|
Toàn cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Câu hỏi đầu tiên xin được dành cho bà Kim Anh, bà có thể cho biết khái quát công tác rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính (TTHC) trong thời gian vừa qua của Bộ NN&PTNT?
Bà Nguyễn Thị Kim Anh: Việc cắt giảm điều kiện kinh doanh được xác định là công việc thường xuyên. Sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ đã tạo động lực cho Bộ NN&PTNT nỗ lực trong vấn đề này. Ngay từ tháng 8/2017, Bộ NN&PTNT đã thành lập Tổ công tác bao gồm thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ để tiến hành công tác rà soát, cắt giảm. Tổ công tác do một Thứ trưởng thường trực phụ trách, chỉ đạo trực tiếp, tạo sự lan tỏa từ cơ quan đơn vị hành chính, sự nghiệp cũng như tất cả tổ chức thực hiện TTHC.
Thưa ông, Cục Chăn nuôi được đánh giá là đơn vị có khối lượng giao dịch thủ tục hành chính khá lớn trong Bộ NN&PTNT, vậy công tác rà soát và cắt giảm đã được tiến hành như thế nào tại đơn vị ông?
Ông Nguyễn Xuân Dương: Thực hiện chủ trương của Chính phủ, trong lĩnh vực chăn nuôi, nhất là vấn đề thủ tục XNK thức ăn chăn nuôi, Cục đã cắt giảm cơ bản những nội dung có liên quan đến thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi nhất cho doanh nghiệp (DN).
Công tác kiểm soát chất cấm trong thức ăn chăn nuôi đang đạt kết quả cao. Chúng tôi đã áp dụng xã hội hóa kiểm tra, xác nhận chất lượng thức ăn chăn nuôi. Hiện nay, toàn bộ khâu kiểm tra xác nhận chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu áp dụng dịch vụ công mức độ 4. Theo Tổng cục Hải quan đánh giá, đây là một trong những lĩnh vực tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN nhập khẩu. Việc áp dụng cơ chế một cửa quốc gia đã giúp giảm tới 60-70% thời gian kiểm tra và thông quan hàng hóa, đồng thời tiết giảm nhiều chi phí cho DN.
Cũng giống như Cục Chăn nuôi, Bảo vệ thực vật là ngành có sự tương tác với người dân và doanh nghiệp rất thường xuyên. Vậy quan điểm cải cách hành chính và cắt giảm thủ tục được tiến hành tại đơn vị ông như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Trọng Ái: Nhiệm vụ trọng tâm năm 2017, cũng như năm 2018 tới đây là tiếp tục rà soát để cắt giảm về thời gian thực hiện, rà soát TTHC liên quan đến kiểm tra chuyên ngành; tiếp tục triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo các mục tiêu của Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP về tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020.
|
Bà Nguyễn Thị Kim Anh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ NN&PTNT. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Lâu nay vẫn có dư luận cho rằng nhiều thủ tục hành chính là một “nguồn sống” của các đơn vị chuyên ngành. Vậy là đơn vị đầu mối về cắt giảm thủ tục hành chính của Bộ NN&PTNT, bà có thể chia sẻ những khó khăn trong công tác này không?
Bà Nguyễn Thị Kim Anh: Là đơn vị đầu mối thực hiện cải cách thủ tục hành chính, chúng tôi xác định là phải làm, trong đó việc quan trọng nhất là cách làm. Được sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của lãnh đạo Bộ, chúng tôi đề xuất cách làm, trước hết là tạo sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị có liên quan trực tiếp đến các thủ tục hành chính. Sau đó, chúng tôi có sự tham vấn của chuyên gia, DN thực sự thường xuyên thực hiện thủ tục hành chính. Trên cơ sở đó, chúng tôi đi khảo sát, làm việc trực tiếp với DN, đến tận cửa khẩu để tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc, đảm bảo tính minh bạch, khách quan. Trên cơ sở rà soát toàn bộ các văn bản tránh chồng chéo, từ đó chúng tôi đưa ra kiến nghị vừa đảm bảo yêu cầu quản lý, vừa tạo sự thông thoáng cho DN. Vì vậy, việc cải cách thủ tục hành chính đạt sự đồng thuận cao của cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng DN.
Cũng tương tự như quan điểm trên, Chăn nuôi và Bảo vệ thực vật là hai ngành có giao dịch thủ tục lớn với doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, các ông triển khai việc cắt giảm thủ tục của ngành có vấp phải phản ứng gì của chính cán bộ của mình không?
Ông Nguyễn Xuân Dương: Cục Chăn nuôi đã ý thức việc rà soát cắt giảm tạo điều kiện thuận lợi cho DN từ lâu, phải tạo môi trường tốt nhất cho DN phát triển nhưng không thể bỏ được yếu tố quản lý. Thủ tướng yêu cầu cải cách cắt giảm thủ tục hành chính, tôi thấy rất quan trọng. Đương nhiên, quan trọng nhất là tạo môi trường cho DN có điều kiện kinh doanh thuận lợi, song phải giữ được quản lý nhà nước để đảm bảo không thể đưa ra sản phẩm không chất lượng, không an toàn vào Việt Nam vì nông sản Việt Nam chắc chắn xuất khẩu. Chúng tôi cắt thủ tục hành chính rườm rà để DN có môi tường thuận lợi nhất kinh doanh phát triển nhưng phải tạo ra hàng rào kỹ thuật cần thiết để bảo vệ sản xuất trong nước, phát triển hài hòa với nông nghiệp các nước.
Ông Nguyễn Trọng Ái: Việc triển khai cắt giảm TTHC không vấp phải phản ứng gì của cán bộ ngành, ngược lại toàn thể cán bộ, công chức của Cục bảo vệ thực vật luôn ý thức được rằng giảm được một bước nhỏ trong TTHC, rút ngắn được thời gian làm TTHC là có lợi cho DN, nhất là tại các cửa khẩu khi có cạnh tranh về thời gian, áp lực giao hàng sớm sẽ được giá hơn.
Về lĩnh vực Chăn nuôi, độc giả Nguyễn Hanh (Ứng Hòa, Hà Nội) có chia sẻ: Theo tôi được biết hiện nay có chương trình cấp phát tinh cho người chăn nuôi lợn nhỏ lẻ để cải tạo giống. Nhưng trên thực tế chúng tôi là người sản xuất thì thấy chương trình này hiệu quả không cao vì người chăn nuôi nhỏ lẻ giờ hầu như không nhận nữa, như vậy có phải là lãng phí không thưa ông?
Ông Nguyễn Xuân Dương: Trong Quyết định 50 Thủ tướng Chính phủ, một trong những suy nghĩ của cơ quan quản lý là những người chăn nuôi nông hộ có nguy cơ cao không nhận được giống tốt. Chăn nuôi trang trại, công nghiệp giống không tốt không nuôi nhưng chăn nuôi nhỏ lẻ lại khác. Chính sách thực hiện Quyết định 50 là hỗ trợ tinh cho hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Đó là chủ trương tốt. Khi sử dụng tinh để thụ tinh cho lợn, đạt nhiều hiệu quả, giúp chất lượng di truyền cao, hạn chế vấn đề sinh bệnh. Những hộ chăn nuôi lớn đã lo được, nhưng nhỏ chưa lo được thì Chính phủ khuyến khích địa phương hỗ trợ cho chăn nuôi nông hộ có tinh cho gia súc. Nếu địa phương thấy không cần thiết thì thực hiện chính sách khác. Một nông hộ không thể nuôi con đực mà chỉ có phối cho một con cái thì dùng thụ tinh nhân tạo.
|
Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Độc giả Trần Thị Mai (maitran77ln@gmail.com): Tôi được biết Bộ NN&PTNT đang tiến hành rà soát, chuẩn hóa danh mục hàng hóa nông nghiệp kèm mã HS để tiện lợi việc xuất, nhập khẩu. Vậy danh mục này đã được ban hành chưa? Chúng tôi có thể tra cứu ở đâu? Có lưu ý gì đặc biệt khi sử dụng danh mục và các mã này không?
Bà Nguyễn Thị Kim Anh: Từ ngày 13/7/2017, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai sang làm việc với Bộ NN&PTNT có thông tin về việc mã số HS phải sớm ban hành, có hiệu lực từ 1/1/2018 để hài hòa mã số HS của ASEAN. Bộ NN&PTNT đã giao cho Vụ Pháp chế và các đơn vị của bộ rà soát, ban hành Thông tư. Thời gian không dài nhưng phải ban hành khối ượng danh mục lớn. Tuy nhiên, chúng tôi đã triển khai với sự quyết tâm cao, tinh thần nếu không ban hành được thì hàng hóa nông nghiệp xuất nhập khẩu sẽ khó khăn khi áp mã HS. Chúng tôi cảm ơn Tổng cục Hải quan đã hỗ trợ ngành nông nghiệp xem xét, ban hành Thông tư này.
Đến ngày 15/11/2017, Bộ NNPTNT đã hoàn thành công việc này, ban hành Thông tư 24 ban hành mã HS với hàng hóa xuất nhập khẩu liên quan đến đến lĩnh vực nông nghiệp do Bộ NN&PTNT quản lý. Thông tư này là một trong những thông tư đồ sộ nhất, chứa 7.698 dòng hàng, liên quan tất cả các lĩnh vực quản lý vật tư nông nghiệp như thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật…
Trong quá trình thực hiện việc áp mã HS này, nếu có khó khăn gì, DN, người dân có thể liên hệ thông tin về Bộ NN&PTNT hoặc qua Bộ Tài chính để xem xét giải quyết.
Tôi có nghe thông tin đối với kiểm tra ATTP đối với những sản phẩm nhập khẩu có nguồn gốc thực vật, Cục BVTV đang xây dựng phương thức quản lí theo chuỗi. Tức là tiến hành đánh giá, giám sát ngay từ khâu sản xuất trên đồng ruộng hay tại nước xuất khẩu. Vậy việc này đã được triển khai như thế nào? Chúng tôi nhập khẩu sản phẩm nguồn gốc thực vật cần có những giấy tờ gì?
Ông Nguyễn Trọng Ái: Hiện tại, việc kiểm tra an toàn thực phẩm nhập khẩu có nguồn gốc thực vật đang được thực hiện theo Thông tư 12/2015/TT-BNNPTN. Cục Bảo vệ thực vật đang xây dựng Dự thảo sửa đổi Thông tư 12. Về tổng thể thông tư này sửa đổi theo hướng thống nhất theo chuỗi từ sản xuất ban đầu, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, buôn bán, nhập khẩu, xuất khẩu. Mỗi công đoạn trong chuỗi đều được quy định rõ ràng phù hợp với thông lệ quốc tế về quản lý an toàn thực phẩm.
Kiểm tra an toàn thực phẩm nhập khẩu, cơ sở hoạt động của hoạt động kiểm tra hàng NK căn cứ Thông tư 12 và Nghị định 38/2012/NĐ-CP. Tuy nhiên, Nghị định 38 sắp được thay thế bằng nghị định mới. Vì vậy, Thông tư 12 được sửa đổi cũng theo nghị định mới này.
NK sản phẩm thực vật cần bản chính giấy đăng ký kiểm tra an toàn thực phẩm. Hàng hóa kiểm tra an toàn thực phẩm gồm: Rau, củ, quả nguyên liệu chế biến như củ cải khô, hành thái lát…
Về đăng ký danh mục thức ăn chăn nuôi, các DN sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước cho rằng có sự bất công vì với các doanh nghiệp FDI, họ có thể chỉ cần một danh mục thức ăn chăn nuôi cho tất cả các nhà máy khắp cả nước. Nhưng các DN Việt Nam phải cần mỗi danh mục thức ăn chăn nuôi cho từng địa điểm nhà máy, đặc biệt cho các nhà máy thuê gia công. Ông lý giải việc này như thế nào?
Ông Nguyễn Xuân Dương: Như vậy là sai, bởi vì chứng nhận hợp quy sản phẩm thức ăn chăn nuôi được lưu hành phải chứng nhận từng nhà máy, không phân biệt DN FDI hay nội địa. Đăng ký sản phẩm thức ăn chăn nuôi lưu hành, một căn cứ theo Luật tiêu chuẩn, quy chuẩn. DN hay người sản xuất được tự công bố tiêu chuẩn áp dụng, phù hợp. Công bố thế nào là quyền của DN nhưng phải xác nhận được với Nhà nước.
Thứ hai là, việc đăng ký sản phẩm này phải đáp ứng được quy chuẩn kỹ thuật do Nhà nước ban hành. Đây là quy định chung cho mọi DN.
Việc “tin học hóa” các thủ tục là bước đầu để xử lý các hồ sơ hành chính trên môi trường mạng, vậy triển khai việc này các ông có thấy có vướng mắc gì từ trong đơn vị và phản hồi của người dân và doanh nghiệp về công tác này như thế nào?
Ông Nguyễn Trọng Ái: Tin học hóa về cải cách TTHC hiện nay của Cục Bảo vệ thực vật thực hiện hai phương thức là cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 và Cơ chế một cửa Quốc gia.
Với Cơ chế một cửa Quốc gia: Thủ tục cấp Giấy chứng nhận Kiểm dịch thực vật nhập khẩu, quá cảnh và vận chuyển nội địa được thực hiện trên hệ thống Cơ chế một cửa Quốc gia thí điểm từ 2015, 2016 và mở rộng từ đầu năm 2017 cho tất cả các chi cục Kiểm dịch thực vật vùng thuộc Cục. Hiện nay, mỗi tháng giải quyết cấp 15.000-16.000 hồ sơ.
Với thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu phân bón, tiếp nhận nhiệm vụ mới là quản lý phân bón từ Cục Trồng trọt từ tháng 3/2017. Sau khi Nghị định 108/2017/NĐ-CP về quản lý phân bón được ban hành, phần mềm này đã được nâng cấp.
Thủ tục cấp giấy chứng nhận Kiểm dịch thực vật xuất khẩu/tái xuất khẩu bắt đầu thực hiện trên hệ thống Cơ chế một cửa Quốc gia thí điểm tại Chi cục Bảo vệ thực vật vùng I, II, III.
Trong năm 2018, Cục sẽ triển khai mở rộng thủ tục cấp giấy chứng nhận KDTV XK/tái XK cho 6 chi cục Kiểm dịch thực vật vùng, dự kiến xong trong nửa đầu năm 2018.
Về triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến: Cục đã cung cấp mức độ 3, 4 cho 5 nhóm TTHC cấp giấy chứng nhận đăng ký thuốc Bảo vệ thực vật trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ từ năm 2017. Từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận và giải quyết hơn 2.000 hồ sơ.
|
Ông Nguyễn Trọng Ái, Phó Chánh văn phòng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Trong năm vừa qua, đã có 3 bộ Luật được thông qua liên quan đến ngành NN&PTNT đó là Luật Lâm nghiệp, Luật Thủy sản và Luật Thủy Lợi. Công tác xây dựng các văn vản dưới luật sẽ được thực hiện như thế nào? Làm thế nào để hạn chế nảy sinh các “giấy phép con” từ các văn bản dưới luật?
Bà Nguyễn Thị Kim Anh: Trong năm 2017 , Bộ NN&PTNT trình Chính phủ tới 3 luật. Khi trình các dự thảo luật phải kèm theo văn bản hướng dẫn thi hành. Khi Luật vừa được Quốc hội thông qua xong, chúng tôi đã xác định nội dung để hướng dẫn thi hành phải chuẩn bị. Thực hiện theo hướng từng nội dung. Ví dụ, Luật Lâm nghiệp có 3 Nghị định , 7 Thông tư. Luật Thủy sản 1 Nghị định, 1 Quyết định của Thủ tướng và 8 Thông tư.
Chúng tôi tham mưu cho lãnh đạo bộ để trình Thủ tướng ban hành danh mục văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn, đảm bảo ban hành đồng thời với thời điểm có hiệu lực của luật. Chúng tôi cũng đảm bảo các văn bản này đồng bộ với văn bản cấp trên và các văn bản có liên quan khác, đồng thời phù hợp với thực tiễn.
Trình tự ban hành rất chặt chẽ, có sự tham gia góp ý của cộng đồng DN, người dân, sự giám sát thẩm định của cơ quan tư pháp, sự thẩm tra của Văn phòng Chính phủ. Với cách làm như vậy, chúng tôi tin rằng sẽ đảm bảo việc không có phát sinh giấy phép con.
Xác định triển khai các TTHC là công việc thường xuyên của đơn vị nên hiện nay, mỗi đơn vị đều có một bộ phận tiếp nhận TTHC. Chính phủ cũng đang xây dựng Nghị định về cơ chế một cửa, một cửa liên thông để giải quyết TTHC. Ví dụ, tại Bộ NN&PTNT chỉ có một bộ phận một cửa để giải quyết toàn bộ TTHC của Bộ. Cụ thể, bộ phận này sẽ tiếp nhận TTHC nhưng không thể giải quyết mà các đơn vị chức năng liên quan sẽ giải quyết. Điều này không ảnh hưởng gì đến tiến độ, mà chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho DN. Sắp tới Nghị định của Chính phủ ban hành sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho DN, người dân thực hiện các TTHC.
Cổng TTĐT Chính phủ