Sáng 22/5, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã trang trọng khai mạc tại Hội trường Diên Hồng, tòa nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Được sự phân công của Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Chính phủ đã trình bày Báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) và ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch KTXH và NSNN những tháng đầu năm 2023.
Khó khăn, thách thức nhiều hơn
Về tình hình, kết quả triển khai thực hiện kế hoạch phát triển KTXH những tháng đầu năm 2023, Báo cáo của Chính phủ cho biết: Từ đầu năm 2023, tình hình thế giới tiếp tục biến động nhanh, phức tạp, khó lường, tác động, ảnh hưởng đến hầu hết các quốc gia, khu vực trên phạm vi toàn cầu, nhất là: hậu quả của dịch COVID-19 kéo dài.
Xung đột ở Ukraina, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; lạm phát ở mức cao, chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất kéo dài dẫn đến suy giảm tăng trưởng, sụt giảm nhu cầu tiêu dùng ở nhiều nước, đối tác lớn.
Rủi ro trên các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản quốc tế gia tăng; những thách thức về biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, an ninh năng lượng, lương thực, đói nghèo ngày càng lớn và tác động, ảnh hưởng ngày càng nặng nề đến người dân.
Ở trong nước, chúng ta có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.
Nước ta là nền kinh tế đang phát triển, đang trong quá trình chuyển đổi, có độ mở lớn, quy mô còn khiêm tốn, sức chống chịu, năng lực cạnh tranh còn hạn chế, năng suất lao động chưa cao nên chịu tác động mạnh từ bên ngoài trên nhiều lĩnh vực, nhất là về xuất khẩu, thương mại, đầu tư, tài chính, tiền tệ, tỷ giá, lãi suất; các chuỗi cung ứng bị đứt gãy; thu hút FDI bị ảnh hưởng do đầu tư toàn cầu sụt giảm; cạnh tranh trên thị trường quốc tế gia tăng…
Trong khi đó, những hạn chế, bất cập nội tại của nền kinh tế kéo dài nhiều năm đã bộc lộ rõ hơn trong điều kiện khó khăn như các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, các ngân hàng yếu kém...
Tập trung giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng
Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành: Thực hiện Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, nhất là Kết luận số 46-KL/TW ngày 23/12/2022 của Bộ Chính trị về tình hình kinh tế vĩ mô và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới và các Nghị quyết của Quốc hội, ngay từ đầu năm Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đã triển khai quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển KTXH, dự toán NSNN và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023.
Trong đó tập trung giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; rà soát, bổ sung, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia.
Tổ chức các Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển KTXH, bảo đảm quốc phòng, an ninh 6 vùng trên cả nước gắn với xúc tiến đầu tư vùng, địa phương.
Chính phủ "xắn tay áo" vào cuộc cùng địa phương
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tổ chức nhiều hội nghị, cuộc họp, buổi làm việc, chuyến công tác, tham vấn ý kiến của các hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức quốc tế.
Rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật và đưa ra các cơ chế, chính sách, giải pháp thuộc thẩm quyền nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Tổ chức 05 Tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm quốc gia; gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền sử dụng đất, báo cáo cấp có thẩm quyền về miễn, giảm thuế, phí, lệ phí và đang xây dựng phương án về thuế tối thiểu toàn cầu; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giãn nợ; quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản.
Giao nhiệm vụ cho từng thành viên Chính phủ trực tiếp làm việc với các địa phương để nắm bắt tình hình, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tập trung hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững.
Tích cực xây dựng, hoàn thiện và phê duyệt các quy hoạch, ban hành Quy hoạch điện VIII; tháo gỡ khó khăn trong đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).
Mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu, du lịch, giải quyết các vấn đề về lao động, việc làm và đời sống người dân.
Tập trung chỉ đạo xử lý các dự án tồn đọng kéo dài (trong đó có 8/12 dự án, doanh nghiệp kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài, 06 ngân hàng thương mại yếu kém…); phát huy vai trò của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Đồng thời, chú trọng phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, củng cố quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế.
GDP quý I vẫn duy trì đà tăng trưởng; thương mại dịch vụ tiếp tục tăng mạnh;...
Về kết quả đạt được những tháng đầu năm 2023, báo cáo nhấn mạnh: Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm.
Trong điều kiện rất khó khăn, GDP quý I vẫn duy trì đà tăng trưởng nhưng không cao, chỉ đạt 3,32% so với cùng kỳ. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) có xu hướng giảm, bình quân 4 tháng tăng 3,84%.
Thị trường tiền tệ, tín dụng, ngoại tệ cơ bản ổn định; mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm, trong đó lãi suất cho vay bình quân giảm 0,7% so với cuối năm 2022; thanh khoản của hệ thống ngân hàng được bảo đảm; thanh toán không dùng tiền mặt đạt kết quả tích cực.
Thu NSNN 4 tháng ước đạt 632,5 nghìn tỷ đồng, bằng 39% dự toán năm. Xuất siêu 7,56 tỷ USD (cùng kỳ xuất siêu 2,25 tỷ USD). Giải ngân vốn đầu tư công tăng 15 nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ.
Đã công bố Quy hoạch tổng thể quốc gia và phê duyệt nhiều quy hoạch quốc gia, vùng, tỉnh, thành phố. Khu vực nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định, khẳng định vai trò trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế trong khó khăn; sản lượng lúa 4 tháng đạt 12,6 triệu tấn; xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) phục hồi trong tháng 4, tăng 3,6% so với tháng 3 và tăng 0,5% so với cùng kỳ.
Thương mại, dịch vụ tiếp tục tăng mạnh; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng tăng 12,8%; thu hút 3,7 triệu lượt khách quốc tế.
Các tổ chức quốc tế uy tín tiếp tục đánh giá và dự báo tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2023 và thời gian tới.
Triển khai một loạt công trình hạ tầng giao thông trọng điểm
Trong những tháng đầu năm 2023, Chính phủ cũng đã tập trung triển khai nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia.
Cụ thể là, khởi công đồng loạt 12 dự án cao tốc Bắc - Nam với tổng chiều dài 723,7 km. Tháng 6/2023 tới sẽ phấn đấu khởi công đường vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, vành đai 4 Hà Nội; thúc đẩy tiến độ Cảng hàng không quốc tế Long Thành...); hoàn thành, đưa vào sử dụng 310 km đường bộ cao tốc (các tuyến: Mai Sơn - Quốc lộ 45, Phan Thiết - Dầu Giây, Nha Trang - Cam Lâm, Phan Thiết - Vĩnh Hảo) và một số tuyến đường bộ ven biển (Quảng Ninh, Phú Yên, Bình Thuận, Bình Định).
Đáng chú ý, nhiều vấn đề, dự án tồn đọng, kéo dài được tích cực xử lý, đạt kết quả bước đầu; khánh thành Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1, Thái Bình 2 sau nhiều năm bị gián đoạn; đang tích cực triển khai các Kết luận của Bộ Chính trị về cơ cấu lại Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy, Ngân hàng Phát triển Việt Nam và các ngân hàng thương mại yếu kém; 03 nhà máy đạm đang cơ cấu lại nợ vay, bước đầu đã có lãi (Hà Bắc, Ninh Bình và DAP số 2 Lào Cai)...
Tiếp tục thực hiện tốt chính sách người có công với cách mạng, bảo trợ xã hội, bảo đảm an sinh xã hội
Về văn hóa, xã hội và môi trường, Chính phủ tiếp tục thực hiện tốt chính sách người có công với cách mạng, bảo trợ xã hội, bảo đảm an sinh xã hội. Tổ chức Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 vui tươi, đầm ấm, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, bảo đảm mọi người, mọi nhà đều có Tết.
Thị trường lao động được chú trọng phát triển; tăng cường kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm và lần đầu tiên triển khai thí điểm sàn giao dịch làm việc trực tuyến toàn quốc; kịp thời hỗ trợ người dân, người lao động bị mất việc, giảm giờ làm.
Quan tâm phát triển nhà ở xã hội, ban hành Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp và đang tích cực triển khai gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng.
Tập trung kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác; có giải pháp từng bước xử lý dứt điểm những vướng mắc trong đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế; nâng phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức y tế dự phòng, y tế cơ sở lên mức 100%.
Triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018; bảo đảm tiến độ chương trình, nội dung năm học 2022-2023; tiếp tục triển khai mô hình giáo dục đại học số; chuẩn bị tổ chức tốt Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2023. Chỉ đạo thực hiện kế hoạch tuyển dụng, quản lý, sử dụng hiệu quả chỉ tiêu biên chế giáo viên, khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên.
Tích cực triển khai Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030; tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo không ngừng được lan tỏa. Thị trường khoa học công nghệ có bước phát triển; việc xác lập sở hữu trí tuệ được tăng cường. Chỉ đạo đánh giá thí điểm và hoàn thiện Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII).
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng. Nhiều lễ hội truyền thống và hoạt động văn hóa, văn nghệ diễn ra sôi động; tổ chức thành công nhiều sự kiện chính trị, chương trình, hoạt động nghệ thuật đặc sắc, ý nghĩa nhân kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đảng; 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam, 48 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước…
Các chính sách dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, chăm sóc người cao tuổi, bảo vệ trẻ em, gia đình, bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ được quan tâm.
Thể thao thành tích cao tiếp tục được đẩy mạnh; đặc biệt, đoàn Việt Nam đạt kết quả nhất toàn đoàn tại SEA Games 32.
Xếp hạng về Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam tăng 12 bậc, từ vị trí thứ 77 năm 2022 lên thứ 65 năm 2023 trong Báo cáo Hạnh phúc Thế giới của Liên Hợp Quốc.
Giảm 17 tổng cục; 8 cục, 145 vụ
Về xây dựng, hoàn thiện pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, Chính phủ tổ chức 4 phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật trong 4 tháng đầu năm 2023, lũy kế lên 16 phiên tính từ đầu nhiệm kỳ.
Chỉ đạo chuẩn bị 20 dự án luật, pháp lệnh phục vụ Kỳ họp bất thường thứ 2, Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV; tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền, góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển KTXH.
Tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) một cách toàn diện, sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; sắp xếp, kiện toàn bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, giảm đầu mối, giảm cấp trung gian.
Đã ban hành 25/26 Nghị định về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; giảm được 17 tổng cục và tổ chức tương, giảm 08 cục thuộc tổng cục và thuộc Bộ, giảm 145 vụ/ban thuộc tổng cục và thuộc Bộ, giảm 711 tổ chức phòng thuộc cơ quan chuyên môn UBND cấp tỉnh và cấp huyện, giảm 2.159 tổ chức phòng và tương đương tại 63 tỉnh, thành phố.
Chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích của đất nước, của Nhân dân.
Công tác thanh tra, kiểm tra, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí được đẩy mạnh, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân. Chuyển đổi số quốc gia được đẩy mạnh ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực, nhất là Đề án 06 và xây dựng, triển khai các cơ sở dữ liệu quốc gia.
Quốc phòng an ninh được củng cố; công tác đối ngoại triển khai chủ động, tích cực, hiệu quả,...
Về quốc phòng, an ninh, đối ngoại: Quốc phòng an ninh được củng cố; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình, không để bị động, bất ngờ; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; bảo đảm an toàn tuyệt đối các sự kiện chính trị, kỷ niệm các ngày lễ lớn.
Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm đạt nhiều kết quả quan trọng, nhất là về ma túy, buôn lậu, buôn bán người qua biên giới, trên biển, vượt nhiều chỉ tiêu Quốc hội giao, tạo chuyển biến tích cực về trật tự an toàn xã hội, góp phần từng bước xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, lành mạnh.
Tích cực triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về phòng cháy, chữa cháy; xử lý nghiêm hành vi sử dụng rượu, bia, chất kích thích khi điều khiển các phương tiện giao thông; tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí.
Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được triển khai chủ động, tích cực, hiệu quả, toàn diện. Thực hiện hiệu quả các chương trình đối ngoại cấp cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, góp phần tích cực đưa quan hệ hợp tác song phương vào chiều sâu, thực chất và phát huy vai trò tại các diễn đàn đa phương.
Ngoại giao kinh tế được tập trung chỉ đạo và đạt nhiều kết quả, góp phần thu hút nguồn lực phục vụ phát triển; hoàn tất đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Israel.
Kịp thời triển khai lực lượng tham gia cứu hộ, cứu nạn thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ, góp phần nâng cao uy tín và hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế.
Tồn tại, hạn chế và khó khăn thách thức
Về tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức, báo cáo của Chính phủ cho biết: Tăng trưởng GDP quý I năm 2023 (đạt 3,32%) thấp hơn cùng kỳ (5,03%); trong đó nhiều địa phương sản xuất công nghiệp tăng trưởng thấp, thậm chí có địa phương tăng trưởng âm so với cùng kỳ.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhất là các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống của ta bị thu hẹp; nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng.
Thu NSNN có xu hướng giảm; mặc dù số tuyệt đối tăng nhưng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng mới đạt 15,65% kế hoạch năm, thấp hơn so với cùng kỳ (18,48%). Vốn FDI đăng ký mới giảm 17,9%, vốn thực hiện giảm 1,2%. Tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động giảm; số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và giải thể tăng.
Cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tuy có nhiều cố gắng nhưng chưa đáp ứng yêu cầu. Do tích tụ bất cập nhiều năm, các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản tiếp tục gặp khó khăn về thanh khoản, dòng tiền. Việc triển khai một số chính sách của 03 Chương trình mục tiêu quốc gia và chính sách hỗ trợ lãi suất 2% thuộc Chương trình phục hồi và phát triển KTXH còn chậm.
Chất lượng lao động có lúc, có nơi chưa đáp ứng nhu cầu thị trường, nhiều người lao động chưa có bằng cấp, chứng chỉ, còn hiện tượng mất cân đối cung cầu cục bộ; xuất hiện tình trạng người lao động mất việc làm tại một số địa phương, khu công nghiệp; tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên còn cao; số người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần tiếp tục tăng.
Đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo. Vẫn còn xảy ra những vụ việc bạo lực học đường, xâm hại trẻ em gây bức xúc trong dư luận xã hội. Dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu tiếp tục diễn biến phức tạp; an ninh, trật tự an toàn xã hội trên một số địa bàn tiềm ẩn nguy cơ; tệ nạn xã hội, tội phạm công nghệ cao, tội phạm mạng diễn biến tinh vi, phức tạp…
Nền kinh tế Việt Nam chịu tác động, ảnh hưởng lớn bởi các yếu tố bên ngoài
Về nguyên nhân, báo cáo của Chính phủ nêu rõ: Những kết quả đạt được là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sâu sát, kịp thời của Ban Chấp hành Trung ương, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự ủng hộ, đồng hành và giám sát của Quốc hội; sự vào cuộc quyết liệt, quyết tâm, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan trong hệ thống chính trị; sự chỉ đạo, điều hành đúng hướng, quyết liệt, thống nhất, bài bản, khoa học, sát thực tiễn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương; sự ủng hộ, vào cuộc, chia sẻ, tin tưởng, tích cực tham gia của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế.
Theo báo cáo của Chính phủ, những hạn chế, bất cập nêu trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó chủ yếu là do tình hình kinh tế, chính trị thế giới biến động nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều diễn biến chưa có tiền lệ, vượt dự báo, gây khó khăn, tạo áp lực lớn lên công tác chỉ đạo điều hành. Bên cạnh đó, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, trong khi năng lực nội tại còn thấp, sức chống chịu và tính cạnh tranh chưa cao nên chịu tác động, ảnh hưởng lớn bởi các yếu tố bên ngoài.
Báo cáo của Chính phủ nhấn mạnh: Những tồn tại, yếu kém nội tại nền kinh tế kéo dài từ lâu đến nay mới dần bộc lộ rõ trong điều kiện khó khăn, nhất là các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, ngân hàng yếu kém. Công tác phân tích, dự báo và phản ứng chính sách trong một số trường hợp còn chưa kịp thời, hiệu quả. Một bộ phận cán bộ, công chức còn chưa quyết liệt, kịp thời, nhạy bén, bên cạnh đó còn có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai...
Trần Mạnh