Tàu thuyền ngư dân miền Trung vào tránh trú bão số 9 tại Âu thuyền Thọ Quang (Đà Nẵng).

Tại Quảng Nam: Ngay sau cuộc họp trực tuyến của Chính phủ về triển khai công tác phòng tránh bão số 9 sáng 26/10, UBND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức họp trực tuyến với các ngành, địa phương để chuẩn bị công tác phòng tránh bão.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, quán triệt những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh yêu cầu các ngành, địa phương tích cực phòng chống bão số 9, tuyệt đối không chủ quan, khẩn trương sơ tán dân, ra khỏi khu vực nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở cao.

Các địa phương cần chủ động đánh giá địa hình nguy hiểm, có khả năng có tác động đến an toàn của người dân để có phương án chủ động triển khai khi có tình huống xấu xảy ra.

Tại các hồ chứa thủy lợi nhỏ do huyện quản lý, nếu không an toàn cần có phương án thực hiện sơ tán dân. Hệ thống thủy điện được yêu cầu căn cứ vào tình hình có phương án vận hành, trong 36 giờ tới phải đưa mực nước hồ về mức thấp nhất trước lũ có thể để đảm bảo an toàn. Đồng thời đảm bảo lương thực, thực phẩm cho người dân ở các vùng có nguy cơ cô lập, chia cắt do ảnh hưởng của bão lũ.

Cũng trong sáng cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã công diện gửi các địa phương, đơn vị yêu cầu tập trung quyết liệt cho công tác phòng, chống bão số 9.

Tại Đà Nẵng: Ngay sau cuộc họp trực tuyến về ứng phó bão số 9 do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, UBND TP. Đà Nẵng đã có cuộc họp khẩn với các ngành, địa phương để triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 9.

Tại cuộc họp, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đã dẫn thông báo của Đài khí tượng thủy văn TP về diễn biến bão số 9 và những dự báo, cảnh báo sắp tới của cơn bão này.

Theo ông Hoàng Thanh Hòa - Phó giám đốc Sở NN&PTNT TP, theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn TP, bão số 9 sẽ ảnh hưởng ở gần bờ với gió giật mạnh, từ ngày 28/10. Do đó, công tác sơ tán nhân dân phải xong trong ngày 27/10. TP ưu tiên sơ tán tại chỗ, tại các nhà tầng kiên cố để đảm bảo an toàn.

Trong khi đó, ông Lê Trung Chinh - Phó chủ tịch Thường trực UBND TP.Đà Nẵng yêu cầu lãnh đạo các địa phương, các sở, ngành phải di dân trước 15h chiều 27/10; kêu gọi tất cả tàu thuyền đang hoạt động trên biển nhanh chóng vào bờ tránh bão trước 15h ngày 27/10.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng cũng chỉ đạo dừng hoạt động tại các công trình, khẩn trương tổ chức phòng, chống cho các công trình xây dựng. Đối với các công trình đang thi công bằng tháp và cẩu phải hạ tháp và cẩu trước khi bão đổ bộ. Các địa phương Liên Chiểu, Hòa Vang, Sơn Trà tập trung di dân ở những nơi nguy hiểm vào các khu nhà an toàn. Sở GD-ĐT cho học sinh nghỉ học trong 2 ngày (28/1—29/10).

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cũng yêu cầu ngành NN&PTNT khẩn trương kiểm tra các lồng bè nuôi cá. Các hồ thủy lợi và phối hợp chặt chẽ các địa phương, các công ty trong quá trình xả lũ.

Sở Công thương có phương án dự trữ lương thực, thực phẩm… Đề nghị tất cả các ngành nếu không có vấn đề gì bức thiết thì tập trung vào công tác phòng chống bão số 9. Hạn chế những cuộc họp không cần thiết như chỉ đạo của Thủ tướng. Đề nghị người dân trong quá trình phòng chống bão số 9 cần bảo đảm an toàn, tránh tai nạn khi đang chống bão.

  Ngư dân Đà Nẵng đưa các phương tiện lên bờ để phòng tránh bão số 9.

Tại Quảng Ngãi: Sáng 26/10, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh đã ký ban hành công điện chỉ đạo, địa phương các đơn vị khẩn trương vào cuộc phòng chống bão số 9.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh giao Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh chủ trì, phối hợp với Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi, Chi cục Thủy sản, UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiêm cấm tất cả các phương tiện, tàu, thuyền ra biển hoạt động (bao gồm cả phương tiện vận tải hành khách tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn và ngược lại) từ cho đến khi có thông báo chính thức về thời tiết ổn định.

Đồng thời kêu gọi và hướng dẫn neo đậu tàu, thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy sản an toàn tại các khu neo đậu; tuyệt đối không để người ở lại trên lồng bè khi có sóng, gió lớn.

Yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố sử dụng tất cả các phương tiện truyền thông hiện có để truyền tin dự báo, cảnh báo bão, hướng dẫn nhân dân di dời, sơ tán, chằng chống nhà cửa theo phương thức “đến từng ngõ, gõ từng nhà”, đảm bảo tất cả người dân đều thường xuyên nắm được thông tin, chủ động phòng, chống bão.

Sẵn sàng kế hoạch và tổ chức sơ tán, di dời dân đến nơi tránh trú bão an toàn; hướng dẫn nhân dân chằng chống nhà cửa; huy động lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai hỗ trợ người dân thực hiện, nhất là đối với những hộ chỉ có người già yếu, phụ nữ, neo đơn, khuyết tật. Hoàn thành trước 17h ngày 27/10. Riêng huyện Lý Sơn phải tổ chức các biện pháp bảo an đảm toàn cho người, tài sản, khách du lịch đang còn ở lại trên địa bàn huyện (nếu có).

Đối với công tác ứng phó mưa, lũ lớn sau bão, yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo kiên quyết vận động di dời người dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở, nguy hiểm; khẩn trương rà soát, xây dựng phương án chi tiết ứng phó tình huống mưa, lũ lớn; tổ chức kiểm tra, đôn đốc triển khai thực hiện phương án ứng phó với lũ lớn tại các địa phương, đơn vị trên địa bàn.

Trong trường hợp cần thiết, UBND tỉnh sẽ thành lập Ban Chỉ huy tiền phương lấy lực lượng quân sự làm nòng cốt để hỗ trợ kịp thời cho các địa phương ứng phó và khắc phục hậu quả bão, lũ. Chủ động, khẩn trương báo cáo xin ý kiến của Bộ Tư lệnh Quân khu 5 trong việc sử dụng hầm trú ẩn trên huyện Lý Sơn để làm nơi tránh trú cho nhân dân khi bão đổ bộ.

Người đứng đầu các địa phương, đơn vị tạm dừng tất cả các cuộc họp để tập trung chỉ đạo phòng, chống bão và mưa lũ sau bão số 9; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh và pháp luật do thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, chỉ đạo nếu để xảy ra thiệt hại về người...

Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi, tính đến 9h 30’ ngày 26/10, số tàu cá của tỉnh đang hoạt động trên các vùng biển là 275 tàu/ 3.823 lao động. Cụ thể, vùng biển quần đảo Hoàng Sa 2 tàu/ 22 lao động, vùng biển quần đảo Trường Sa 158 tàu/ 3.036 lao động, vùng biển các tỉnh phía Nam 91 tàu/ 537 lao động, vùng biển tỉnh Quảng Ngãi 24 tàu/ 228 lao động.

Tại Phú Yên: Ban chỉ huy PCTT& TKCN tỉnh cho biết, hiện ở Phú Yên có 227 tàu cá/1.322 lao động đang hoạt động trên các vùng biển, trong đó hoạt động xa bờ 163 tàu cá/962 lao động (khu vực giữa biển Đông và đông nam quần đảo Trường Sa), hoạt động gần bờ 124 tàu cá/570 lao động (từ Quảng Ngãi - Bình Thuận). Nuôi trồng thủy sản, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 74.660 ô lồng/1.861 bè, các địa phương đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó với bão và mưa lũ.

Đến sáng 26/10, lưu lượng nước về các hồ chứa thủy điện trung bình từ 50-500m3/s, hồ thủy điện Sông Ba Hạ chạy máy và xả lũ với lưu lượng 500m3/s.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 50 hồ chứa thủy lợi, các hồ chứa đang tích nước phổ biến từ 20-50% so với dung tích thiết kế. Có 3 công trình đê kè biển, cửa sông đang xây dựng (công trình cửa biển Đà Nông, công trình cửa biển Đà Diễn và công trình kè Xóm Rớ giai đoạn 2), đã hoàn thành từ 40% đến 90% khối lượng công việc, các chủ tàu sẵn sàng các phương án bảo vệ công trình, tài sản máy móc thiết bị và con người.

Để chủ động phòng chống bão số 9, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Phạm Đại Dương sáng 26/10 yêu cầu các sở, ngành và địa phương triển khai ngay các phương án ứng phó cơn bão số 9 trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Tỉnh ủy và UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp&PTNT là cơ quan thường trực PCTT&TKCN tỉnh chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan kiểm tra ngay trong chiều nay (26/10) đối với công tác triển khai ứng phó bão số 9 ở các địa phương, chú ý khu vực nuôi lồng bè thủy sản, tàu thuyền đang hoạt động trên biển và các hồ chứa thủy điện, thủy lợi…/.

 
Tin, ảnh: Đình Tăng