Chiều 17/8, tiếp tục chương trình phiên họp thứ Hai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, biểu quyết thông qua Nghị quyết về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022.
|
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình của Chính phủ (Ảnh: NH) |
Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2017, áp dụng cho thời kỳ ổn định ngân sách 2017-2020 đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Đồng thời, thời kỳ ổn định ngân sách nhà nước giai đoạn 2017-2020 chỉ kéo dài hết năm 2021, vì vậy, cần thiết phải xây dựng các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ chi thường xuyên ngân sách nhà nước mới để xác định tỷ lệ điều tiết giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, xây dựng dự toán ngân sách nhà nước giai đoạn 2022-2025.
Chính phủ đề xuất, về định mức phân bổ chi quản lý hành chính, dự toán ngân sách hằng năm của các bộ, cơ quan trung ương sẽ bỏ việc xây dựng định mức phân bổ theo biên chế. Thay vào đó, dự toán chi quản lý nhà nước, Đảng, đoàn thể hằng năm được xây dựng căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ, khối lượng, quy mô, tính chất nhiệm vụ được giao để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt.
Đối với các lĩnh vực sự nghiệp được ngân sách nhà nước bảo đảm một phần hoặc toàn bộ kinh phí chi thường xuyên, Chính phủ đề nghị thực hiện khoán chi ngân sách hỗ trợ giai đoạn 2022-2025 và yêu cầu giảm tối thiểu 10-15% so với giai đoạn 2017-2021. Bên cạnh đó, đối với các đơn vị có cơ chế tài chính đặc thù, sau khi chính sách tiền lương mới được cơ quan có thẩm quyền quyết định sẽ xóa bỏ cơ chế đặc thù hiện nay.
Tờ trình của Chính phủ cũng nêu rõ, tiếp tục sử dụng tiêu chí dân số làm “tiêu chí chính” trong xây dựng định mức phân bổ ngân sách nhà nước đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đồng thời, xây dựng lại 4 vùng làm căn cứ phân bổ ngân sách, gồm: Vùng đặc biệt khó khăn, vùng khó khăn, vùng đô thị và vùng khác còn lại.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường nêu rõ việc cần thiết phải xây dựng các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ chi thường xuyên NSNN mới để xác định tỷ lệ điều tiết giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, xây dựng dự toán NSNN giai đoạn 2022-2025. Đồng thời, qua thẩm tra, đề nghị chú trọng các mục tiêu, yêu cầu: Xây dựng định mức phân bổ chi thường xuyên phải phù hợp với khả năng cân đối NSNN năm 2022 và định hướng cả giai đoạn 2022-2025 theo Kế hoạch tài chính 5 năm (2021-2025). Bảo đảm cơ cấu lại chi NSNN giai đoạn 2022-2025 gắn với nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả. Tiêu chí, định mức phân bổ chi thường xuyên phải rõ ràng, đơn giản, dễ thực hiện; bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch; tăng cường trách nhiệm giải trình của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị sử dụng NSNN.
Về các nội dung cụ thể, Chủ nhiệm Nguyễn Phú Cường cho biết, Chính phủ dự kiến định mức phân bổ theo tiêu chí dân số các lĩnh vực năm 2022 tăng chung là 50% so với năm 2017. Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhận thấy, đây là mức tăng khá lớn, đặc biệt trong bối cảnh cần phải cơ cấu lại NSNN theo hướng triệt để tiết kiệm chi thường xuyên để tăng chi đầu tư. Chính phủ đã điều chỉnh giảm định mức chi quản lý hành chính theo dân số xuống còn 1,4 lần; các lĩnh vực khác vẫn giữ nguyên ở mức tăng 1,5 lần. Thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách cho rằng cần đánh giá kỹ về khả năng đáp ứng của nguồn lực NSNN cũng như khả năng bảo đảm mục tiêu phấn đấu giảm tỷ trọng chi thường xuyên; đề nghị Chính phủ cân nhắc các khả năng thắt chặt chi tiêu; có thể điều chỉnh giảm thêm tỷ lệ này ở các lĩnh vực khác.
Chủ nhiệm Nguyễn Phú Cường cho rằng, hiện nay, việc thực hiện cải cách tiền lương đã được khẳng định là từ thời điểm 1/7/2022, trong đó có hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm và cơ cấu tiền lương mới. Vì vậy, Chính phủ cần giải trình rõ hơn về vấn đề này để bảo đảm tính khả thi và phù hợp giữa mục tiêu thực hiện cải cách tiền lương và các nội dung dự thảo về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ chi thường xuyên của thời kỳ ổn định ngân sách 2022-2025.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, thời kỳ ổn định ngân sách trùng với thời kỳ thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm, hoặc phương án do Quốc hội quyết định và bảo đảm tính liên tục.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, nghị quyết của Trung ương đã khẳng định việc cải cách tiền lương nhất quyết phải tiến hành vào ngày 1/7/2022. Theo đó, tất cả các cơ chế đặc thù phải được bãi bỏ.
“Lương cũng là nội dung để kích thích kinh tế, kích thích đầu tư. Mặc dù dịch bệnh ảnh hưởng, nhưng chúng ta quyết tâm thì có thể làm được”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Giải trình vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, hiện ở địa phương còn dư 252.000 tỷ đồng nguồn cải cách tiền lương. Vừa rồi, 7 tỉnh đề nghị dùng tiền này để chống dịch. Bộ Tài chính đã trả lời là dùng các nguồn khác như dự trữ tài chính, tiết kiệm chi thường xuyên; chưa đủ thì phải thực hiện điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, cắt giảm các khoản không cần thiết, còn nguồn cải cách tiền lương luôn sẵn sàng để thực hiện.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất ban hành Nghị quyết để ban hành nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên cho năm 2022.
Về thời kỳ ổn định ngân sách, đề nghị Chính phủ làm tờ trình báo cáo Quốc hội xem xét quyết định tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội khóa XV với phương án phù hợp là thời kỳ ổn định ngân sách mới từ 2022-2026.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu rà soát và thể hiện trong Nghị quyết về việc đảm bảo nguồn lực thực hiện các tiêu chí, định mức và thực hiện cải cách tiền lương từ 1/7/2022; đồng thời dự phòng các rủi ro và phương án xử lý rủi ro, đảm bảo hợp lý tương thích với tỷ lệ phân chia ngân sách do Quốc hội quyết định và phù hợp với các mục tiêu, chỉ tiêu trong Kế hoạch tài chính, ngân sách 5 năm đã được Quốc hội ban hành…
Tại phiên họp, với 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua về mặt nguyên tắc định hướng chung và giao Ủy ban Tài chính - Ngân sách chủ trì phối hợp với Ủy ban Pháp luật, các Ủy ban của Quốc hội và Bộ Tài chính rà soát thống nhất các nội dung, hoàn thiện Nghị quyết để gửi xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành./.