|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cắt giảm thực chất các điều kiện kinh doanh. - Ảnh minh họa |
“Các đồng chí cần khẩn trương hoàn thành rà soát cắt giảm điều kiện kinh doanh không cần thiết theo đúng tiến độ đề ra”, Thủ tướng phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 2/10. “Đừng giảm hình thức mà phải giảm thực chất, tạo môi trường kinh doanh tốt hơn”.
Thủ tướng cũng yêu cầu Văn phòng Chính phủ thống kê, đôn đốc thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng về xây dựng thể chế, đặc biệt là các Nghị định, báo cáo Thủ tướng, “bây giờ còn thiếu bao nhiêu, những bộ, ngành nào còn thiếu”.
Cũng tại phiên họp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2019 và định hướng đến năm 2021.
Bộ Kế hoạch và Đầu cho biết, qua theo dõi việc triển khai Nghị quyết cho thấy một số Bộ, ngành chủ động, tích cực, quyết liệt thực hiện và đã đạt được kết quả rõ ràng như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế,… Ở một số địa phương, chính quyền quan tâm sát sao như Quảng Ninh, Đồng Tháp... cũng nhận được phản hồi tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp.
Hoạt động kiểm tra, giám sát và đôn đốc thực hiện Nghị quyết tiếp tục được coi trọng. Trong đó, Văn phòng Chính phủ thực hiện tích cực, quyết liệt và hiệu quả trong việc đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương triển khai Nghị quyết. Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ (trực tiếp do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chủ trì) thường xuyên, liên tục tổ chức các hoạt động kiểm tra, giám sát, qua đó thúc đẩy sự vào cuộc mạnh mẽ của các Bộ, ngành.
Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh (do Tổng thư ký chủ trì) tổ chức các cuộc họp đánh giá độc lập về thực hiện Nghị quyết số 02. Ngoài ra, VCCI, các Viện nghiên cứu, Hiệp hội,… cũng thực hiện các đánh giá độc lập về kết quả triển khai Nghị quyết.
Tuy nhiên, qua hoạt động khảo sát, đánh giá độc lập cho thấy lãnh đạo một số Bộ, ngành vẫn chưa thực sự nắm rõ các mục tiêu, yêu cầu và nhiệm vụ đặt ra đối với Bộ, ngành mình. Tương tự, ở địa phương, một số lãnh đạo các Sở, ngành chưa nắm bắt đầy đủ những cải cách về quy định, chính sách ở cấp Trung ương, cũng như các nhiệm vụ, chỉ tiêu thuộc trách nhiệm của Sở, ngành (được nêu tại Nghị quyết).
“Điều này thể hiện mức độ vào cuộc khác nhau giữa các Bộ, ngành và địa phương; và vẫn còn Bộ, ngành, địa phương chưa dành sự quan tâm đúng mức tới mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định.
“Hầu hết các Sở, ngành ở địa phương đều lúng túng”
Về cải cách quy định về điều kiện kinh doanh, trong quý III, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục phối hợp với các Bộ rà soát, đề xuất cắt giảm Danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện, ban hành tại Phụ lục kèm theo Luật Đầu tư. Danh mục này dự kiến trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 10 năm 2019.
Đến quý III/2019, về cơ bản, các Bộ đã hoàn thành yêu cầu về cắt giảm số lượng điều kiện kinh doanh. Tuy vậy, qua rà soát cho thấy vẫn còn nhiều các điều kiện kinh doanh gây khó khăn cho doanh nghiệp, nhưng ít ý nghĩa về hiệu quả quản lý nhà nước.
Nghị quyết số 02 yêu cầu các Bộ “tiếp tục rà soát, trình Chính phủ bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh không rõ ràng, không cụ thể, không khả thi”. Theo thông tin Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận được, có 03 Bộ (gồm Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế) có kế hoạch lần 2 thực hiện yêu cầu này.
Đơn cử như Bộ Công Thương đang xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương; và theo Chương trình công tác của Chính phủ năm 2019, Nghị định này sẽ được trình trong tháng 11/2019. Lãnh đạo Bộ Y tế cũng đặc biệt quan tâm tới nhiệm vụ này và các cục, vụ triển khai tích cực.
Thủ tướng Chính phủ giao cho các Bộ thực thi đầy đủ, triệt để những cải cách về điều kiện kinh doanh đã thực hiện trong năm 2018. Tuy vậy, qua khảo sát thực tế cho thấy hầu hết các Bộ mới chỉ đăng tải công khai các điều kiện kinh doanh sau khi cắt giảm, nhưng chưa có hướng dẫn, tập huấn cho các địa phương hoặc đơn vị thực thi và doanh nghiệp về những cải cách cắt giảm điểu kiện kinh doanh; cũng như chưa theo dõi, giám sát, đánh giá hiệu quả, hiệu lực thực thi những cải cách này.
“Hầu hết các Sở, ngành ở địa phương đều lúng túng khi được hỏi về những cảỉ cách điều kiện kinh doanh. Thực tế này phần nào được phản ánh qua kết quả khảo sát PCI 2018 của VCCI, theo đó điều kiện kinh doanh vẫn còn là trở ngại lớn của doanh nghiệp”, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.
Kiểm tra chuyên ngành vẫn chưa chuyển biến đáng kể
Về cải cách thủ tục kiểm tra chuyên ngành, nhìn chung trong quý III năm 2019, công tác này chưa có chuyển biến, cải cách nào đáng kể. Nghị quyết số 02 nhấn mạnh trước tháng 6 năm 2019, các bộ, ngành hoàn thành rà soát, cắt giảm thực chất 50% số mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa quản lý, kiểm tra chuyên ngành.
Tuy nhiên, nhiệm vụ này chuyển biến chậm, chủ yếu chuyển từ kiểm tra trước sang thông quan sang giai đoạn sau thông quan, chứ không phải cắt giảm số lượng mặt hàng kiểm tra chuyên ngành như yêu cầu của Chính phủ.
Một số Bộ, ngành quan tâm nhiều hơn tới công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành và có cải cách tích cực (như Y tế, Khoa học và Công nghệ,...). Tuy vậy, một số cải cách của Bộ, ngành chưa đem lại thuận lợi cho doanh nghiệp do bất cập trong quá trình thực thi. Thậm chí, một số hoạt động quản lý chuyên ngành có xu hướng mở rộng thêm hoặc quản lý chồng chéo gây tốn kém thời gian, chi phí và làm giảm lòng tin của doanh nghiệp.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhắc tới ví dụ cụ thể về bất cập trong thực thi các quy định về nhập khẩu trang thiết bị y tế và kiểm định kỹ thuật an toàn lao động.
Trong khi đó, nội dung đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt được ghi nhận có nhiều chuyển biến tích cực trong năm 2019. Kế hoạch hành động của các địa phương đều chú trọng tới nội dung này. Theo khảo sát của Công ty kiểm toán PWC đối với 27 nước đã ghi nhận Việt Nam là thị trường tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán di động trong năm 2018 với tỷ lệ người tiêu dùng thanh toán di động ở Việt Nam đã tăng từ 37% lên 61%.
Những kết quả về thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt được ghi nhận rõ ràng qua các nỗ lực của các cơ quan, đơn vị như Ngân hàng Nhà nước, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng cục Hải quan, Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, vẫn còn một số Bộ, ngành chưa coi trọng hoặc bỏ qua việc thực hiện giải pháp này, như Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (trong chi trả các khoản trợ cấp) hay Bộ Công an (trong xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông).
Trong khi đó, nhiệm vụ áp dụng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 tuy được đưa vào Kế hoạch hành động của tất cả các bộ, ngành, địa phương, nhưng tiến độ thực hiện còn chậm. Chính phủ chủ trương đẩy mạnh Chính phủ điện tử, kết nối liên thông giữa các bộ, ngành, địa phương, tuy nhiên thực tế cho thấy hoạt động cung cấp dịch vụ công trực tuyến đang còn nhiều trở ngại, thực hiện mang tính phong trào hơn là thực chất.
Thanh Hằng