Tham gia hội thảo, có đại diện lãnh đạo của một số sở, ban, ngành, Hội Khuyến học các cấp, lãnh đạo các trung tâm học tập cộng đồng… trên địa bàn tỉnh.        
 

 Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Trịnh Bang Nhiệm - TTXVN

Sự hoạt động tích cực và hiệu quả của 1.097 trung tâm học tập cộng đồng các cấp trong tỉnh Quảng Trị đã ngày càng thu hút, phát triển về số lượt người học, mở rộng đối tượng, nội dung chương trình, nâng cấp cơ sở vật chất... Các trung tâm học tập cộng đồng trong tỉnh đã làm “bà đỡ” giúp người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần xóa đói giảm nghèo hiệu quả; tạo ra sự chuyển biến tích cực trong giáo dục, đào tạo, dạy nghề và Chương trình xây dựng nông thôn mới. Cụ thể, trong 4 nhóm tiêu chí xây dựng nông thôn mới, các trung tâm học tập cộng đồng đã giúp người dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đào tạo nghề để xóa đói giảm nghèo, nâng cao dân trí thông qua việc học tập suốt đời... Những hoạt động này góp phần hoàn thiện các tiêu chí như thu nhập, hộ nghèo, lao động có việc làm, tổ chức sản xuất, văn hóa và tiếp cận pháp luật, qua đó góp phần xây dựng nông thôn mới. 
          
Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, các trung tâm học tập cộng đồng cũng bộc lộ nhiều bất cập như chưa có đầy đủ cơ chế, chính sách để tạo điều kiện thuận lợi phát triển; việc thu hút các nguồn lực tài chính còn hạn chế, cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ quản lý và mạng lưới cộng tác viên chưa đáp ứng được yêu cầu của người học; nhận thức của một số cán bộ lãnh đạo các cấp, ngành, tổ chức, đoàn thể và nhân dân về vai trò, ý nghĩa của việc học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập còn hạn chế. 
          
Phát biểu tại hội thảo, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Quảng Trị Lê Thị Hương khẳng định: Để các trung tâm học tập cộng đồng góp phần xây dựng nông thôn mới, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của trung tâm và hoàn thiện cơ chế tổ chức, cơ chế vận hành gắn hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng với xây dựng nông thôn mới; đa dạng hóa nội dung, phương thức hoạt động để đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của mọi tầng lớp nhân dân, tạo điều kiện cho người dân tham gia học tập. Bên cạnh đó, cần tận dụng tối đa các điều kiện của địa phương và huy động sự đóng góp của xã hội; tổ chức học tập chương trình xây dựng nông thôn mới để mọi người cùng hiểu và nắm rõ mục đích của chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới…/.        
 

Trịnh Bang Nhiệm/TTXVN