Cải thiện môi trường kinh doanh để doanh nghiệp phát triển 

Những năm qua, tỉnh Quảng Trị luôn nỗ lực cải cách, thực hiện đồng bộ nhiều chính sách, giải pháp nhằm xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, cạnh tranh bình đẳng, gỡ bỏ các rào cản nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất và xây dựng niềm tin cho doanh nghiệp, nhà đầu tư hoạt động sản xuất kinh doanh, thực hiện dự án. Đồng thời, tỉnh cam kết mạnh mẽ sẽ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, xem thành công của doanh nghiệp cũng là thành công của chính quyền địa phương.

Mặc dù tình hình kinh tế, xã hội, môi trường của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn nhưng với quyết tâm cao của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh về cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh với các giải pháp đột phá nhằm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp phát triển đã phát huy hiệu quả, giúp doanh nghiệp tìm thấy hướng đi, cơ hội phát triển mới. Nhờ đó, cộng động doanh nghiệp, doanh nhân tỉnh nhà đã có nhiều kết quả quan trọng. Số lượng doanh nghiệp được thành lập và lượng vốn được huy động vào đầu tư sản xuất, kinh doanh ngày càng tăng. Sự gia tăng đó đã giúp nền kinh tế có được một lực lượng doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh, giải quyết việc làm, đóng góp vào thu ngân sách nhà nước và thu hút được các nguồn lực xã hội vào đầu tư, sản xuất kinh doanh. Tính đến hết năm 2016 toàn tỉnh có 3.035 doanh nghiệp đăng ký hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, tăng 1,9 lần so với năm 2010. Trong 6 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh có 172 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký hơn 1.500 tỷ đồng, tăng 21% về lượng và 47% về vốn so với cùng kỳ năm 2016. Số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2017 đạt hơn 8,7 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy môi trường kinh doanh đã có những chuyển biến tích cực song vẫn còn nhiều rào cản cho quá trình gia nhập cũng như phát triển, mở rộng sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp tỉnh nhà. Việc tiếp cận nguồn lực kinh doanh cũng như thị trường còn chưa thực sự bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp hay giữa những doanh nghiệp đã có vị thế với những doanh nghiệp mới gia nhập ngành. Bên cạnh đó, chi phí không chính thức lớn và hỗ trợ doanh nghiệp còn nhiều hạn chế đã “bủa vây” doanh nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đầu tư, giá thành sản phẩm, việc minh bạch vốn của nhà đầu tư, lợi nhuận của doanh nghiệp và đặc biệt là năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp khó được nâng cao. Và chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) những năm gần đay đã phần nào nói lên đều đó.

Để đạt mục tiêu đến năm 2020 toàn tỉnh có từ 1.000 – 1.200 doanh nghiệp được thành lập mới, đóng góp trên 75% thu ngân sách địa phương và trên 74% trong tổng cơ cấu sản phẩm của tỉnh, năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp khoảng 20-25% GRDP,  bình quân hàng năm giải quyết việc làm cho khoảng 2.000 – 2.500 lao động. Thời gian tới, tỉnh cần tiếp tục tổ chức quán triệt sâu rộng, thống nhất nhận thức trong cán bộ, công chức, viên chức thực hiện quyết liệt, bám sát Nghị quyết số 35/NQ-CP và số 19/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, coi đây là kim chỉ nam để hành động. Tăng cường vai trò của các cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh. Tích cực chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tập trung triển khai đẩy mạnh cải cách, rà soát đơn giản hóa thủ tục hành chính trên tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước, kịp thời kiến nghị loại bỏ những thủ tục phức tạp, gây phiền hà cho tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, giảm thời gian, chi phí giao dịch hành chính gia nhập thị trường của doanh nghiệp. Luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.  Cùng với đó, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận tốt các chính sách hỗ trợ của Nhà nước để thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh. Đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư, ưu tiên kêu gọi đầu tư các lĩnh vực mà tỉnh có lợi thế. Xây dựng kế hoạch thu hút các nhà đầu tư chiến lược; từng bước hình thành các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đầu đàn của tỉnh để tạo động lực thúc đẩy, "lôi kéo" các doanh nghiệp khác cùng phát triển. Bên cạnh đó, tăng cường làm tốt công tác đối thoại, lắng nghe ý kiến kiến nghị của người dân, doanh nghiệp và các nhà đầu tư để thực hiện tốt công tác hỗ trợ pháp lý. Cũng như thường xuyên kiểm tra, giám sát và kiên quyết xử lý đối với các nhà đầu tư thiếu năng lực, trách nhiệm và không triển khai dự án theo đúng tiến độ đã cam kết. Và một điều quan trọng là đối xử bình đẳng, công khai minh bạch giữa các loại hình doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp ngoài nước với doanh nghiệp trong nước và giữa doanh nghiệp ngoài tỉnh với doanh nghiệp trong tỉnh.

  Tỉnh nhận thức sâu sắc và cam kết thực hiện quyết liệt việc cải thiện môi trường kinh doanh để phát triển doanh nghiệp. Bởi lẽ đây là yêu cầu tất yếu và cũng là yêu cầu thực tiễn đang đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Tỉnh phải tự mình đổi mới, năng động sáng tạo để tạo nên một môi trường thật tốt mới có thể khơi dây hiệu quả và tối đa nguồn lực phát triển trong cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân tỉnh nhà./.

Nguyễn Lan Hương – Sở Kế hoạch và Đầu tư

918 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 712
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 712
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77679057