Đây là một nội dung của khoá tập huấn “Phân tích chính sách và kỹ năng lãnh đạo” do Học viện Chính sách và Phát triển (APD), Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức dành cho cán bộ giữ vị trí quản lý Nhà nước vừa tổ chức mới đây tại Hà Nội và TPHCM.
Chương trình nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa APD với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam, với mục đích giúp các nhà quản lý Nhà nước của Việt Nam tiếp cận với các phương pháp kỹ thuật hiện đại trong quản lý dự án, tham mưu chính sách trước bối cảnh nước ta hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế thế giới.
Theo một nghiên cứu gần đây về “Hiệu quả đầu tư công” của Quỹ Tiền tệ thế giới, nếu cải thiện được chất lượng thể chế quản lý đầu tư công, hiệu quả của đầu tư công có thể tăng thêm 30-60%, và thúc đẩy GDP tăng thêm trên 1 điểm % mỗi năm. Áp dụng vào trường hợp Việt Nam, đây có thể là một giải pháp quan trọng để đẩy nhanh tăng trưởng GDP.
Thực tế, có không ít dự án đầu tư công còn thực hiện dàn trải, nợ đọng nhiều, có dự án vốn phê duyệt cao hơn nhiều so với khả năng thu xếp vốn…
Các chuyên gia phân tích, nếu nợ công gia tăng để bù đắp cho đầu tư công, trong khi đầu tư không sinh lời, không hiệu quả thì lại tạo nên gánh nặng và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn đối với nền kinh tế.
Không chỉ ở Việt Nam, trên thế giới, các cơ quan và cán bộ quản lý Nhà nước cũng gặp nhiều thách thức do các dự án đầu tư công thường là những dự án lớn, liên ngành, phức tạp về mặt kỹ thuật và khó đánh giá về mặt hiệu quả kinh tế-xã hội. Một yêu cầu bức thiết là cần có phương pháp để chấm dứt tình trạng lãng phí “tiền chùa”, nâng cao hiệu quả dự án đầu tư công.
Các chuyên gia PGS.TS. Kerry Krutilla và PGS.TS. Trần Ngọc Anh từ Đại học Inidana, Hoa Kỳ đã chia sẻ kinh nghiệm nâng cao hiệu quả đầu tư công; việc ra chính sách và quản lý tài sản công được triển khai hiệu quả tại các nước như Hoa Kỳ, Chile, Hàn Quốc… cũng như phân tích lợi ích-chi phí trên cơ sở xem xét nhiều yếu tố khi ra quyết định đầu tư.
Theo đó, cách thức bền vững nhất để nâng cao hiệu quả đầu tư công là tiếp tục đẩy mạnh cải cách một cách thực chất thể chế quản lý đầu tư, đặc biệt là việc áp dụng phương pháp phân tích lượng hóa bằng tiền các chi phí và lợi ích xã hội của dự án (phương pháp CBA), qua đó có thể so sánh, lựa chọn các dự án đầu tư công hiệu quả nhất.
Ông Nguyễn Thành Tâm, Chủ tịch HĐND tỉnh Tây Ninh cho rằng, đây là một chương trình có tính ứng dụng cao đối với các lãnh đạo quản lý trong công tác đánh giá hiệu quả dự án đầu tư công.
Huy Thắng