Bộ Trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu tại Diễn đàn (Ảnh: M.P)
Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ Trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đánh giá, trong những năm qua, tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trước những biến động về kinh tế và địa chính trị trong khu vực và trên thế giới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu tích cực trong phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, đời sống nhân dân được cải thiện. Cùng với đó, nền tài chính công Việt Nam cũng được đổi mới theo hướng ngày càng minh bạch, hiệu quả, bền vững hơn, có nhiều đóng góp tích cực cho công cuộc phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần thúc đẩy hội nhập kinh tế và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Hệ thống thể chế và khuôn khổ pháp lý về quản lý tài chính công đã được đổi mới đồng bộ. Hệ thống chính sách thu ngân sách được xây dựng theo đúng định hướng cải cách hệ thống thuế, phí, đảm bảo nguyên tắc công bằng, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, dễ thực hiện; giảm nghĩa vụ thuế, cải thiện môi trường đầu tư, khuyến khích tích tụ vốn, phát triển sản xuất, kinh doanh; mở rộng diện thu; cắt giảm thuế quan, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế; song song với việc tăng cường quản lý, hiện đại hóa công tác quản lý thu, đẩy mạnh chống thất thu, chống chuyển giá…
Tuy nhiên, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, bên cạnh những thành tựu đạt được, thời gian qua, nền tài chính công cũng đối mặt với một số thách thức, rủi ro nhất định. Thứ nhất, quy mô thu ngân sách so với GDP giảm nhanh, cơ cấu thu chưa hợp lý, giai đoạn 2006 - 2010 thu ngân sách là 26,3,% GDP (trong đó thu từ thuế, phí là 22,6% GDP) và giai đoạn 2011 - 2015 thu ngân sách là 23,6% GDP (trong đó thu từ thuế, phí là 20,8% GDP).
Thứ hai, nhu cầu chi ngân sách không ngừng tăng, vượt khả năng cân đối nguồn lực, dẫn đến cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) khó khăn, bội chi cao; tích lũy ngân sách cho đầu tư phát triển thấp. Cơ cấu chi ngân sách chưa hợp lý, tỷ trọng chi thường xuyên tăng cao, chi đầu tư phát triển giảm.
Thứ ba, nợ công và nghĩa vụ trả nợ tăng nhanh, áp lực trả nợ trong ngắn hạn lớn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn nhưng chưa được kiểm soát chặt chẽ; nợ đọng xây dựng cơ bản và ứng trước ngân sách còn lớn; việc quản lý, sử dụng vốn vay còn bất cập; thiếu gắn kết giữa quyết định đầu tư với cân đối nghĩa vụ trả nợ. Việc sử dụng ngân sách và vốn đầu tư công còn lãng phí, thất thoát, kém hiệu quả.
Đại diện các đại biểu tham dự Diễn đàn (Ảnh: M.P)
Với mục tiêu hướng tới một nền tài chính công lành mạnh, an toàn và bền vững, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 07/NQ-TW ngày 18/11/2016 nhằm đưa ra các chủ trương và giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.
Để thực hiện những định hướng chính sách về cơ cấu lại ngân sách nhà nước và quản lý nợ công nhằm đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, Bộ Tài chính đang nghiên cứu xây dựng trình các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan về thuế, phí, lệ phí, chi ngân sách nhà nước và quản lý nợ công như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Thuế tài nguyên và Luật Quản lý nợ công. Bên cạnh đó, Bộ tài chính cũng sẽ hướng dẫn thực hiện tốt các quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các quy định có liên quan về kế hoạch tài chính trung hạn; khoán chi hành chính; cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập; khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn lực tài sản công; nghiên cứu xây dựng cơ chế quản lý ngân sách theo kết quả thực hiện nhiệm vụ.
Tại Diễn đàn, ông Trương Bá Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính cho rằng, trong gần 2 thập niên qua, thể chế tài chính - NSNN của Việt Nam liên tục được đổi mới và hoàn thiện. Nhờ đó, tiềm lực tài chính quốc gia được tăng cường và mở rộng. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, diễn biến những năm gần đây cho thấy, Việt Nam đang phải đối mặt với những rủi ro tài khóa nhất định khi nhìn nhận từ góc độ bền vững tài khóa. Yêu cầu đặt ra đối với Việt Nam trong thời gian tới là phải có một kế hoạch tổng thể về tái cơ cấu tài khóa để từng bước giảm dần mức bội chi, qua đó hạn chế sự gia tăng của nợ công. Sự chậm trễ trong việc thực hiện củng cố tài khóa có thể gây ra nhiều hệ lụy lớn, nhất là khi niềm tin của thị trường đối với nền kinh tế giảm. Việt Nam cần phải hướng tới một cơ cấu chi NSNN phù hợp hơn, gắn chính sách chi NSNN với các định hướng phát triển trung và dài hạn của đất nước. Thực hiện cải cách hệ thống thuế để mở rộng quy mô thu NSNN, khai thác các nguồn thu mà không gian tăng thu đang có. Ngoài ra, Việt Nam cần tăng cường minh bạch và củng cố trách nhiệm giải trình tài khóa, đảm bảo quản lý hiệu quả nợ công và rủi ro tài khóa.
Ông Michael Greene, Giám đốc Quốc gia, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ cho biết, một trong những mục tiêu quan trọng của USAID là giúp Việt Nam xây dựng chính sách, quy định và pháp luật về tài chính, có sự tham gia tốt hơn của người dân. Với sự hợp tác này và tới đây nữa, thì Viện Chiến lược Tài chính có thể củng cố năng lực của mình để đánh giá tác động của các Hiệp định Thương mại tự do với nền kinh tế Việt Nam./.
Minh Phương