CÁCH MẠNG THÁNG MƯỜI NGA VÀ SỰ VẬN DỤNG VÀO CÔNG CUỘC XÂY DỰNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI Ở VIỆT NAM 

Cách đây 106 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng Bôn-sê-vic, đứng đầu là lãnh tụ V.I. Lênin, một cuộc cách mạng xã hội đã nổ ra ở Nga, lật đỗ chế độ Nga hoàng, xây dựng Nhà nước Xô viết đầu tiên trên thế giới, mở ra con đường giải phóng, giành độc lập, tự do đối với các quốc gia, dân tộc bị áp bức, bóc lột. Đối với nước ta, những thành công và kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười Nga không chỉ đóng vai trò quan trọng trong hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam để lãnh đạo giành thắng lợi cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, mà còn là những chỉ dẫn vô cùng quý giá với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH).

Nhắc tới thế kỷ XX, nhân loại hôm nay và mai sau chắc chắn sẽ không bao giờ quên một trong những đặc điểm nổi bật của thế kỷ này là CNXH từ lý tưởng đã trở thành hiện thực với cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga (1917) vĩ đại. Cách mạng Tháng Mười Nga đã khai phá con đường đi lên CNXH, chỉ ra sức sáng tạo của đông đảo quần chúng nhân dân trong sự nghiệp kiến tạo một xã hội mới chưa từng có trong lịch sử nhân loại.

Từ một nước Nga phát triển trung bình dưới thời Sa hoàng, đất nước Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô viết (Liên Xô) dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đã có sự phát triển vượt bậc về kinh tế, quốc phòng, an ninh, văn hóa, y tế, giáo dục… và trở thành lực lượng chủ yếu đánh tan phát xít Đức trong Chiến tranh thế giới thứ hai, cứu nhân loại thoát khỏi thảm họa của chủ nghĩa phát xít. Trong một thời kỳ dài, Liên Xô đã trở thành một cường quốc trên thế giới, là trụ cột của hệ thống XHCN.

Từ sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười, chủ nghĩa Mác - Lênin đã thâm nhập vào tất cả các quốc gia, dân tộc trên thế giới. Có rất nhiều nước ở châu Á, châu Phi và khu vực Mỹ La tinh vùng lên đấu tranh đánh đổ ách thống trị của chủ nghĩa thực dân, đế quốc, phá vỡ từng mảng lớn hệ thống thuộc địa của chúng và giành được tự do, độc lập, đưa nhân dân lên địa vị làm chủ xã hội.

Xã hội loài người đã diễn ra hàng trăm cuộc cách mạng, nhưng chưa có cuộc cách mạng nào triệt để và sâu sắc như Cách mạng Tháng Mười Nga. Cuộc cách mạng XHCN đã để lại nhiều giá trị lịch sử và thời đại quý báu cho mỗi dân tộc trên con đường đấu tranh, bảo vệ thành quả cách mạng của mình.

Trước hết, cần khẳng định rằng, thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga là minh chứng hùng hồn nhất về việc vận dụng và đưa lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin thành hiện thực cuộc sống sinh động, CNXH từ chỗ là “bóng ma ám ảnh châu Âu” thì nay được biết đến không chỉ là một học thuyết, mà còn là một chế độ xã hội mới tốt đẹp. Lý tưởng, mục tiêu, khát vọng của quần chúng lao động đứng lên đấu tranh giải phóng khỏi sự áp bức đã khẳng định tính khoa học, cách mạng của lý luận Mác - Lênin về vai trò của quần chúng nhân dân trong lịch sử và trở thành sức mạnh hiện thực của chế độ xã hội mới - XHCN. Sự ra đời của nước Nga - Xô viết tạo nên sự đối trọng, buộc giai cấp tư sản và chủ nghĩa tư bản trên toàn thế giới phải tìm cách tự điều chỉnh, thích nghi cả về lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất để kéo dài sự tồn tại.

Mặt khác, nếu như tất cả các cuộc cách mạng đã từng diễn ra trong lịch sử, về bản chất chỉ là sự thay đổi chế độ bóc lột này bằng chế độ bóc lột khác, thì Cách mạng Tháng Mười Nga là sự đoạn tuyệt với các chế độ xã hội trước đó, xác lập chế độ xã hội mới do nhân dân làm chủ và hướng tới mục tiêu đấu tranh xóa bỏ tận gốc mọi áp bức, bóc lột, bất công trong xã hội, gắn giải phóng giai cấp với giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người. Điều đó chứng tỏ, Cách mạng Tháng Mười Nga là cuộc cách mạng sâu sắc, triệt để nhất trong lịch sử. Sức sáng tạo của Cách mạng Tháng Mười trong công cuộc cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới là cội nguồn sức sống của CNXH và những biến đổi căn bản lịch sử phát triển của nhân loại trong thế kỷ XX. Cuộc Cách mạng này đã khẳng định bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin; làm xuất hiện khả năng gắn độc lập dân tộc với CNXH, mở ra cho các dân tộc bị áp bức, phụ thuộc, cơ hội tự quyết định vận mệnh của mình cũng như con đường phát triển theo định hướng XHCN.

Hơn thế nữa, Cách mạng Tháng Mười Nga còn đóng vai trò to lớn trong cổ vũ, thúc đẩy mạnh mẽ phong trào cách mạng thế giới. Từ thắng lợi ở một nước, CNXH hiện thực đã phát triển mạnh mẽ ở châu Âu, châu Á, châu Phi, Mỹ La-tinh. Với sức mạnh của chế độ mới ưu việt, từ nước Nga, đến Liên Xô và cả hệ thống XHCN thế giới đã góp phần to lớn vào sự phát triển mọi lĩnh vực; là lực lượng trụ cột giữ thế cân bằng cho một trật tự thế giới ổn định, hòa bình; là nhân tố quan trọng cứu nhân loại khỏi thảm họa phát xít. Có thể nói, thế kỷ XX là thế kỷ thắng lợi của chủ nghĩa Mác - Lênin, của những lý tưởng cách mạng cao cả được hiện thực hóa; giai cấp công nhân và nhân dân lao động đứng lên đấu tranh để tự giải phóng mình và giải phóng xã hội.

Sự sụp đổ của mô hình XHCN ở Liên Xô và Đông Âu sau hơn 70 năm ra đời và phát triển không hề chứng tỏ tính chất lỗi thời của lý tưởng cách mạng XHCN, không làm mất đi giá trị, ý nghĩa lịch sử và ảnh hưởng vạch thời đại mà Cách mạng Tháng Mười đã mở ra. Trong sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, sự sụp đổ ấy chỉ nói lên những khó khăn tất yếu trong sự tìm kiếm mô hình thích hợp để hiện thực hóa những tư tưởng vĩ đại mà Cách mạng Tháng Mười đã đặt nền móng. Điều mà những kẻ mưu toan phủ định tầm vóc, giá trị và ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười “cố tình” không hiểu, đó là: cuộc Cách mạng Tháng Mười nổ ra và thành công ở nước Nga, nhưng ảnh hưởng lại mang tầm nhân loại, được các quốc gia, dân tộc phát triển sáng tạo, khẳng định sức sống trường tồn. Vì vậy, sự sụp đổ mô hình của CNXH ở Liên Xô và Đông Âu đã không gây ra hiệu ứng dây chuyền về sự sụp đổ của tất cả các nước XHCN, càng không phải là sự sụp đổ của chủ nghĩa Mác - Lênin với bản chất khoa học và cách mạng. Điều này được chứng minh bởi những thành tựu to lớn mà các nước XHCN, như: Trung Quốc, Việt Nam, Cu Ba,… đã đạt được. Đó là thành công của quá trình kiên định lập trường, sự vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của đất nước, tạo ra những mô hình CNXH hiện thực phù hợp; khẳng định con đường đi lên XHCN vẫn là tất yếu, phù hợp với quy luật lịch sử và xu thế thời đại. Đúng như Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận định: “CNXH hiện đứng trước nhiều khó khăn, thử thách. Lịch sử thế giới đang trải qua những bước quanh co; song, loài người cuối cùng nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội vì đó là quy luật tiến hóa của lịch sử”.

Hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, bước vào thời kỳ quá độ lên CNXH. Cũng giống như tình cảnh của nước Nga sau Cách mạng Tháng Mười, trong khi Việt Nam đang rất cần một môi trường hòa bình để xây dựng và phát triển đất nước, hàn gắn những vết thương nghiêm trọng do hai cuộc chiến tranh tàn khốc và kéo dài gây ra thì các thế lực thù địch lại ra sức chống phá hòng thủ tiêu thành quả cách mạng mà Đảng và nhân dân đã phải tốn bao công sức và xương máu mới giành được.

Trong bối cảnh hết sức phức tạp ấy, lý tưởng về một xã hội do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về tư liệu sản xuất; con người được giải phóng khỏi ách áp bức bóc lột, bất công, làm theo năng lực, hưởng theo lao động, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân… từ lý luận Mác - Lênin, được hiện thực hóa trên đất nước Xô viết sau Cách mạng Tháng Mười Nga, lại tiếp thêm sức mạnh, trở thành nguồn cổ vũ lớn lao để Đảng ta tiếp tục tiến lên CNXH. Đây chính là điểm khác nhau cơ bản giữa đổi mới ở Việt Nam với nhiều nước XHCN cùng thời. Để tháo gỡ những khó khăn, đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, tiếp tục phát triển theo mục tiêu con đường đã chọn, Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng sáng tạo lý luận Mác - Lênin, nhất là Chính sách kinh tế mới (NEP) của V.I.Lênin; kế thừa và vận dụng có hiệu quả vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Đảng đã kiên quyết khắc phục những sai lầm, thiếu sót trong quá trình xây dựng CNXH ở Việt Nam.

Trước tiên, Đại hội Đảng lần thứ VI (1986) đã khởi xướng công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ đất nước. Nguyên tắc chỉ đạo sự nghiệp đổi mới được Đảng luôn quán triệt là: đổi mới trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vì độc lập dân tộc, vì CNXH. Trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào cũng không dao động, bi quan, đổi hướng, thay đổi mục tiêu, con đường đã chọn. Đó vừa là tư tưởng, tình cảm, vừa là sự lựa chọn cách thức, bước đi phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng để từng bước hiện thực hóa con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn con đường Cách mạng Tháng Mười Nga. Đảng cũng nhấn mạnh “Đảng phải luôn luôn xuất phát từ thực tế, tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan. Năng lực nhận thức và hành động theo quy luật là điều kiện bảo đảm sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng”.

Thực hiện đường lối đổi mới của Đại hội VI, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội do Đại hội VII đề ra (6/1991) nhận thức về CNXH và con đường XHCN. Đảng xác định nội dung cơ bản là: Xã hội XHCN mà nhân dân xây dựng là một xã hội: Do nhân dân lao động làm chủ. Có một nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu. Có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, bất công, làm theo năng lực, hưởng theo lao động, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân. Các dân tộc trong nước bình đẳng, đoàn kết và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân các nước trên thế giới.

Tiếp đó, trong Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội VIII (6/1996) khẳng định: Sau những biến cố ở Đông Âu và Liên Xô, CNXH tạm thời lâm vào thoái trào nhưng điều đó không làm thay đổi tính chất của thời đại: “loài người vẫn đang trong thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên CNXH”. Và rằng: “Con đường đi lên CNXH ở nước ta ngày càng được xác định rõ hơn”. Điều này đã một lần nữa cho rằng việc lựa chọn theo con đường CNXH ở Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn.

Đại hội IX của Đảng (4/2001) khi đánh giá về Cách mạng Tháng Mười, về CNXH hiện thực, đã nhận định: “CNXH trên thế giới, từ những bài học thành công và thất bại cũng như sự khát vọng và thức tỉnh của các dân tộc, có điều kiện và khả năng tạo ra bước phát triển mới. Theo quy luật tiến hoá của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến lên CNXH”. Trong đó, Đảng cho rằng chặng đường đầu tiên là chuẩn bị tiền đề cho chặng sau, tạo ra sự ổn định vững chắc của xã hội thông qua đổi mới, tạo thế phát triển nhanh ở chặng sau.

Đại hội X của Đảng đã bổ sung một số điểm mới trong mô hình CNXH ở Việt Nam: “Xã hội XHCN mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”. Đây chính là đặc trưng tổng quát nhất của mô hình xã hội XHCN mà Việt Nam đang xây dựng.

Đến Đại hội XI của Đảng năm 2011, Đảng nêu nội dung XHCN xã hội gọn và rõ hơn: Xã hội XHCN mà nhân dân xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân do Đảng lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới.

Công cuộc xây dựng CNXH đòi hỏi phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, vận dụng sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tăng cường tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, nâng cao năng lực dự báo, xử lý có hiệu quả những vấn đề mới nảy sinh trong thực tiễn, giải quyết tốt các mối quan hệ lớn phản ánh quy luật đổi mới và phát triển. Do đó, Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh: “Đó là quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị; giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng XHCN; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất; giữa nhà nước và thị trường; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; giữa xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc XHCN; giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”.

Trên cơ sở tiếp tục nghiên cứu bổ sung, phát triển lý luận cho phù hợp với bối cảnh mới, tại Đại hội XIII, Đảng tiếp tục khẳng định: “lý luận về đường lối đổi mới, về CNXH và con đường đi lên CNXH của Việt Nam ngày càng được hoàn thiện và từng bước được hiện thực hóa”. Như vậy, chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lý luận về đường lối đổi mới, về CNXH và con đường đi lên CNXH là những cơ sở lý luận nền tảng để Việt Nam tiếp tục kiên định mục tiêu, con đường đã lựa chọn. Việc kiên định mục tiêu, con đường đi lên CNXH đặt ra yêu cầu phải quán triệt phương pháp luận biện chứng, vì chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống mở, đòi hỏi phải thường xuyên được nghiên cứu tổng kết, bổ sung, phát triển sáng tạo cho phù hợp với bối cảnh lịch sử cụ thể của đất nước và thời đại. Nếu không quán triệt quan điểm này sẽ dễ dẫn đến phủ định sạch trơn hay rập khuôn máy móc mà Việt Nam đã từng mắc phải thời kỳ trước đổi mới. Đây chính là tinh thần biện chứng đã được chủ nghĩa Mác - Lênin khẳng định.

Đảng Cộng sản Việt Nam nhận thức sâu sắc rằng: xây dựng CNXH phải xuất phát từ hoàn cảnh cụ thể. Phải tích cực tìm kiếm mô hình CNXH và con đường đi lên CNXH phù hợp với xu thế của thời đại và đặc điểm của quốc gia dân tộc; phải phát huy sức mạnh của mọi tầng lớp nhân dân, mọi lực lượng kinh tế - chính trị - tinh thần có thể tập hợp được ở cả trong và ngoài nước; cách mạng phải biết bảo vệ mình một cách có hiệu quả trước các thế lực thù địch trong nước và quốc tế. Đồng thời, phải cảnh giác đấu tranh với nguy cơ của chủ nghĩa giáo điều tả khuynh và cơ hội xét lại; thường xuyên xây dựng Đảng ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ để bảo đảm tính tiên phong, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Những chỉ dẫn của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, Cách mạng Tháng Mười Nga nói riêng vẫn còn nguyên giá trị đối với quá trình phát triển đất nước và xây dựng, chỉnh đốn Đảng đối với cách mạng nước ta, nhất là trước bối cảnh quốc tế đang biến chuyển mau lẹ, phức tạp, khó lường./. Phan Văn Lãn

231 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 902
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 902
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77394641