Ngày 18/5, Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR), Sở TN&MT TP. Đà Nẵng, Liên hiệp các hội KH& KT Việt Nam (VUSTA) đồng phối hợp tổ chức Hội nghị tổng kết dự án Đại dương không nhựa và chia sẻ kết quả, thực hành tốt với các tỉnh ven biển miền Trung.
Theo đó, từ tháng 4/2018 - 4/2019, dự án “Đại dương không nhựa” đã thực hiện hơn 160 chương trình tập huấn, truyền thông cho các đối tượng nòng cốt cấp quận, phường, hộ gia đình, thanh niên, học sinh, ngư dân…tại hai quận Sơn Trà và Thanh Khê (TP. Đà Nẵng). Qua đó, đã có hơn 21.000 hộ gia đình thực hiện phân loại, thu gom được gần 7.700 kg rác thải nhựa; 29.850 kg rác tài nguyên, gây quỹ 94 triệu đồng, góp phần giảm thiểu áp lực xử lý rác thải của thành phố và nâng cao ý thức của cộng đồng.
Ông Đinh Quang Cường, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP. Đà Nẵng đánh giá cao kết quả của dự án “Đại dương không nhựa” sau một năm triển khai tại Đà Nẵng. Dự án đến với Đà Nẵng vào thời điểm này là hết sức thích hợp và đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.
Đây là cơ hội và bài học để các địa phương khác trên địa bàn TP. Đà Nẵng tiếp tục nhân rộng góp phần nâng cao nhận thức người dân trong công tác giảm thiểu, thu gom, tái chế rác thải sinh hoạt tại nguồn; bảo vệ môi trường biển trước ô nhiễm rác thải nhựa.
“Đà Nẵng đã và đang phấn đầu trở thành thành phố môi trường, thể hiện trong chiến lược quản lý chất thải rắn đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Tuy nhiên, thành phố đang đối diện với những thách thức liên quan đến môi trường, trong đó có rác thải sinh hoạt. Để thực hiện thành công chiến lược quản lý chất thải rắn, Đà Nẵng cần nhiều sáng kiến với sự chung tay của cộng đồng”, ông Ông Đinh Quang Cường nhấn mạnh.
Tiếp tục nhân rộng tại các tỉnh, thành ven biển
Những kết quả khả quan của dự án “Đại dương không nhựa” tại Đà Nẵng đang mở ra những kinh nghiệm để các tỉnh, thành ven biển miền Trung có thêm giải pháp, cách huy động cộng đồng và cách thực hiện phân loại và quản lý rác theo chuỗi.
Ông Bùi Minh Sơn, Phó Chi cục trưởng chi cục môi trường tỉnh Khánh Hòa cho biết, Khánh Hòa là một địa phương ven biển nhiều đặc điểm tự nhiên giống với Đà Nẵng và môi trường biển cũng đang chịu áp lực lớn từ việc phát triển du lịch.
Năm 2018, Khánh Hòa đón 6,8 triệu lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng và dự báo sẽ tăng lên gần 7 triệu người vào năm 2019. Lượng rác thải sinh hoạt từ hoạt động du lịch và người dân đang gây áp lực lớn đến việc thu gom, xử lý rác thải.
Năm 2009, địa phương đã triển khai việc phân loại tai nguồn tại TP. Cam Ranh nhưng thất bại do không tổ chức đi thu gom sau khi phân loại khiến cho người dân chán nản.
“Qua mô hình của Đà Nẵng, chúng tôi nhận ra rằng yếu tốt tuyên truyền, tham gia của các hạt nhân nòng cốt trong việc phân loại, thu gom rất quan trọng. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao Nhà nước cũng cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với các cơ sở tái chế sau khi chuyển giao rác đã phân loại”, ông Bùi Minh Sơn nói.
Ông Phạm Văn Lương, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Bình cho biết, hiện nay Nhà máy Phân loại, xử lý rác thải, sản xuất biogas và phân bón khoáng hữu cơ thuộc Công ty TNHH Phát triển Dự án Việt Nam (xã Lý Trạch, huyện Bố Trạch) có mức đầu tư 1.500 tỷ đồng đang góp phần giảm áp lực về chất thải rắn của thành phố Đồng Hới nói riêng và tỉnh nói chung. Ngoài chức năng chính là phân loại, xử lý rác thải, nhà máy còn thực hiện mô hình thí điểm khu nhà màng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao mang lại lợi nhuận kinh tế cao.
Bà Nguyễn Ngọc Lý, Giám đốc CECR nhấn mạnh đến vai trò của các bên liên quan, trong đó chính quyền có vai trò then chốt, quyết định và phụ nữ tiên phong trong tất cả các khâu của chuỗi.
“Chúng ta nên trao quyền cho phụ nữ nhằm phát huy tính tiên phong trong thu gom và tái chế rác thải nhựa sẽ góp phần nâng cao lợi ích kinh tế gia đình – xã hội, tạo ta hiệu quả môi trường. Ngoài ra, các chương trình tập huấn nâng cao năng lực cho cộng đồng phải đảm bảo cách tiếp cận tổng thể từ pháp luật cho tới trách nhiệm công dân cũng như các giải pháp kỹ thuật và quản lý thực tiễn phù hợp với điều kiện địa phương”.
Dự án Đại dương không nhựa – Chương trình tái chế nhựa vì một cộng đồng khỏe mạnh và thành phố xanh (gọi tắt là dự án “Đại dương không nhựa”) được thực hiện tại Đà Nẵng từ tháng 10/2017 đến tháng 4/2019. Dự án được tài trợ bởi Cơ quan phát triển Hoa Kỳ (USAID), với mục tiêu tổng thể nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi thực hành tái chế rác thải tại nguồn dựa vào cộng đồng, giữ biển không bị ô nhiễm bởi rác thải nhựa.
Tại TP. Đà Nẵng, dự án được thí điểm triển khai tại 2 quận Sơn Trà và Thanh Khê với các hoạt động chính: Xây dựng và thúc đẩy thực hiện các mô hình cộng đồng, giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái chế rác thải tại cộng đồng; tập huấn nâng cao nhận thức và thúc đẩy thay đổi thực hành mô hình giảm thiểu, phân loại thu gom tái chế rác thải cho các khách sạn, nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ, chủ tàu thuyền, ngư dân và trường học; tổ chức các sự kiện môi trường, diễn đàn chính sách về quản lý rác thải nhựa.
|
Lưu Hương