Cách mạng tháng tám 1945- Luồng gió mới cho nền văn học, nghệ thuật Việt Nam 

Cách mạng tháng Tám 1945 thành công đã mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc - kỷ nguyên độc lập, tự do; mang đến sự hồi sinh kỳ diệu cho dân tộc và khởi động một nền văn hóa mới. Không khí và sự thành công của cuộc cách mạng như một luồng gió mới tác động trực tiếp đến Nhân dân, trong đó có văn nghệ sĩ, truyền cho họ những cảm xúc mới mẻ được hiện thực hóa bằng các sáng tác nghệ thuật, tạo nên một diện mạo mới cho nền văn học, nghệ thuật (VHNT) nước nhà.
Cách mạng tháng tám 1945- Luồng gió mới cho nền văn học, nghệ thuật Việt Nam

Nổi bật nhất và có lẽ có sức lan truyền mạnh mẽ nhất lúc bấy giờ chính là nền âm nhạc cách mạng Việt Nam. Ngay từ khi Đảng ta vừa mới ra đời, trong khí thế sục sôi của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, những giai điệu sôi động và hừng hực lửa của ca khúc “Cùng nhau đi hồng binh” của nhạc sĩ Đinh Nhu đã như tiếp thêm lửa nhiệt huyết cho đoàn người ngược xuôi trùng trùng điệp điệp. Nhiều ca khúc tiếp lửa cho khí thế cách mạng đang ngày một dâng cao ra đời. Tiêu biểu trong số đó phải kể đến những tác phẩm có sức sống cùng với thời gian như: “Chiến sĩ Việt Minh”, “Tiến quân ca” của người nhạc sĩ tài danh Văn Cao; “Du kích ca” của Đỗ Nhuận; “Diệt phát xít” của Nguyễn Đình Thi; “Lên đàng” của Lưu Hữu Phước… Đặc biệt, vào sáng ngày 19-8-1945, một sáng tác âm nhạc theo lối ngẫu hứng nhưng có sức sống đi cùng năm tháng ra đời, đó là ca khúc “Mười chín tháng Tám” của nhạc sĩ Xuân Oanh… Những ca khúc ấy bật lên từ trái tim nghệ sĩ ngay trong thời điểm huy hoàng của mùa Thu tháng Tám làm nên những giai điệu hào sảng, rộn rã, mê say, tự hào về nền độc lập, tự do đã phải đổi bằng bao xương máu.

Cách mạng Tháng Tám cũng đã tiếp thêm lửa động viên, thôi thúc đội ngũ nhà văn, nhà thơ tham gia sáng tạo. Vào thời điểm VHNT Việt Nam đang có một số chuyển biến phức tạp thì cả dân tộc đã đồng lòng đứng dưới lá cờ cách mạng do Đảng lãnh đạo, nhất tề đứng dậy làm nên thắng lợi vĩ đại năm 1945. Lớp nhà văn trước cách mạng cùng với lớp nhà văn trẻ mới xuất hiện trong cách mạng đã kề vai sát cánh tạo nên một không khí mới cho văn học nước nhà. Lúc này, sáng tác của các nhà văn đã đề cập đến nhiều mặt của cuộc sống nhưng nét chủ đạo vẫn là những trang viết phản ánh hình ảnh của Nhân dân hướng về cách mạng, những đổi thay của làng quê Việt Nam, vạch rõ bộ mặt thật của bọn đế quốc thực dân và số phận của bọn Việt gian đầu sỏ. Những tác phẩm ghi dấu ấn trong thời kỳ này là: “Lò lửa” của Nguyên Hồng, “Cách mạng” của Nam Cao, “Nhớ quê” của Tô Hoài, “Một lần tới Thủ đô” của Trần Đăng, “Dân khí miền Trung” của Hoài Thanh. Ðề cập tới ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Tám đối với sự nghiệp sáng tác của mình, Nguyễn Tuân coi đó là sự “lột xác”, Hoài Thanh tâm sự rằng, từ khi gặp cách mạng, ông “đã có đủ trí tuệ và dũng khí để băng mình vào giữa cuộc sống bao la, kỳ diệu, giữa rừng cây đời mãi mãi xanh tươi” còn Nguyễn Công Hoan đã viết: "Cách mạng Tháng Tám đến đã cứu sống tôi. Cách mạng Tháng Tám giải phóng cho gia đình tôi, đồng thời, giải phóng cho ngòi bút viết tiểu thuyết của tôi"...

Cách mạng Tháng Tám còn tạo nên cảm hứng mới cho thơ ca - ngợi ca đất nước tự do, ngợi ca Đảng và lãnh tụ, ngợi ca con người mới, cuộc sống mới… Những bài thơ giàu chất tráng ca: “Tình sông núi” (Trần Mai Ninh); “Ngày độc lập” (Xuân Thuỷ); “Vui bất tuyệt”, “Huế tháng Tám”, “Hồ Chí Minh” (Tố Hữu); “Ngọn quốc kỳ”, “Hội nghị non sông” (Xuân Diệu); “Đứng trên Ngọ Môn”, “Mùa thu ở Huế” (Thanh Hải)… cũng được ra đời từ nguồn cảm hứng tự hào đó.

Một luồng gió mới đã đến. Cả dân tộc “Vui bất tuyệt” trong tâm thế người làm chủ, phơi phới niềm tự hào. Đại từ “Ta” được sử dụng với tần suất lớn: “Ta đi dưới bốn ngàn năm lịch sử…Ta đi đây, với thế kỷ hai mươi”; “Hãy bay lên sông núi của ta ơi/ Nước mắt ta trào húp mí tràn môi…Ai dám cấm ta say, say thần thánh/ Ngực lép bốn nghìn năm, trưa nay cơn gió mạnh/ Thổi phồng lên. Tim bỗng hóa mặt trời” (Tố Hữu). Có những nhà thơ đã từng lặng im, suy tư trước trang giấy, thì nay Cách mạng tháng Tám đã mang tới niềm vui náo nức: “Đờn thi sĩ vốn từ lâu treo vách/ Ca sao đang trong buổi đất trời xiêu/ Bỗng thèm ca những công lao hiển hách/ Của Kim tinh chói lọi trên cờ điều” (Phạm Huy Thông)…

Đặc biệt, trong sáng tác của nhiều nhà thơ tiêu biểu lúc bấy giờ như Tố Hữu,  Xuân Diệu, Thâm Tâm, Chế Lan Viên, Trần Huyền Trân, Xuân Thủy, Yến Lan… đã xây dựng được những biểu tượng ấn tượng.

Lá quốc kỳ là biểu tượng của đất nước, dân tộc, Nhân dân, khẳng định chủ quyền của đất nước độc lập, tự do trong cảm xúc tự hào. Màu cờ đỏ tươi xuất hiện trong ngày Quốc khánh đầu tiên: “Ta đi dưới bốn ngàn năm lịch sử/ Đêm nay tràn hoa đỏ nhụy vàng tươi”, “Ngọn cờ đỏ sao vàng phấp phới/ Nước non Hồng vang dội Tiến quân ca” (Tố Hữu)…; một màu cờ tràn đầy sức sống, xua tan tuyệt vọng: “Một sáng tung cờ đỏ/ Bố về với súng gươm / Mừng lau hàng lệ rỏ / Mắt mẹ tan mù sương” (Trần Huyền Trân). “Cái màu đỏ” ấy là cả quá trình cả dân tộc đã đổ bao xương máu hy sinh: “Có xông pha, tranh đấu mới nên cờ/ Có máu chảy, nên sắc này mới đỏ/ Đỏ vì huyết đám đem tung trước gió/ Đỏ vì căm, vì tức, đỏ vì sao/ Đỏ vì dận như thác lũ ào ào/ Dân nổi dậy dựng cao trào cách mạng/ Đỏ vì thế. Đỏ vì là ánh sáng/ Phải đâu là vì gấc, đỏ vì son” (Xuân Diệu).

Biểu tượng Cách mạng tháng Tám cũng luôn gắn với lãnh tụ Hồ Chí Minh. Nhà thơ Chế Lan Viên đã khắc họa chân dung Bác Hồ trong mối quan hệ gần gũi, thiết thân ấy: “Hình của Đảng lồng trong hình của Nước /Phút khóc đầu tiên là phút Bác Hồ cười”, đồng thời nói hộ tiếng lòng của nhiều nhà thơ: “Người thay đổi đời tôi, Người thay đổi thơ tôi”… Tố Hữu ngợi ca lãnh tụ bằng tấm lòng, nhiệt huyết cách mạng; ví Chủ tịch Hồ Chí Minh với “ngọn đuốc thiêng liêng”, “ngọn cờ dân tộc”, “trăm thế kỉ trong tên người: Nguyễn Ái Quốc” (Hồ Chí Minh). Còn tế Hanh thì viết: “Hồ Chí Minh, chỉ là Người có thể/ Đưa con thuyền Tổ quốc đến vinh quang”

Mùa Thu cách mạng 1945 cũng đã trở thành biểu tượng và là nguồn cảm hứng bất tận cho thi ca: “Mùa thu từ năm đó/ Mùa thu từ bắt đầu” (Thanh Hải). Nhà thơ Nguyễn Đình Thi trong bài thơ “Đất nước”, nhà thơ khẳng định: “Mùa thu nay khác rồi/ Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi/ Gió thổi rừng tre phấp phới/ Trời thu thay áo mới/ Trong biếc nói cười thiết tha”. Mùa Thu riêng đã hòa trong cảm xúc mùa Thu đất nước và nhà thơ khắc họa tầm vóc dân tộc bằng hình ảnh thơ khái quát “Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”…

Bên cạnh đó, phong trào sân khấu nói chung và đặc biệt là bộ môn kịch nói nói riêng đã bắt ngay vào đời sống sôi nổi của những ngày đầu cách mạng. Với những chuyển biến hết sức quan trọng, kịch nói đã đặt ra nhiều vấn đề trực diện, bức thiết, kịp thời. Đội ngũ tác giả, đạo diễn, diễn viên sân khấu cũng hình thành khá hùng hậu với các tài danh như Học Phi, Nguyễn Văn Niêm, Lưu Quang Thuận, Hoàng Như Mai, Trần Huyền Trân, Hàn Thế Du, Nguyễn Khắc Dực… Đặc biệt, với tác phẩm kịch “Bắc Sơn”, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã đặt nền móng cho kịch nói cách mạng. Đội ngũ nghệ sĩ ra đời trong bão táp cách mạng sau này hầu hết đều đi theo kháng chiến, xây dựng phong trào sân khấu mới phụng sự cho sự nghiệp kháng chiến kiến quốc thời chống Pháp, ngày càng lớn mạnh trong kháng chiến chống Mỹ và sau này, trong công cuộc xây dựng đất nước.

Tuy nhiên, bước ngoặt của VHNT Việt Nam từ Cách mạng Tháng Tám không chỉ được tạo nên bởi các thế hệ văn nghệ sĩ, mà trước hết và sâu xa hơn, là vai trò của lý tưởng cách mạng, là sự quan tâm, chăm lo phát triển VHNT của Nhà nước dân chủ nhân dân còn non trẻ. Trước khi tổ chức và lãnh đạo toàn dân làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, Ðảng ta đã xây dựng một cương lĩnh văn hóa qua Ðề cương văn hóa (1943) với các nguyên tắc “dân tộc - khoa học - đại chúng”. Sau ngày cách mạng thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định một vấn đề có tính nguyên lý là “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”... Nhận thức sâu sắc về vai trò của văn hóa nói chung, của VHNT nói riêng, đối với sự phát triển của xã hội để xây dựng một chiến lược đúng đắn cho sự phát triển VHNT, đó là biện chứng của quá trình từ nhận thức lý luận đến hoạt động thực tiễn. Ðiều đó đã trực tiếp làm hình thành nên các thế hệ văn nghệ sĩ lấy phụng sự Tổ quốc, phụng sự cách mạng, phụng sự Nhân dân làm mục đích phấn đấu và cống hiến. Ðó là căn nguyên lý giải tại sao sau những ngày hồ hởi, hân hoan cùng thắng lợi của cách mạng Tháng Tám, văn nghệ sĩ Việt Nam đã sẵn sàng cùng toàn dân bước vào hai cuộc trường kỳ kháng chiến gian khổ chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ và tích cực tham gia vào công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Ðó cũng là căn nguyên lý giải tại sao trong các điều kiện khó khăn của tiến trình cách mạng, VHNT Việt Nam vẫn không ngừng phát triển phong phú, đa dạng về các loại hình, loại thể, thu được rất nhiều thành tựu trong cả những thể loại vốn chưa có trong truyền thống như: điện ảnh, âm nhạc hiện đại, kịch nói...

Tới hôm nay, nền VHNT Việt Nam được khai sinh từ những ngày mùa thu năm 1945 đã phát triển hơn nửa thế kỷ. Nhìn lại chặng đường đã qua, chúng ta không thể không nhớ tới thế hệ các văn nghệ sĩ - chiến sĩ đã hy sinh vì vận mệnh của Tổ quốc, vì sự nghiệp cách mạng, như Trần Ðăng, Tô Ngọc Vân, Nam Cao, Hoàng Việt, Nguyễn Thi, Lê Anh Xuân... Tác phẩm của họ đã trở thành tài sản quý giá, con người họ đã trở thành niềm tự hào của VHNT Việt Nam. Bối cảnh mới với nhiều thời cơ, thách thức đang đặt ra các yêu cầu mới đối với VHNT và bài học về xây dựng ý thức trách nhiệm, tự giác, lành mạnh về vị trí, vai trò của văn nghệ sĩ với Tổ quốc, Nhân dân vẫn còn nguyên ý nghĩa với văn nghệ sĩ Việt Nam hôm nay. Minh Huyền

1054 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 887
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 887
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 85258156