia xây dựng chính quyền. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tiếp tục rà soát, cắt giảm thời gian, thành phần hồ sơ các TTHC, đặc biệt là TTHC liên quan đến đầu tư, đất đai, đăng ký kinh doanh, cấp phép xây dựng. Thường xuyên tổ chức gặp mặt, đối thoại với doanh nghiệp ở cấp huyện, cấp tỉnh, gia tăng về số lượng và chất lượng các cuộc đối thoại, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; thực hiện công khai quy hoạch, tạo điều kiện doanh nghiệp tiếp cận thông tin, nghiên cứu, đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh tại tỉnh và tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Vĩnh Long