Hình ảnh tại Hội thảo (Ảnh:M.P)
Chiều ngày 20/4, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tổ chức Hội thảo "Cải cách thủ tục hành chính – Cải thiện chỉ số tiếp cận tín dụng".
Tại Hội thảo, Ngân hàng Nhà nước cho biết, thực hiện mục tiêu xây dựng một Chính phủ kiến tạo, phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, năm 2017, công tác cải cách hành chính (CCHC) tiếp tục thể hiện sự quyết liệt, mạnh mẽ trong hành động của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) thông qua việc ban hành và chỉ đạo triển khai nhiều nội dung CCHC; trọng tâm là tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, công vụ và đặc biệt là các giải pháp về cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển doanh nghiệp.
Theo Ngân hàng Nhà nước, chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam trong 4 kỳ báo cáo gần đây của Ngân hàng Thế giới, đã được cải thiện đáng kể và ổn định trong nhóm 30 nước có chỉ số cao nhất.
Trong Báo cáo môi trường kinh doanh năm 2018, Việt Nam xếp hạng 29/190, tăng 3 bậc và đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN, ngang với Singapore, cao hơn vị trí thứ 42 của Thái Lan, 55 của Indonesia, 77 của Lào, 142 của Philippines. Trước đó, vào năm 2015 và 2016, Ngân hàng Nhà nước được xếp vị trí thứ nhất trong số các bộ, ngành. Kết quả này cho thấy kết quả của thực hiện các giải pháp cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp mà Ngân hàng Nhà nước đã quyết liệt triển khai trong thời gian qua. Chỉ tính riêng trong năm 2017, ngành ngân hàng đã tổ chức hơn 370 buổi gặp gỡ, đối thoại giữa ngân hàng và doanh nghiệp; giải ngân cho hơn 60.000 khách hàng với tổng số tiền lên tới 80.000 tỷ đồng; gia hạn nợ, cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ, giảm lãi suất cho vay đối với các khoản cho vay cũ cho gần 4.000 danh nghiệp và hơn 9.000 khách hàng khác...
Mặc dù vậy, theo nhiều ý kiến, chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam vẫn còn thấp hơn Malaysia và Campuchia ở vị trí 20. Các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng. Nguyên nhân chủ yếu là do những vấn đề nội tại của chính doanh nghiệp như: Năng lực tài chính yếu kém, không chứng minh được tính khả thi và hiệu quả của dự án, phương án sản xuất kinh doanh, nợ phải trả tồn đọng lớn chưa có biện pháp xử lý...
Ông Đào Minh Tú – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng công khai thủ tục cho vay, cung cấp dịch vụ đối với khách hàng; cải tiến, đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm bớt phiền hà cho khách hàng vay vốn…/.
Minh Phương