Cải cách thủ tục xuất nhập khẩu, 'một tay vỗ không kêu' 

(Chinhphu.vn) – Ngành hải quan đã tập trung thực hiện nhiều cải cách thủ tục hành chính nhằm giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, trong đó có việc kết nối Cơ chế một cửa quốc gia. Tuy nhiên, sau gần 4 năm thực hiện mới có 53 thủ tục hành chính của 11 bộ, ngành kết nối, kết quả khá thấp này đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ hơn của các đơn vị liên quan.
 
Thực hiện quy trình soi chiếu container qua máy soi hiện đại. Ảnh:VGP/Huy Thắng
Hải quan nỗ lực tăng cường hiện đại hoá

Theo thống kê của  Tổng cục Hải quan, từ năm 2016 đến nay, Tổng cục đã rà soát, cắt giảm, đơn giản hoá đối với hơn 220 thủ tục hải quan; tiếp tục thực hiện thủ tục hải quan điện tử. Hiện hệ thống hải quan điện tử (VNACCS/VCIS) đã được triển khai tại 100% đơn vị hải quan trên toàn quốc với toàn bộ quy trình thủ tục được tự động hóa và hơn 99,65% doanh nghiệp tham gia thực hiện thủ tục hải quan bằng phương thức điện tử.

Ngành hải quan cũng đã kết nối với các hãng hàng không nắm thông tin về hàng hóa nhập khẩu, thí điểm triển khai hệ thống thông tin, quản lý các doanh nghiệp hoạt động gia công sản xuất xuất khẩu; triển khai nộp thuế qua ngân hàng… Nhờ đó, đã giảm thời gian nộp thuế và thời gian thực hiện thủ tục thông quan hàng hoá. Cụ thể năm 2017 còn dưới 111 giờ, giảm 420 giờ so với năm 2013; thời gian giải phóng hàng nhập khẩu giảm từ 42 giờ năm 2014 xuống còn 34 giờ năm 2016....

Trong các địa phương, Cục Hải quan Đồng Nai là một trong những đơn vị tiên phong  trong việc xây dựng, ban hành và triển khai các chương trình, kế hoạch liên quan đến cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan, đồng thời phát động phong trào thi đua thực hiện các nhiệm vụ chính trị gắn với cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính.

Trong năm 2018, Cục Hải quan Đồng Nai đã triển khai nhiều biện pháp cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp như rà soát, công khai 103 thủ tục hải quan; trong đó có 26 thủ tục thuộc thẩm quyền cấp Cục, 77 thủ tục thuộc thẩm quyền cấp Chi cục trên website Hải quan Đồng Nai, công khai cho doanh nghiệp làm thủ tục trên địa bàn và đưa lên website của Cục, niêm yết tại các địa điểm làm thủ tục. Đồng thời, báo cáo Tổ công tác thực hiện Đề án cải cách thủ tục hành chính tỉnh để cập nhật vào các Bộ thủ tục hành chính các cơ quan ngành dọc tại địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Đáng chú ý, từ tháng 11/2017, Tổng cục Hải quan mở thêm 1 kênh nộp thuế mới - nộp thuế điện tử và thông quan hàng hoá 24/7 để giúp các doanh nghiệp có thể nộp tiền thuế mọi lúc, mọi nơi, mọi phương tiện. Cục Hải quan Đồng Nai đã có nhiều hoạt động tích cực thu hút doanh nghiệp tham gia đề án nộp thuế điện tử và thông quan hàng hoá 24/7.

“Các doanh nghiệp làm thủ tục hải quan tại Cục Hải quan tỉnh Đồng Nai đã thực hiện giao dịch nộp thuế điện tử và thông quan 24/7 tại 6/15 ngân hàng thương mại đã ký thoả thuận với Tổng cục Hải quan”, ông Nguyễn Dương Hoài, Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Đồng Nai cho biết.

Cùng với Đồng Nai, Cục Hải quan Bình Dương cũng đã có nhiều biện pháp thực hiện cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hoá trong lĩnh vực hải quan. Cơ quan này đã khai thác và sử dụng có hiệu quả các phiên bản của Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS, cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN theo lộ trình của Tổng cục Hải quan.

Đáng chú ý, Cục Hải quan Bình Dương áp dụng máy soi chiếu hàng hóa trong container tại 2 tuyến đường chính vận chuyển hàng hóa đi về hướng cảng biển, đảm bảo hàng hóa kiểm tra qua máy soi container. Thời gian kiểm tra thực tế rút ngắn xuống không quá 5 - 7 phút/container, tránh sai sót, chống gian lận thương mại đối với doanh nghiệp, hạn chế được những việc tiêu cực trong thông quan hàng hóa. 

Cơ chế một cửa quốc gia mang lại nhiều lợi ích cho DN

Trao đổi với một số doanh nghiệp làm thủ tục trong chuyến đi thực tế tại cơ sở, đa số các ý kiến cho rằng, những cải cách trong lĩnh vực hải quan thời gian qua là đáng ghi nhận.

Ông Byeon Seung An, Giám đốc hành chính Công ty Changshin Việt Nam (doanh nghiệp chuyên sản xuất giày, với hơn 30 nghìn công nhân tại Đồng Nai) nhận xét, nhờ việc sử dụng hệ thống khai điện tử, đặc biệt thông qua cơ chế một cửa quốc gia đã mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Cụ thể, doanh nghiệp không phải trực tiếp làm việc với từng cơ quan nhà nước để hoàn thành các thủ tục hành chính, nhờ đó giảm được chi phí, thời gian, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa.

Còn ông Nguyễn Tấn Sơn, Trưởng phòng xuất nhập khẩu Công ty Foster Việt Nam cho biết, Foster Việt Nam là một trong những doanh nghiệp ưu tiên của tỉnh Bình Dương cho biết, Chi cục Hải quan Khu công nghiệp Vietnam - Singapore (thuộc Cục Hải quan Bình Dương) đã hỗ trợ rất nhiều về các thủ tục xuất nhập khẩu, hàng hóa của công ty.

Việc khai báo điện tử các thủ tục hải quan tiện lợi cho doanh nghiệp về thời gian và tiền bạc. Đặc biệt, Hải quan Bình Dương cũng hỗ trợ về dịch vụ công cho doanh nghiệp rất nhanh, kịp thời trên Cổng thông tin điện tử Hải quan.

Các công nghệ kiểm tra hiện đại qua máy móc dần thay thế việc tiếp xúc trực tiếp. Ảnh:VGP/Huy Thắng

Nguy cơ chậm tiến độ, do phối hợp kết nối nửa vời

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, nhiều ý kiến cho rằng, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan thời gian qua vẫn còn những hạn chế như việc sửa đổi, bổ sung một số quy định của pháp luật hải quan còn chậm so với tiến độ đề ra.

Cụ thể, về vướng mắc trong thủ tục hành chính liên quan đến thông quan hàng hóa, bà Nguyễn Thị Mai, Trưởng phòng xuất nhập khẩu và SCM, Công ty TNHH Công nghiệp Brother Sài Gòn cho biết, việc thanh toán còn rất khó khăn. Thực tế, mỗi lần thanh toán qua ngân hàng, doanh nghiệp phải xuất trình các giấy tờ gốc gồm tờ khai, hợp đồng mua bán… Theo ý kiến của doanh nghiệp, điều này là không hợp lý, vì trên thực tế, khi khai tờ khai hải quan, những giấy tờ này đã được doanh nghiệp cung cấp, xuất trình các chứng từ này trên hệ thống điện tử rồi.

Có cùng thắc mắc, ông Nguyễn Văn Hiếu, đại diện công ty Chang Shin Việt Nam tại Đồng Nai cho biết, một tháng DN thanh toán khoảng 40 triệu USD cho đối tác nước ngoài với rất nhiều hồ sơ, doanh nghiệp phải cắt cử 2-3 người chuyên làm công tác thanh toán.

“DN phải xuất trình đủ một bộ giấy tờ trước đó đã khai đủ trên mạng, thì mới được thanh toán. Nếu ngân hàng kết nối với hải quan tốt hơn thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ đỡ cực khổ và giảm được rất nhiều thời gian đi lại mỗi khi làm thủ tục thanh toán cũng như chi phí nhân công cho công việc này”, ông Nguyễn Văn Hiếu nói.  

Một trong những hạn chế mà doanh nghiệp hay phàn nàn đó là vấn đề kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu chưa thực sự cải cách mạnh mẽ. Đại diện doanh nghiệp Chang Shin Việt Nam cho biết, thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu hóa chất của ngành công thương lại chưa triển khai cấp giấy phép này qua hệ thống điện tử. Thực tế, DN rất vất vả, tốn kém khi thực hiện thủ tục này. Nếu một tuần, DN nhập khẩu 2-4 lô hàng hóa chất, như trước đây, cơ quan quản lý cho trong 1 tháng, DN chỉ cần xin giấy phép một lần, nhưng quy định hiện nay, mỗi lô hàng nhập về là phải xin giấy phép nhập khẩu cho từng lô hàng đó. Nghĩa mỗi tuần DN này phải xin mấy lần mà điều đáng nói là phải lên tận TP HCM để xin ngành công thương cấp giấy này. Thủ tục này khiến DN mất rất nhiều thời gian, chi phí đi lại, chờ đợi.

“Cơ chế một cửa quốc gia có rồi nhưng sao các thủ tục khác như cấp giấy chứng nhận nhập khẩu hóa chất và rất nhiều thủ tục khác chưa được kết nối” đại diện doanh nghiệp thắc mắc.

Về khúc mắc này, đại diện Hải quan địa phương cho rằng, các thủ tục của các bộ quản lý chuyên ngành phải khẩn trương kết nối vào Cơ chế một cửa quốc gia, khi nhập mặt hàng nào thì trong tờ khai hải quan, DN khai số giấy phép đó. Khi thực hiện thông quan lô hàng, cơ quan hải quan chỉ cần đánh số giấy phép đó trên hệ thống điện tử của một cửa quốc gia và biết chắc chắn lô hàng đã được kiểm soát bởi bộ chuyên ngành, thay vì như hiện nay, DN phải đến trực tiếp cơ quan hải quan nộp giấy chứng nhận kiểm tra chuyên ngành cho cơ quan hải quan.

Lưu ý về những hạn chế và tiếp tục thực hiện tốt mục tiêu cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa, tại hội nghị sơ kết 6 tháng của ngành hải quan, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai đã yêu cầu ngành hải quan thực hiện thành công việc triển khai hệ thống giám sát hải quan tại cảng biển, cảng hàng không, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; tạo bước đột phá trong thực hiện cơ chế một cửa quốc gia và một cửa ASEAN… phấn đấu thực hiện thủ tục dịch vụ công đạt mức độ 3 và 4 đạt 100%; đồng thời tiếp tục thúc đẩy các bộ, ngành quản lý chuyên ngành hoàn thành việc ban hành các danh mục hồ sơ…

Mặc dù vậy, theo Bộ Tài chính, riêng về tiến độ triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, sau khoảng gần 4 năm thực hiện, đến nay mới có 53 thủ tục hành chính của 11 bộ, ngành kết nối. Nếu so mục tiêu đặt ra đến hết năm nay là hơn 196 thủ tục tiến độ số thủ tục được kết nối còn quá chậm. Ông Nguyễn Công Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho rằng, số lượng 53 thủ tục đã triển khai còn khiêm tốn so với mục tiêu đề ra đặc biệt Cơ chế này triển khai ở một số bộ ngành còn thấp. “Đáng quan ngại là hoạt động kết nối khá nửa vời, trong 53 thủ tục kết nối thì mức độ áp dụng dịch vụ hành chính của từng thủ tục còn khác nhau. Số lượng đạt dịch vụ công trực tuyến cấp 3, 4 (hoàn toàn không giấy tờ) chưa nhiều, còn những thủ tục đã được kết nối có mức độ điện tử hóa rất thấp khiến doanh nghiệp vẫn phải đến thực hiện thủ công”, đại diện ngành Hải quan cho biết./. 

Huy Thắng

589 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 669
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 669
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88323398