Cách ly xã hội - Cần hiểu đúng và thực hiện nghiêm 

(Chinhphu.vn) - Cách ly xã hội nghiêm ngặt và mở rộng hơn cách ly, nhưng chưa phải lệnh cấm và đóng băng hoạt động xã hội triệt để.

 

Liên tiếp trong tuần cuối tháng 3, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 2 Chỉ thị: Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày ngày 27/3 về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19; Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.

Cả 2 chỉ thị này đều nhấn mạnh tinh thần thực hiện nghiêm việc cách ly và cách ly xã hội như một giải pháp chủ yếu để kiềm chế, kiểm soát có hiệu quả sự lây lan, chủ động ngăn chặn, ứng phó với đại dịch bệnh COVID-19 trên toàn quốc, bảo vệ tốt nhất cho sức khỏe, tính mạng của nhân dân.

Xem xét nội dung hai Chỉ thị, ta thấy ngay cấp độ nghiêm ngặt của cách ly ở Chỉ thị 16 cao hơn Chỉ thị 15… như Chỉ thị 16 yêu cầu không tụ tập trên 2 người ngoài công sở, bệnh viện, trường học và tại các nơi công cộng, là thông điệp mạnh mẽ hơn so với Chỉ thị 15 chỉ yêu cầu không tụ tập trên 10 người. Chỉ thị 16 có hiệu lực trong vòng 15 ngày, từ ngày 1/4 đến 15/4, đây là khoảng “thời gian vàng” để hạn chế tối đa dịch bệnh lây nhiễm ra cộng đồng.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cách ly xã hội là một tình huống pháp lý không trái pháp luật; mang ý nghĩa là giữ khoảng cách trong xã hội, giữ khoảng cách giữa người với người, cộng đồng với cộng đồng, không phải là ngăn cấm giao thông, không phải “ngăn sông cấm chợ”, chưa phải phong toả xã hội. Mục đích của cách ly xã hội là để bảo vệ sức khoẻ, tính mạng của nhân dân, người lao động; Chúng ta vẫn phải duy trì sản xuất, lưu thông hàng hoá an toàn, nhất là hàng thiết yếu, vật tư y tế, hàng hoá xuất khẩu, duy trì xuất khẩu bình thường bằng đường biển, đường bộ. Ứng dụng tối đa công nghệ thông tin để làm việc tại nhà, nhưng vẫn bảo đảm tốt tiến độ, chất lượng công việc.

Như vậy, cách ly xã hội ở Việt Nam không phải là phong tỏa xã hội như một số quốc gia trên thế giới đã và đang làm. Thực chất, cách ly xã hội cần được hiểu đúng chỉ là tăng cường giãn cách và hạn chế thấp nhất có thể các giao tiếp và giao lưu trực tiếp ngoài xã hội không thật thiết yếu, hoặc có thể thay thế bằng hình thức tiếp xúc gián tiếp trên mạng internet giữa cá nhân với cá nhân và cá nhân với cộng đồng trong cả phạm vi quốc gia và mỗi địa phương.

Cách ly xã hội nghiêm ngặt và mở rộng hơn cách ly, nhưng chưa phải lệnh cấm và đóng băng hoạt động xã hội triệt để, mà các nhà máy, phân xưởng và cơ quan vẫn hoạt động, nhưng cán bộ văn phòng, cơ quan hành chính Nhà nước, doanh nghiệp có thể ứng dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà và các nhà máy sản xuất, cơ quan phải có phương án bảo vệ công nhân, người lao động và nếu để xảy ra 1 trường hợp lây nhiễm cũng phải đóng cửa nhà máy và cơ quan ngay lập tức, tránh lây nhiễm chéo và lây lan ra cộng đồng. Người dân chỉ ra đường khi thực sự cần thiết, như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác…

Với những yêu cầu cách ly xã hội nêu trên, người dân, doanh nghiệp có thể sẽ khó khăn hoặc cảm thấy không thoải mái, nhưng cần nghiêm túc chấp hành.

Đại dịch COVID-19 là một thách thức chưa có tiền lệ ở cả Việt Nam và thế giới, với phương thức truyền bệnh chủ yếu qua tiếp xúc trực tiếp giữa người với người. Hơn nữa, hiện chưa có vaccine đặc trị và phác đồ điều trị chuẩn… Vì vậy, những biện pháp đặc thù, mới, quyết liệt là cần thiết và cần được hiểu đúng và triển khai nghiêm túc, với  sự đồng thuận của tất cả các cấp từ Trung ương đến địa phương và đặc biệt có sự đồng thuận, chung sức của người dân…

Thực tế cho thấy, liên quan đến Chỉ thị 16 của Thủ tướng đã có một số địa phương hiểu và thực hiện sai, như có một số địa phương tiến hành việc rào đường, hạn chế người đi lại từ địa phương này sang địa phương khác, hay tạm dừng các công trình xây dựng. Một số người dân thì quan ngại cách ly xã hội là việc bị cấm đi lại mua sắm hàng hóa thiết yếu, nên đã thực hiện mua trữ quá lớn hàng hóa thực phẩm, gây thiệt hại cho cá nhân mình và làm tăng cầu ảo và hiện tượng đầu cơ, tăng giá không đúng trên thị trường.

 Tuy nhiên, cần ủng hộ và nhân rộng việc Hà Nội hay một số địa phương khác lập các chốt kiểm soát trên các trục đường ra vào cửa ngõ Thành phố để đo thân nhiệt, kiểm tra sức khỏe, điều tra dịch tễ để giúp sớm sàng lọc được những người nghi ngờ nhiễm bệnh và có giải pháp phù hợp. Đặc biệt, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội rất đúng khi khẳng định: Từ ngày 4/4, các địa phương cần xử phạt nghiêm những trường hợp ra đường không có việc cần thiết. Tất cả các công viên, khu vui chơi giải trí phải đóng cửa; không đơn vị nào được cắt điện, nước, dịch vụ viễn thông trong thời gian này; tất cả cơ sở lưu trú có khách nước ngoài yêu cầu phải ở nhà, không được ra ngoài...

Theo Ngân hàng Thế giới (trong Báo cáo Đông Á và Thái Bình Dương thời COVID-19 vừa được công bố chiều 31/3), nền kinh tế Việt Nam vẫn đứng vững trước các cú sốc bên ngoài; Quý I/2020, tăng trưởng kinh tế đạt 3,82% GDP, mức thấp nhất trong 11 năm qua của Việt Nam, nhưng lại là con số cao nhất trong số các nước có được số liệu đến thời điểm này. Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục cố gắng giữ vững nhịp độ tăng trưởng cần thiết; nỗ lực bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt lo cho người dân, nhất là những người thất nghiệp… Những thành quả trên là hội tụ nỗ lực chung nhằm mục tiêu kép là phòng chống dịch bệnh và duy trì việc làm, động lực tăng trưởng kinh tế, trong đó "từng người, từng nhà, từng doanh nghiệp, từng khu phố, thôn xóm, bản làng, từng xã, từng huyện, từng tỉnh, từng thành phố đều là những pháo đài phòng chống dịch. Từng người dân Việt Nam đều là những chiến sĩ phòng, chống dịch" như lời kêu gọi của Thủ tướng…/.

 

TS. Nguyễn Minh Phong
325 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 988
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 988
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87083689