Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật của Quốc Hội Nguyễn Khắc Định (Ảnh: PV)

Theo báo cáo của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định, việc giám sát công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước (TCBMHCNN) trong giai đoạn 2011-2016 đã đạt được nhiều cải thiện đáng kể. Theo thống kê của Đoàn giám sát, đã có hàng nghìn văn bản pháp luật được các cơ quan có thẩm quyền ban hành để cụ thể hóa chủ trương cải cách hành chính của Đảng trong các thời kỳ, từ Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết, nghị định, thông tư của Bộ, ngành cho tới các văn bản của chính quyền địa phương. Về cơ bản, nội dung các văn bản quy phạm pháp luật về cải cách TCBMHCNN được ban hành trong giai đoạn 2011 - 2016 có phạm vi điều chỉnh ngày càng rộng, cơ bản đã bao phủ các lĩnh vực khác nhau ở cả trung ương và địa phương.

Tuy nhiên, tổ chức bộ máy của Chính phủ vẫn chậm được điều chỉnh theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả; còn tồn tại nhiều tổ chức phối hợp liên ngành, vẫn phải hội họp nhiều, thủ tục hành chính còn rườm rà, quy trình xử lý công việc còn chậm. Việc sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức của Chính phủ tuy đã được thực hiện theo mô hình đa ngành, đa lĩnh vực nhưng vẫn còn một số hạn chế, chậm đổi mới. Việc xác định phạm vi ngành, lĩnh vực phụ trách của Bộ còn có điểm chưa hợp lý; một số lĩnh vực còn chồng chéo hoặc giao quá nhiều cơ quan cùng tham gia quản lý nên khó xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan.

Trên thực tế, có nhiều trường hợp một lĩnh vực được giao cho từ 02 đến 03 Bộ cùng phụ trách nên phải duy trì cơ chế phân công, phối hợp. Có thể kể tên một số lĩnh vực điển hình như quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, phát triển du lịch, quản lý ngoại thương, quản lý nợ công, quản lý giao thông đô thị, bảo đảm an toàn thông tin, hỗ trợ phát triển nông thôn, quản lý hoạt động quảng cáo, giáo dục nghề nghiệp,…

Tổ chức bộ máy bên trong Bộ, cơ quan ngang Bộ còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, số đầu mối đơn vị hành chính tăng, tỷ lệ cán bộ lãnh đạo tăng. Số đơn vị có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản riêng trực thuộc các Bộ là rất lớn, gồm 198 đơn vị/22 Bộ, cơ quan ngang Bộ (bao gồm tổng cục, cục và văn phòng). Đến tháng 12/2016, tỷ lệ cục, tổng cục so với tổng số vụ và tương đương thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ trung bình là 50%, trong đó có 8 Bộ có tỷ lệ trên 50%. Việc hình thành nhiều đơn vị có tư cách pháp nhân trong Bộ có thể dẫn đến tình trạng “Bộ trong Bộ”, các lĩnh vực công tác bị chia nhỏ, cắt khúc, thiếu tính bao quát chung; tổ chức bộ máy hành chính trở nên cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian…

Trong 5 năm (2011 - 2016), số đơn vị hành chính thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ tuy đã có sắp xếp, điều chỉnh ở từng cơ quan nhưng xét về tổng thể số lượng đầu mối các đơn vị hành chính thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ vẫn tăng 28 đơn vị (năm 2011: 418 đơn vị, tháng 12/2016: 446 đơn vị), trung bình mỗi cơ quan tăng thêm 1,1 đơn vị; số lượng các đơn vị hành chính trực thuộc tổng cục tăng: 807 đơn vị (năm 2011, tổng số vụ, cục, chi cục thuộc tổng cục là: 3046 đơn vị, đến tháng 12/2016, tổng số là: 3853)

Bên cạnh đó, việc phân cấp, phân quyền giữa Trung ương với địa phương và việc sắp xếp, kiện toàn cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện, kết quả vẫn còn nhiều hạn chế. Cơ cấu tổ chức bên trong của cơ quan chuyên môn cấp tỉnh còn cồng kềnh, tổ chức thành nhiều chi cục, phòng và tương đương. Đến tháng 12/2016, trung bình một cơ quan chuyên môn cấp tỉnh có 8,1 phòng và tương đương trực thuộc. Một số tổ chức chi cục thuộc sở chưa được tổ chức lại cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao nên còn tạo tầng nấc trung gian. Biên chế trong những năm 2014-2016 giảm bình quân 4.000 người/năm nhưng vẫn còn 11 địa phương sử dụng vượt quá số biên chế được giao. Tinh giản biên chế chưa đi vào thực chất, chưa đạt mục tiêu.

Theo Báo cáo của Chính phủ, hiện vẫn còn 11 địa phương sử dụng vượt 7.951 (vượt 5%) so với số biên chế công chức được giao, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh chỉ tính riêng số biên chế làm việc tại các đơn vị hành chính trực thuộc cơ quan chuyên môn thuộc UBND Thành phố đã nhiều hơn 1.007 người/4.822 biên chế (vượt 20,88%).

Đoàn giám sát ghi nhận 4 nhóm giải pháp và 4 nhóm kiến nghị nêu trong Báo cáo số 392/BC-CP ngày 22/9/2017 của Chính phủ và báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương. Để tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác cải cách TCBMHCNN, cần phải tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ, tổng thể, gắn trực tiếp với công tác cải cách hành chính và việc đổi mới, kiện toàn cả hệ thống chính trị. Trong đó, Đoàn giám sát đề nghị tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về cải cách TCBMHCNN đồng bộ, đầy đủ, kịp thời, chất lượng, khả thi. Rà soát, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý cho các Bộ, ngành, địa phương. Chính phủ tập trung vào quản lý vĩ mô, xây dựng chiến lược, quy hoạch, pháp luật, cơ chế chính sách, thanh tra, kiểm tra và sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm để chính sách, pháp luật ngày càng hoàn thiện và quản lý hiệu quả hơn.

Đối với Chính phủ, đoàn giám sát đề nghị, trong năm nay khẩn trương hoàn thành các văn bản, trong đó có việc ban hành nghị định về tiêu chí thành lập và thống nhất mô hình tổ chức phòng, vụ, cục, tổng cục thuộc bộ và phòng thuộc cơ quan chuyên môn cấp tỉnh...Tiếp tục rà soát, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong bộ máy hành chính nhà nước theo nguyên tắc 1 cơ quan, tổ chức làm nhiều việc nhưng 1 việc chỉ giao cho 1 cơ quan, tổ chức chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính.

Bên cạnh đó, Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ nghiên cứu hợp nhất một số bộ có chức năng, đối tượng và phạm vi lĩnh vực quản lý gần nhau, khắc phục tình trạng cắt khúc, chồng chéo hoặc bỏ trống trong quản lý nhà nước. Việc sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức bên trong bộ ngành phải tinh gọn, giảm cấp trung gian, giảm số lượng đầu mối; giảm biên chế và cấp phó; không duy trì phòng trong vụ, trừ một số ít trường hợp đặc biệt phải có tiêu chí cụ thể do Chính phủ quy định. 

Chính quyền địa phương từng bước sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo đúng tiêu chí quy định và xây dựng tổ chức bộ máy phù hợp với các đơn vị hành chính đó; bảo đảm không tăng thêm số lượng đơn vị hành chính ở địa phương, tránh làm phát sinh bộ máy, tăng biên chế, tăng chi phí quản lý hành chính và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội; khuyến khích việc sáp nhập các đơn vị hành chính địa phương để nâng cao năng lực và tăng cường nguồn lực của chính quyền địa phương. Đổi mới việc phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã để xác định cơ cấu tổ chức, bộ máy và biên chế… phù hợp với quy mô và đặc thù từng loại địa phương, tránh “cào bằng” giữa các địa phương. Rà soát lại tiêu chí thành lập thôn, tổ dân phố để tiến tới hợp nhất, sáp nhập những thôn, tổ dân phố quá nhỏ, nhằm giảm đầu mối, giảm người hoạt động không chuyên trách, tăng hiệu quả hoạt động; xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn để thôn, tổ dân phố thực sự là hình thức tự quản của cộng đồng dân cư, khắc phục tình trạng thôn, tổ dân phố đang có xu hướng trở thành một cấp hành chính, dẫn đến chồng chéo hoặc “làm thay” nhiệm vụ của chính quyền cấp xã./.

Kim Sơn