|
Ảnh minh họa: Bích Liên |
Chia sẻ với báo chí về vấn đề này, ông Mai Văn Phấn, Cục trưởng Cục Đăng ký và dữ liệu thông tin đất đai cho biết: Pháp luật đất đai 2013 đã quy định các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai như giao đất, cho thuê đất; chuyển mục đích sử dụng đất; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, cung cấp thông tin đất đai... Tuy nhiên, theo quy định hiện hành trong quá trình giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai nhiều thủ tục khác có liên quan được thực hiện trước đó hoặc thực hiện đồng thời như chấp thuận chủ trương đầu tư, chứng nhận đầu tư, xây dựng, nộp nghĩa vụ tài chính,... nhưng cơ quan giải quyết thủ tục hành chính về đất đai phải chịu trách nhiệm toàn diện về kết quả cuối cùng để trả kết quả cho người dân, doanh nghiệp, dẫn đến làm tăng thời gian, không minh bạch trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính.
Tổng kết Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Ban chấp hành Trung ương Khóa XIII cho rằng “Cải cách hành chính trong quản lý đất đai còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn”, theo đó cần quy định trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) các thủ tục hành chính về giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cung cấp thông tin đất đai… theo hướng cải cách giảm bớt thủ tục hành hành chính, giảm thời gian, nguồn nhân lực, thủ tục giấy tờ liên quan, phân rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính nhằm đáp ứng yêu cầu của người dân và doanh nghiệp trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính.
Theo đó, để tạo hành lang pháp lý giúp hoàn thành các mục tiêu đề ra về cải cách thủ tục hành chính, Dự thảo Luật đã dành một chương quy định về thủ tục hành chính đất đai (Chương XIV) gồm có 07 điều.
Ông Mai Văn Phấn cũng nêu rõ, nội dung chương này đã sửa đổi, bổ sung thêm 04 điều so với Luật Đất đai 2013 gồm: Nguyên tắc thực hiện thủ tục hành chính về đất đai; quy định trình tự, thủ tục cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; quy định trình tự, thủ tục giao đất, cho thuê đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất và trường hợp giao đất, cho thuê đất không qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất và quy định trình tự, thủ tục giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất.
Việc quy định trong dự thảo Luật đã làm rõ về hình thức nộp hồ sơ để đảm bảo sự linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế và ứng dụng công nghệ bao gồm hình thức nộp trực tiếp, qua hệ thống bưu chính hoặc trên môi trường điện tử nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; đã giao Chính phủ quy định chi tiết về các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Tại dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai đã quy định rõ thành phần hồ sơ phải nộp và trình tự thủ tục thực hiện đối với từng thủ tục hành chính cụ thể: quy định rõ ràng về quy trình các cơ quan có liên quan xử lý thủ tục; đã quy định về nguyên tắc thực hiện thủ tục, theo đó đã quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân yêu cầu thực hiện thủ tục hành chính về đất đai quy định phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của nội dung kê khai và các giấy tờ trong hồ sơ đã nộp; Cơ quan giải quyết thủ tục hành chính về đất đai chịu trách nhiệm thực hiện đúng thẩm quyền và thời gian theo quy định của pháp luật, không chịu trách nhiệm về những nội dung trong các văn bản, giấy tờ có trong hồ sơ đã được cơ quan, người có thẩm quyền khác chấp thuận, thẩm định, phê duyệt hoặc giải quyết trước đó; quy định về quản lý, khai thác và kết nối liên thông cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai để phục vụ người dân, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính về đất đai...
“Đây là nền tảng cho việc thực hiện dịch vụ công đất đai trực tuyến, đảm bảo tính chính xác, đồng nhất thông tin giữa các cơ quan, đơn vị; đảm bảo tính công khai, minh bạch, cắt giảm thời gian khi người dân thực hiện thủ tục hành chính về đất đai, ông Mai Văn Phấn khẳng định.
Cũng theo ông Phấn, dự thảo Luật cũng đã bổ sung ở Chương XII về Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu đất đai với các quy định về trách nhiệm, thời gian các Bộ, ngành và các địa phương đưa hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai vào vận hành, khai thác; quy định kết nối liên thông cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai với cơ sở dữ liệu của các Bộ, ngành có liên quan và quy định về dịch vụ công trực tuyến và giao dịch điện tử về đất đai nhằm tạo công cụ để người dân, doanh nghiệp có thể truy xuất, kiểm tra quá trình giải quyết thủ tục hành chính về đất đai của cơ quan giải quyết thủ tục trên môi trường điện tử.
Ông Mai Văn Phấn khẳng định, các quy định nói trên sẽ là cơ sở quan trọng để thực hiện việc minh bạch, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo tiền đề để hiện đại hóa việc cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực đất đai cho người dân và doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước, đảm bảo thể chế hóa được quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số và nâng cao năng lực quản lý nhà nước về đất đai” và nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả của pháp luật về đất đai./.