Hội thảo “Cách mạng công nghiệp 4.0 - Bước đi mới cho thị trường phân phối hàng hóa” (Ảnh: K.D)
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, hiện nay ở Việt Nam, hệ thống phân phối và ngành bán lẻ nội địa đã đóng góp khoảng 15% GDP, giải quyết việc làm cho khoảng 6 triệu người, với một thị trường rộng lớn, gần 100 triệu dân, tổng mức tiêu dùng đạt khoảng 70%/năm. Đặc biệt, trên thị trường hiện nay có rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia, các thành phần kinh tế đều có mặt trong hệ thống phân phối nội địa. Vì vậy, sự cạnh tranh trong giai đoạn này ngày càng mạnh mẽ và còn tiếp tục diễn ra và dẫn đến 4 xu thế phát triển chính của hệ thống phân phối – bán lẻ Việt Nam.
Chẳng hạn, xu hướng tích tụ dưới hình thức mua bán sáp nhập, liên doanh, liên kết hình thành những tập đoàn bán lẻ mạnh; xu hướng tạo trải nghiệm đa dạng, phong phú cho khách hàng hình thành những trung tâm mua sắm, giải trí… sử dụng nền tảng công nghệ kỹ thuật số và thiết bị di động của người sử dụng để phục vụ; Xu hướng kênh bán hàng đa kênh do 70% dân số Việt Nam sử dụng các thiết bị di động, với sự phát triển như vũ bão của cộng nghệ số và trí tuệ nhân tạo Al, Big Data… cũng đang là xu hướng phổ biến với các đơn vị bán lẻ và người tiêu dùng. Ngoài ra, theo chuyên gia Vũ Vinh Phú, việc xây dựng các trung tâm thu mua hàng hóa nông sản thực phẩm ở các vùng miền cũng được các tập đoàn bán lẻ nhắm tới vừa quản lý được chất lượng đầu vào, vừa giảm chi phí vận chuyển tạo đầu ra với giá cả cạnh tranh…
Chia sẻ về vấn đề này, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh (BCSI) cũng cho rằng, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động lớn đến mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó ngành bán lẻ Việt Nam cũng chịu sự tác động không nhỏ. Nếu như trước đây người tiêu dùng Việt Nam chỉ có thể mua sắm ở các cửa hàng, sạp hàng hiện hữu tại kênh bán lẻ truyền thống cũng như bán lẻ hiện đại thì ngày nay, người tiêu dùng hoàn toàn có thể thỏa mãn nhu cầu mua sắm của mình qua các cửa hàng hiện hữu, đa kênh và trực tuyến. Chính vì vậy, xu hướng thương mại điện tử tiếp tục có vai trò ngày càng tăng trong ngành bán lẻ.
“Hội thảo là diễn đàn để các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp phân tích những thuận lợi, khó khăn, qua đó đưa ra các đề xuất, kiến nghị và giải pháp để tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng này”, TS. Võ Trí Thành đánh giá.
Theo các chuyên gia, muốn phát triển bền vững trong hệ thống phân phối trong xu thế phát triển của Cách mạng công nghiệp 4.0, ngành bán lẻ cần phải có quy hoạch phát triển mạng lưới, điều kiện hạ tầng; tổ chức những vùng sản xuất hàng hóa, nhất là sản xuất nông sản thực phẩm để cung ứng một cách đều đặn, có chất lượng và hiệu quả cho hệ thống phân phối cả nước.
Ngoài ra, đối với các doanh nghiệp sản xuất trong nước phải hết sức quan tâm tới hệ thống phân phối – bán lẻ, bởi đây là động thái tích cực, góp phần giải quyết đầu ra của sản xuất và của tiêu dùng xã hội./.
Kim Dung