8 tỉnh hợp tác quản lý tàu cá hoạt động khai thác thủy sản trên biển.
(Ảnh: TTXVN)
Theo Đại tá Nguyễn Chí Quang, Phó Chỉ huy trưởng - Tham mưu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, việc ký kết phối hợp giữa các tỉnh nhằm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm, khai thác bất hợp pháp nguồn lợi thủy sản, vi phạm vùng biển nước ngoài, đối với tàu cá và thuyền viên của tỉnh này hoạt động khai thác thủy sản trên vùng biển của tỉnh kia.
Như vậy, các địa phương sẽ thường xuyên trao đổi, thông báo tình hình liên quan đến tàu cá, thuyền viên của tỉnh này hoạt động trên vùng biển của tỉnh kia. UBND các tỉnh thống nhất chỉ đạo Sở, ngành, đoàn thể có liên quan, tăng cường tuyên truyền sâu rộng văn bản chỉ đạo của Trung ương, địa phương về việc không đánh bắt thủy sản vi phạm vùng biển nước ngoài và trong lĩnh vực thủy sản, đặc biệt là Luật Thủy sản 2017 cho ngư dân. Đồng thời, tuyên truyền cho ngư dân biết ranh giới vùng biển Việt Nam với các nước, nhất là khu vực chưa phân định, chồng lấn, nhạy cảm...
Các tỉnh phối hợp, hỗ trợ tăng cường kiểm tra, kiểm soát tàu cá, thuyền viên hoạt động khai thác thủy sản có dấu hiệu vi phạm vùng biển nước ngoài; trong đó, chú trọng tàu cá, thuyền viên trong danh sách được đề nghị tăng cường hỗ trợ kiểm tra, kiểm soát. Ngoài ra, các tỉnh thực hiện việc quản lý, kiểm soát tàu cá của các tỉnh khác đến hoạt động cũng giống như tàu cá của tỉnh nhà và có trách nhiệm trong quản lý, tổ chức tuyên truyền, nhắc nhở không để tàu cá của các tỉnh khác đến hoạt động đánh bắt thủy sản vi phạm pháp luật, kể cả đánh bắt thủy sản vi phạm vùng biển nước ngoài. Các tỉnh thống nhất chỉ đạo Bộ đội Biên phòng làm tốt việc tuần tra kiểm soát, đăng ký, kiểm chứng phương tiện xuất, nhập bến tại các đồn biên phòng, trạm kiểm soát biên phòng; kiên quyết xử lý không cho tàu cá xuất bến khi không có đủ giấy tờ, trang thiết bị theo quy định…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Lập cho hay, 8 tỉnh có 31.133 tàu cá; trong đó có 14.114 tàu đánh bắt thủy sản xa bờ. Đây là nguồn nhân lực, tàu thuyền và phương tiện tham gia bảo vệ chủ quyền vùng biển Việt Nam. Đa số phương tiện đánh bắt thủy sản chấp hành nghiêm pháp luật Việt Nam và pháp luật của các nước lân cận; an tâm bám biển; chấp hành tốt công tác đăng ký, đăng kiểm, xuất nhập bến đối với các cơ quan chức năng và đơn vị Bộ đội Biên phòng.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn một bộ phận ngư dân vì lợi ích kinh tế đã đưa người, tàu đi đánh bắt thủy sản vi phạm vùng biển nước ngoài. Tàu cá các tỉnh chuyển ngư trường hoạt động trong thời gian dài, ít về địa phương dẫn đến khó khăn trong quản lý cũng như tuyên truyền, giáo dục ngư dân chấp hành nghiêm chủ trương, chính sách của Nhà nước đối với việc khai thác, đánh bắt thủy sản trên biển.
Hiện các tỉnh chưa có cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin vụ việc xảy ra liên quan đến quản lý tàu cá có liên quan đến nhiều tỉnh. Vì vậy, khi có vụ việc xảy ra, việc phối hợp giải quyết còn gặp nhiều khó khăn, thiếu chặt chẽ. Những kinh nghiệm, cách làm hay trong quản lý tàu cá của các tỉnh chưa được nhân rộng; khó khăn vướng mắc chưa được khắc phục kịp thời.
Phát biểu tại lễ ký kết, Cục trưởng Cục Kiểm ngư Lưu Văn Huy đánh giá cao sáng kiến của Bến Tre thông qua việc tổ chức ký kết quy chế phối hợp giữa UBND các tỉnh cũng như tinh thần trách nhiệm cao của 8 tỉnh trong quản lý tàu cá hoạt động khai thác thủy sản trên biển nhằm khắc phục "thẻ vàng" IUU.
Ông Huy đề nghị, thời gian tới, các tỉnh cần triển khai Luật Thủy sản 2017, tập trung nguồn lực triển khai Công điện, Chỉ thị số và kế hoạch hành động Quốc gia về chống khai thác IUU; tổ chức sắp xếp nguồn nhân lực đảm bảo vai trò trách nhiệm của cơ quan quản lý cảng cá, cơ quan quản lý chuyên ngành thủy sản, thanh tra chuyên ngành thủy sản; cơ chế phối hợp giữa các lực lượng chức năng liên quan thực hiện nhiệm vụ phòng, chống khai thác IUU. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên tuyên, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức của ngư dân./.
Công Trí/TTXVN