Cách mạng công nghiệp 4.0: Làm gì để không ‘lỡ tàu’ 

(Chinhphu.vn) - “Con tàu 4.0” đã và đang “phả hơi nóng bên hiên nhà” của mỗi quốc gia trên hành trình của nó. Sẽ trở thành đồng hành hay là quốc gia lỡ tàu, điều này phụ thuộc vào chính quan điểm và các chiến lược mà chính phủ của mỗi quốc gia định hướng và ban hành.

 

Khái niệm công nghiệp 4.0 chỉ mới xuất hiện vào năm 2011 khi Chính phủ Đức xác định và ghi nhận rằng công nghiệp 4.0 là một phần không thể tách rời của Chiến lược Hi-Tech đến năm 2020. Nền tảng của cách mạng 4.0 chính là số hóa và Nicholas Negroponte - Giáo sư Tin học Trường Massachusetts Institute of Technology (MIT) danh giá chính là tác giả của khái niệm kinh tế số hóa được ông đề xuất năm 1995. Còn internet, phát kiến vĩ đại cuối thế kỷ XX thì đã làm thay đổi diện mạo thế giới và giúp nhân loại xích lại gần nhau.

Bài I : Internet- Ma lực của cách mạng 4.0

 

Năm 2005, trong cuốn sách “Singularity (tạm dịch là sự thần kỳ) đã cận kề: Một sự thật về tương lai”, Raymond Kurzweil- “nhà tiên tri” của Google đã dự báo đến năm 2020, máy tính cá nhân (PC) sẽ đạt được những khả năng tương đương với bộ não con người. Đến năm 2025, việc cấy ghép sẽ trở nên phổ cập trong y tế và đến năm 2031, có thể thực hiện sao chép 3D lục phủ ngũ tạng của con người và trên cơ sở đó đến năm 2042 sẽ mở ra triển vọng cho sự “trường sinh”. Đến nửa sau của thế kỷ XXI thì trí tuệ phi sinh học sẽ trở nên thông thái gấp tỷ lần so với trí tuệ sinh học và toàn bộ địa cầu - nơi mà chúng ta đang sinh sống - khi đó sẽ như một chiếc máy tính khổng lồ!

Thống kê về một số phát minh tiêu biểu trong lịch sử đã cho thấy các phát minh xuất hiện càng muộn thì khoảng thời gian để đạt được mức phổ cập đại chúng càng ngắn lại, cụ thể như: Với radio là 38 năm, với truyền hình là 18 năm, với truyền hình cáp rút xuống còn 10 năm và với internet chỉ vẻn vẹn có 5 năm! Với sự xuất hiện của internet, diện mạo của thế giới đã thay đổi chóng mặt và cũng chính vì thế mà nền kinh tế thế giới cũng có những bước tiến thần kỳ.

Nếu năm 1997, số lượng truy cập trực tuyến mới chỉ là 10 triệu thì đến năm 2013, con số này đã là 187 tỷ. Cuộc sống số hóa đã và đang “phủ sóng” đến mọi ngõ ngách của hành tinh. Trên toàn thế giới hiện có hơn 4 tỷ tín đồ của internet, 68% dân số thế giới sử dụng điện thoại thông minh và vì vậy, các mạng xã hội là kênh giao lưu ngày càng trở nên mật thiết của con người.

Cuộc sống số hóa đã và đang “phủ sóng” đến mọi ngõ ngách của hành tinh

Từ thời điểm ông D. Trump bước vào Nhà Trắng (tháng 1/2017), tổng tài sản của 5 công ty gồm Facebook, Amazon, Apple, Netflix và Google (nhóm FAANG) chỉ mới đạt 1,9 nghìn tỷ USD. Vậy mà chưa đầy 1 năm sau, đến cuối năm 2017, con số này đã là 2,9 nghìn tỷ USD (tăng trưởng 31%). Nếu quay ngược về quá khứ, hồi đầu năm 2013, tổng tài sản của cả FAANG cũng mới chỉ ngót nghét bằng của Apple hiện nay (xấp xỉ 1.000 tỷ USD). Số liệu thống kê cuối tháng 7/2018 cho thấy vốn hóa của FAANG đã đạt mức ngang ngửa với nền kinh tế lớn thứ tư toàn cầu là Đức (3,3 nghìn tỷ USD của FAANG so với 3,4 nghìn tỷ USD của Đức).

Theo Ủy ban Nghiên cứu các quan hệ quốc tế của Ấn Độ (ICRIER), trong khoảng thời gian từ năm 2012-2017, việc internet tại quốc gia này đã bị cắt với tổng thời gian là 16.315 giờ đã dẫn đến thiệt hại cho nền kinh tế Ấn Độ lượng tiền tương đương với 3,04 tỷ USD - tức là 186.330 USD/giờ.

Từ các thông tin trên, có thể rút ra kết luận rằng mặc dù mức độ phổ cập internet ở các quốc gia là khác nhau và có thể tại một số quốc gia chính sách “mạng internet hội nhập” cũng có những đặc thù nhưng dường như internet đã trở thành hấp lực không thể cưỡng được với mọi quốc gia trên toàn cầu trong thời đại số hoá, bởi vì truy cập cũng đồng nghĩa với hội nhập.

Những lợi thế và rủi ro trong thời đại số hoá

Sự phát triển của cơ sở hạ tầng công nghệ và việc sử dụng các big data đã tạo nên sự biến đổi kỹ thuật số quy mô lớn cho toàn xã hội. Và nếu như giai đoạn đầu của thời đại số hóa được đặc trưng bởi việc mở rộng truy cập internet cho hàng triệu người sử dụng, thì giai đoạn tới đây được phân biệt bằng việc tích hợp nhiều dịch vụ, sản phẩm và hệ thống kỹ thuật số vào một hệ thống mạng ảo.

Năm 2016, trong báo cáo của Ngân hàng Thế giới đã ghi nhận những lợi thế căn bản mà nền kinh tế số hóa đem lại so với kinh tế truyền thống trước đây, cụ thể như: 

Năng suất lao động được cải thiện và nâng cao hơn hẳn. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, kinh tế số hóa mới chỉ chiếm 5,5% GDP của toàn cầu nhưng đến năm 2035, thành quả mà nhân loại được hưởng từ số hóa sẽ vượt ngưỡng 16.000 tỷ USD/năm.

Nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo ra những giá trị khổng lồ và tạo ra các “cơn lốc cạnh tranh” cho sản phẩm của doanh nghiệp. Điện thoại cầm tay ra đời mà nhờ nó Nokia đã trở thành “người khổng lồ” một thời nhưng cũng chính bởi không theo kịp với nhịp độ số hóa mà ngôi vị này đã bị Apple - với chiếc điện thoại thông minh iPhone - soán mất mà thậm chí, với quy mô vốn hóa, có nằm mơ khi đó cũng khó có thể hình dung nổi. Chính Ansi Vanjoki - Giám đốc Chiến lược của Nokia khi đó đã nghi ngờ và nói: “Thậm chí với Mac, Apple thu hút sự chú ý lớn ở thời điểm ra mắt nhưng họ vẫn chỉ là một nhà sản xuất khá. Với điện thoại di động cũng thế thôi”.

Giảm thiểu các chi phí cho sản xuất và sản phẩm dễ dàng thâm nhập thị trường thế giới để đến được với người tiêu dùng; tiết kiệm được chi phí cho quảng bá và phân phối để hàng hóa và dịch vụ đến tay người tiêu dùng; tạo thêm nhiều chỗ làm việc mới. Về mặt lý thuyết sẽ giúp khắc phục được tình trạng bất bình đẳng và đói nghèo.

Cùng với những lợi thế đã nêu ở trên, khi chuyển sang mô hình kinh tế số hóa sẽ tiềm ẩn những rủi ro và bất lợi, ví dụ như: Sự khác biệt về trình độ giữa những bộ phận dân chúng trong một quốc gia cũng như giữa các quốc gia với nhau khi “bước lên con tàu 4.0” đã làm nảy sinh ngày càng lớn về sự chênh lệch giàu nghèo cũng như mức độ phát triển và sự tụt hậu.

Theo nghiên cứu và đánh giá của USB.com thì các nước phát triển là những chủ thể được hưởng lợi nhiều hơn cả trong cuộc “chạy đua lên con tàu 4.0” bởi tại các nước này hội đủ cả 2 nhân tố quan trọng nhất là có con người được đào tạo căn bản và hạ tầng số hóa phát triển. Còn các nước đang phát triển rất dễ bị rơi vào vòng xoáy luẩn quẩn vì một mặt phải bảo đảm an sinh xã hội cho một bộ phận nhân lực không “vào được guồng máy 4.0” và bị rơi vào tình trạng thất nghiệp, hơn nữa để có hạ tầng số hóa đáp ứng được mặt bằng chung của thời đại 4.0 cũng rất cần một nguồn lực tài chính khổng lồ.

Trong thời đại số hóa, an ninh mạng là vấn đề sống còn. Nếu an ninh mạng không được bảo đảm thì mọi rủi ro sẽ luôn rình rập, cận kề.

Từ trường hợp công dân robot Sophia được Saudi Arabia cấp quốc tịch đã đòi hỏi sự cấp bách trong hoạt động lập pháp để điều chỉnh các mối quan hệ số hóa trong xã hội trên nguyên tắc trí tuệ của con người điều chỉnh chính trí tuệ nhân tạo.

Phạm Hoàng

Bài II: Những nhiệm vụ trọng tâm mang định hướng 4.0

671 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 412
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 412
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 86338099