Cải cách hành chính theo tư tưởng Hồ Chí Minh 

Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của toàn Đảng, toàn dân ta; nhà lãnh đạo xuất sắc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, nhà văn hóa kiệt xuất của đân tộc ta. Người không chỉ là nhà tư tưởng, nhà lý luận mà còn là kiến trúc sư lỗi lạc của nền hành chính nhà nước Việt Nam.

Hẳn chúng ta không ai quên trong cuộc họp đầu tiên của Ủy ban nghiên cứu  kế hoạch kiến quốc sau tháng 8/1945, Người nêu rõ mục tiêu của Nhà nước là: “1. Làm cho dân có ăn; 2. Làm cho dân có chỗ ở; 4. Làm cho dân có học hành”. Người còn nói: “Chúng ta đấu tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng chẳng làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ” (1). Bởi vậy, hoạt động của nền hành chính nhà nước trước hết phải phục vụ cho: Độc lập - Tự do – Hạnh phúc. Đây cũng là tiêu ngữ cho mọi văn bản hành chính của nhà nước ta trong hơn 73 năm qua.

Về mặt học thuật, hành chính nhà nước là hệ thống các yếu tố hợp thành về tổ chức (bộ máy, con người, nguồn lực công) và cơ chế hoạt động để thực thi quyền hành pháp của nhà nước theo qui định pháp luật. Theo đó, một nền hành chính nhà nước  cần phải hội đủ các yếu tố  sau: Thứ nhất, hệ thống thể chế hành chính bao gồm Hiến pháp, Luật, Pháp lệnh và các văn bản qui phạm về tổ chức, hoạt động của hành chính nhà nước và tài phán hành chính; Thứ hai, cơ cấu tổ chức và cơ chế vận hành của bộ máy hành chính nhà nước các cấp, các ngành phù hợp với yêu cầu thực hiện quyền hành pháp; Thứ ba, đội ngũ cán bộ, công chức hành chính được đảm bảo về số lượng và chất lượng để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của nền hành chính và cuối cùng là, nguồn lực tài chính và cơ sở vật chất kỹ thuật bảo đảm yêu cầu thực thi công vụ của các cơ quan và công chức hành chính.

Tuy nhiên, trong khuôn khổ của bài viết chỉ nêu một vài cảm nhận về phong cách của Bác và chúng ta làm gì để góp phần vận hành tốt hơn nền hành chính do dân vì dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

Năm 1947, trong cuốn sách “Sửa đổi lề lối làm việc” để huấn luyện về lề lối làm việc của cán bộ, một trong những điều Bác viết: Bất kỳ việc gì cũng vì lợi ích của Nhân dân mà làm và chịu trách nhiệm trước Nhân dân. Trước khi đi xa, trong bản Di chúc thiêng liêng, Bác căn dặn: Mỗi đảng viên, cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của Nhân dân.

Người cán bộ, công chức không có phận sự nào khác ngoài phận sự phục vụ nhân dân, vì nhân dân mà làm việc. Tư tưởng phục vụ Nhân dân là tư tưởng cốt lõi trong đạo đức, nhân cách của Bác. Với địa vị là công bộc của dân, Bác luôn nhắc nhở người cán bộ công chức phải yêu dân, kính dân. Người nói: Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta. Người kịch liệt lên án những cán bộ công chức miệng thì nói dân chủ làm việc thì theo lối quan chủ, miệng thì nói phụng sự quần chúng nhưng họ lại làm trái ngược với lợi ích của quần chúng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người mà lời nói đi đôi với hành động, lý luận đi đôi với thực tiễn, nói là để mà làm, không những phải tìm hiểu thế giới mà còn phải cải tạo thế giới. Nói đi đôi với làm là nguyên tắc đạo đức của Người. Người khuyên chúng ta:"Nói miệng, ai cũng nói được. Ta cần phải thực hành". (1)  Đó chính là phong cách của Bác.

Phong cách này được thể hiện trong mọi lĩnh vực sống và hoạt động của Người, tạo thành một chỉnh thể nhất quán, có giá trị khoa học, đạo đức và thẩm mỹ. Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” nêu các nội dung cơ bản của các phong cách đó với những đặc trưng giá trị, mang đậm dấu ấn Hồ Chí Minh, gắn liền với tư tưởng, đạo đức của Người; thể hiện của một nhân cách lớn, siêu việt, trí tuệ lỗi lạc, đạo đức trong sáng, nhân văn.

 Phong cách Hồ Chí Minh là phong cách của một vĩ nhân, một chiến sỹ cộng sản lỗi lạc, một nhà văn hóa lớn của nhân loại; một  phong cách vừa dân tộc vừa hiện đại, vừa khoa học vừa cách mạng, vừa cao cả vừa thiết thực, có thể học tập và noi theo.

Học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về cải cách hành chính có nhiều việc phải làm nhưng trước hết cần phải khẳng định và giữ vững tính chất nhà nước của dân, do dân, vì dân của nền hành chính pháp quyền nước ta.

Với tinh thần đó, cải cách hành chính là để góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền XNCN và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; phát huy vai trò tham gia quản lý, tư vấn, giám sát, phản biện xã hội trong hệ thống chính trị, nhằm cải thiện quan hệ giữa cơ quan, công chức nhà nước với công dân ở một số lĩnh vực hành chính công theo hướng công khai, minh bạch, dân chủ trên cơ sở bình đẳng, hài hòa giữa quyền và nghĩa vụ của hai bên.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất ghét thái độ của một số cán bộ, đảng viên "Coi khinh dân gian, nói phô, cử chỉ lúc nào cũng vác mặt "quan cách mạng". Năm 1947, trong bài nói chuyện với cán bộ tỉnh Thanh Hóa, Bác căn dặn: “Đối với nhân dân, phải nhớ Đảng làm việc cho dân, Đảng mạnh hay yếu là ở dân. Phải hiểu nguyện vọng của dân, sự cực khổ của dân, hiểu tâm lý của dân, học sáng kiến của dân. Muốn cho dân phục, phải được dân tin, muốn cho dân tin thì phải thanh khiết”. Người lại nói: “Nhiệm vụ của đoàn thể là phụng sự Nhân dân. Nghĩa là làm đầy tớ cho dân. Đã phụng sự Nhân dân thì phải phụng sự cho ra trò. Nghĩa là việc gì có lợi cho dân thì phải làm cho kỳ được. Việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh. Không học hỏi dân thì không lãnh đạo được dân. Có biết làm học trò dân, mới làm được thầy học dân”(2). Người khẳng định "Nơi nào công việc kém, là vì cán bộ cách xa dân chúng, không cùng dân bàn bạc, không giải thích". "Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra"(3).

Để gần dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra nguyên tắc "Việc gì cũng phải học hỏi và bàn bạc với dân chúng, giải thích cho dân chúng". "Tin vào dân chúng. Đưa mọi vấn đề cho dân chúng thảo luận và tìm cách giải quyết...”(4) . Tuy nhiên, trong dân chúng thì có người “tiên tiến”, người “chừng chừng” và cũng có người nhận thức chưa đến, thậm chí còn “lạc hậu". Chính vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh học hỏi quần chúng nhưng không theo đuôi quần chúng “phải biết lắng nghe, phân tích những ý kiến, sáng kiến của nhân dân để từ đó kiểm định chủ trương, chính sách, pháp luật và việc làm của cán bộ, đảng viên, tìm ra cái hay để phát triển và cái dở để sửa chữa. Có tâm với dân thì sẽ làm tốt điều đó. "Nước mình mình cứu, dân mình mình yêu".(5) Để gần dân, có nhiều cách nhưng hay nhất là đến với dân.

Có lần Bác nói chuyện với dân, thấy trời nắng, một cán bộ địa phương mang ô đến che nắng cho Bác, Bác bảo: “Dân chịu được thì Bác cũng chịu được. Chú cứ làm như Bác là ông quan ngày xưa”. Bác thường căn dặn các đồng chí bảo vệ: “các chú làm gì thì làm, chứ không được biến Bác thành một người đặc biệt, xa cách với dân”. Bác nói “Trên đời không có gì quý bằng nhân dân”. Cũng vì yêu quý nhân dân nên Người coi nỗi đau của nhân dân cũng là nỗi đau của mình và chừng nào trong xã hội còn có những người bất hạnh, thì chừng đó Người vẫn cảm thấy có phần trách nhiệm của mình. Xuất phát từ tình yêu và trách nhiệm to lớn đối với dân, Bác đòi hỏi các cán bộ, đảng viên phải có hiếu với dân, phải là người đầy tớ trung thành của nhân dân.

Viết lại những điều mà chắc mọi người đã thuộc, đã biết chỉ với một hàm ý, một thông điệp: gần dân là tiêu chuẩn, là phẩm chất của cán bộ, đảng viên và những là công bộc của dân.

Vấn đề thứ hai trong cải cách hành chính là phải kiện toàn hệ thống chính trị để hỗ trợ cho cải cách hành chính.

Trong những năm qua, Đảng ta đã ban hành và thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiều chủ trương, nghị quyết, kết luận về xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Tổ chức Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội từng bước được sắp xếp, kiện toàn; chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của các tổ chức trong hệ thống chính trị được phân định, điều chỉnh hợp lý hơn; bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, quyền làm chủ của nhân dân và đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần vào thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của sự nghiệp đổi mới.

Tuy nhiên, cho đến nay tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, kém hiệu lực, hiệu quả. Số người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước ở các đơn vị sự nghiệp công và người hoạt động không chuyên trách cấp xã ngày càng nhiều.

Từ tình hình đó, BCH Trung ương Đảng (khóa XII) đề ra mục tiêu: Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước và chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội; phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; giảm chi thường xuyên và góp phần cải cách chính sách tiền lương. (6)

Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân ta đang thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” việc nghiên cứu, học tập tư tưởng Bác Hồ về lề lối làm việc, cải cách hành chính hướng tới xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại hóa, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả theo nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Vấn đề đặt ra là mỗi người trên cương vị công tác phải toàn tâm, toàn ý phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, để mãi mãi xứng đáng là công bộc của Nhân dân.

Đó là cách tốt nhất để tư tưởng của Người mãi mãi trường tồn. Trí Ánh

 

___________

(1) Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, H.1995, t,7, tr274

(2)  (3) (4) (5). Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4; t.5

(6) Nghị quyết số 18-NQ/TW BCH Trung ương Đảng khóa XII

6015 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Thông tin hướng dẫn, trao đổi nghiệp vụ

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 938
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 938
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76433124