|
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: VGP ) |
Vào cuộc tích cực hơn đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo
Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, về công tác thanh tra, năm 2021, ngành Thanh tra đề nghị các ngành, các cấp trong hệ thống thanh tra tăng cường thanh tra trách nhiệm, nhất là đối với những ngành, lĩnh vực có dấu hiệu vi phạm, dư luận phản ánh tiêu cực, tham nhũng, phát sinh nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo; thanh tra chuyên ngành tập trung vào các vấn đề bức xúc của xã hội, có nhiều vi phạm.
Đồng thời, nâng cao hiệu lực hiệu quả trong hoạt động thanh tra, kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật, chấn chính công tác quản lý nhà nước, kiến nghị hoàn thiện, chính sách pháp luật trên các lĩnh vực thanh tra, xử lý nghiêm minh, kịp thời đúng quy định pháp luật đối với tập thể, cá nhân vi phạm, thu hồi tài sản chiếm đoạt, thất thoát về cho nhà nước.
Thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết liên quan đến hoạt động thanh tra, đặc biệt là Nghị quyết 84 của Chính phủ, Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ…
Đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, Thanh tra Chính phủ đã lập danh sách các vụ việc đông người, tổ chức Hội nghị với địa phương. Thủ tướng đã thành lập Tổ công tác do Phó Thủ tướng Thường trực làm Tổ trưởng, sau 1 năm đã làm việc với 10 địa phương xử lý nhiều vụ việc phức tạp. Tình hình khiếu nại tố cáo cả nước trong năm 2020 đã giảm đáng kể về các chỉ số: số lượng người khiếu nại, số đơn, đoàn phức tạp đông người... Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, các địa phương vào cuộc tích cực nên giải quyết dứt điểm từ cơ sở.
Năm 2021, Thanh tra Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm, vào cuộc tích cực hơn đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo; thực hiện chủ trương, các kế hoạch của Chính phủ, Thanh tra Chính phủ trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo phục vụ đại hội Đảng; các địa phương, bộ, ngành phối hợp với Thanh tra Chính phủ giải quyết dứt điểm các vụ việc mới phát sinh từ cơ sở, quan tâm đến những vụ việc đang tồn đọng cũ, giải quyết dứt điểm những việc cũ, góp phần làm giảm tình hình khiếu nại phức tạp đông người…
Giải quyết căn bản tình trạng thiếu giáo viên
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, năm 2021, ngành Giáo dục tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, trong đó phải đảm bảo an toàn tuyệt đối sức khỏe cho học sinh, sinh viên và cán bộ, giáo viên… Đồng thời tập trung triển khai có hiệu quả Nghị quyết 88 về đổi mới sách giáo khoa theo lộ trình, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Để thực hiện nhiệm vụ trên, trước hết phải giải quyết căn bản tình trạng thiếu giáo viên, nhất là giáo viên mầm non.
“Chúng tôi cũng đề nghị các địa phương rà soát, xây dựng đề án phát triển giáo viên trong 5 năm tới để chủ động nguồn nhân lực. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẵn sàng chủ động cùng các địa phương thực hiện”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ trưởng, nhiều địa phương đưa ra các chỉ số về xã hội, kinh tế trong 5 năm tới, cần quan tâm hơn vấn đề nguồn nhân lực. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ cùng với các địa phương tính toán nhu cầu, trình độ cho nhu cầu phát triển địa phương. Theo đó, rà soát sắp xếp mạng lưới cơ sở đào tạo tại địa phương một cách hợp lý, tiến tới sắp xếp mạng lưới cơ sở đào tạo trên toàn quốc.
Cuối cùng, ngành Giáo dục đang thực hiện chuyển đổi số rất mạnh. Tới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành khác cùng các địa phương đẩy mạnh vấn đề này, trong đó xây dựng chuẩn hóa cơ sở dữ liệu, kết nối toàn ngành, để đảm bảo thủ tục hành chính trong ngành Giáo dục phải được thực hiện thuận lợi trên môi trường số.
|
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh VGP) |
Năm 2021, phấn đấu giảm 5% số vụ phạm pháp hình sự
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm kiến nghị, thứ nhất, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế. Thứ hai, công tác an ninh kinh tế cần được đẩy mạnh hơn. Chúng ta rất quan tâm đến phát triển kinh tế nhưng cũng phải trên nền tảng đảm bảo an ninh kinh tế. Bộ Chính trị đã có chỉ thị, Chính phủ cũng có kế hoạch cụ thể để phát triển kinh tế đi đôi với thực hiện an ninh kinh tế.
Thứ ba, cần tập trung phòng chống tội phạm, cụ thể cần làm giảm tội phạm hình sự. Trong năm 2020, số vụ phạm tội hình sự đã giảm 6,8% so với 2019, thực tế nhiều địa phương cả ngày không có vụ phạm pháp hình sự nào.
“Năm 2021 chúng tôi cũng đăng ký với Quốc hội và Chính phủ giảm thêm 5% số vụ phạm pháp hình sự. Đề nghị các ngành, các cấp cùng vào cuộc. Lực lượng công an sẽ quản lý đối tượng, vũ khí, gần dân hơn để giải quyết từ cơ sở”, Bộ trưởng nói.
Thứ tư, quan tâm hơn nữa đến chăm lo đời sống cho người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, xây dựng vành đai an ninh quốc phòng vững chắc ở những vùng chiến lược này.
Cuối cùng, dịch COVID-19 năm tới diễn biến còn phức tạp nên cần tập trung quản lý và xử lý tốt vấn đề này. Hiện đã có 70 nghìn người Việt Nam ở nước ngoài về nước và theo tính toán, còn hàng trăm nghìn người có nhu cầu về nước, nhiều đối tượng nhập cảnh trái phép. Do đó, cần lên phương án đón bà con về nước an toàn cũng như bảo đảm an ninh, an toàn cho xã hội.
Nông nghiệp đã biến nguy thành cơ
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường khẳng định, trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, chúng ta đã đạt được “mục tiêu kép”. Ngành Nông nghiệp không chỉ có khó khăn do COVID-19 gây ra mà cả thiên tai dị thường, lũ chồng lũ, bão chồng bão, mưa lịch sử... Cùng với đó là các dịch bệnh như dịch tả lợn châu Phi, sâu keo mùa thu, châu chấu sa mạc…
Trong hoàn cảnh đó, Thủ tướng và các Phó Thủ tướng 31 lần làm việc với ngành Nông nghiệp. “Tôi khẳng định chưa có năm nào 63 tỉnh, thành phố vào cuộc khu vực nông nghiệp mạnh mẽ như năm nay. Chính vì vậy, việc huy động tổng nguồn lực đã đạt được kết quả khi 58 tỉnh, thành phố đã có bước bứt phá cao về nông nghiệp. Cụ thể như tỉnh Bình Phước tăng 46%, Bắc Giang 70%, Hưng Yên 70%, Hà Nội cũng trên 40%”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Việc phát triển thị trường cũng thành công với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tỉnh cũng nỗ lực khai mở các thị trường mới. Gần đây nhất, ngày 22/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã điện đàm với Tổng thống Hoa Kỳ nhằm xử lý nhiều vấn đề, trong đó có xuất khẩu nông sản. Chính vì thế năm nay xuất khẩu ngành nông nghiệp đạt hơn 41 tỷ USD, tăng 2,6% so với năm ngoái.
Cùng với đó nhiều chỉ tiêu khác về nông thôn mới cũng đạt và vượt chỉ tiêu, tái cơ cấu nông nghiệp đã bắt đầu có tác động tích cực tới nhiều địa phương, điển hình nhất hiện nay là có đến một nửa lượng sản phẩm OCOP là sản phẩm của các địa phương, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
Năm 2021, khó khăn vẫn tiếp tục từ dịch bệnh, thiên tai, thị trường… nhưng ngành sẽ quyết tâm hơn nữa để khai thác tốt nhất, phát triển khu vực thị trường tiềm năng cuả nông nghiệp. Hiện Bộ NN&PTNT cũng đã xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết 01 và ngay tháng 2/2021 sẽ tiếp tục thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp và thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025.
|
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: VGP)
|
Đề xuất vùng giàu giúp vùng nghèo
Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung bày tỏ, trong khi nhiều nước trong khu vực và thế giới suy thoái, Việt Nam đã kiên định phát triển kinh tế đi đôi với đảm bảo tiến bộ, công bằng xã hội, đảm bảo quyền an sinh của mọi người dân. Chính sách an sinh phát triển vượt bậc, đối tượng thụ hưởng chính sách mở rộng, mức an sinh cũng tăng lên.
Đã có đến 99,7% hộ gia đình người có mức sống bằng và trên trung bình ở khu vực cư trú. Không còn hộ nghèo là hộ người có công. Người cao tuổi và khuyết tật được quan tâm. Chỉ số phát triển con người của Việt Nam đứng 110/189 quốc gia, đạt mức phát triển cao. Chỉ số nguồn nhân lực của Việt Nam chỉ đứng phía sau Singapore trong khu vực. Chúng ta về đích sớm 10 năm về chỉ số giảm nghèo đa chiều so với Mục tiêu thiên niên kỷ. Chúng ta là 1 trong 30 quốc gia áp dụng chuẩn nghèo đa chiều được quốc tế công nhận. Việt Nam hiện là 1 trong 10 quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất thế giới.
Tuy nhiên, hiện nay độ bao phủ an sinh còn thấp, nhất là bao phủ bảo hiểm xã hội (BHXH) với người già, người lao động khu vực nông nghiệp, chênh lệch giàu nghèo vẫn cao nên giảm hiệu quả giảm nghèo và triển vọng tăng trưởng, việc làm chưa thực sự bền vững, tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em vẫn diễn biến phức tạp.
Bộ trưởng cho rằng, trong 5 năm tới cần nhất quán quan điểm đặt con người là mục tiêu và động lực phát triển, kiến tạo môi trường mà mọi người cùng có cơ hội phát triển. Phát triển an sinh xã hội bền vững với 3 trụ cột: kỹ năng lao động, việc làm, an sinh bền vững cùng với bao phủ BHXH và bảo hiểm y tế để bảo vệ những người yếu thế trong xã hội với phòng - chống - khắc phục rủi ro. Chăm lo cho người có công, nâng mức thụ hưởng cho người già, người khuyết tật và trẻ em. Kiên quyết xử lý các hành vi xâm hại, ngược đãi phụ nữ và trẻ em.
Bộ trưởng cũng cho biết, chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo sẽ điều chỉnh chuẩn nghèo 2021. Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ trưởng Bộ Tài chính đã thống nhất và sẽ sớm trình Chính phủ điều chỉnh chuẩn nghèo giai đoạn 2021 – 2026, dự kiến 1,5 triệu đồng/ tháng khu vực nông thôn và 2 triệu đồng/ tháng khu vực thành thị, thời gian áp dụng điều chỉnh cùng chính sách cải cách tiền lương.
Để tiếp tục đẩy mạnh chương trình giảm nghèo, nhất là ở vùng lõi nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, Bộ trưởng nêu một số giải pháp như các địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế; phân loại hộ nghèo, tách những người không thể thoát nghèo sang hưởng chính sách bảo trợ xã hội; phân công vùng kinh tế giàu giúp vùng kinh tế nghèo như đề xuất của Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm. Trước mắt, đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng các cấp uỷ chính quyền phối hợp để cùng lo cho các hộ nghèo đón Tết vui tươi, đầm ấm./.