Ngoại trưởng Đức Heiko Maas ngày 29/12 xác nhận chính phủ các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua thỏa thuận thương mại quy định quan hệ giữa EU với Anh giai đoạn hậu Brexit, mở đường để thỏa thuận có thể có hiệu lực sơ bộ từ ngày 1/1/2021.
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, trên vai trò là nước giữ chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU 6 tháng cuối năm 2020, Ngoại trưởng Đức nhấn mạnh 27 nước EU đã chính thức phê chuẩn việc khởi động thỏa thuận thương mại hậu Brexit với Anh từ ngày 1/1/2021 tới.
Trên trang mạng xã hội Twitter, ông Maas viết: "Tôi vui mừng khi tất cả 27 nước EU đã thông qua thỏa thuận. Với việc cùng hợp lực, chúng ta đã thành công trong việc ngăn chặn một sự hỗn loạn trong thời điểm chuyển giao năm mới,"
Ngoại trưởng Maas cũng cho biết thêm rằng giai đoạn chuyển tiếp kết thúc và Vương quốc Liên hiệp Anh thực tế sắp rời khỏi thị trường nội khối và liên minh thuế quan EU, song đồng thời giữa hai bên sẽ bắt đầu một mối quan hệ đối tác mới và toàn diện.
Việc các nước EU thông qua thỏa thuận là thủ tục cần thiết để thỏa thuận thương mại có thể có hiệu lực tạm thời từ đầu năm tới trước khi văn kiện dài 1.250 trang dự kiến được Nghị viện châu Âu phê chuẩn vào cuối tháng 2/2021 để có hiệu lực đầy đủ.
[EU: Thỏa thuận với Anh giúp đỡ người dân và doanh nghiệp ổn định]
Sự kiện trên được diễn ra sau khi EU và Anh đạt được thỏa thuận thương mại hậu Brexit tuần trước, sự kiện được đánh giá là khoảnh khắc quan trọng mang tính lịch sử trong quan hệ giữa EU và Anh.
Thỏa thuận này quy định quan hệ kinh tế giữa EU và Anh sau giai đoạn chuyển tiếp và điểm quan trọng nhất của thỏa thuận là giúp tránh thuế quan và đảm bảo cho thương mại song phương vận hành một cách tốt nhất. Thỏa thuận cũng bao gồm lĩnh vực đánh bắt cá và hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng, giao thông vận tải, tư pháp, cảnh sát cùng nhiều lĩnh vực khác.
Giai đoạn chuyển tiếp Brexit sẽ kết thúc vào lúc 23h00 ngày 31/12 tới. Kể từ sau thời điểm này, mối quan hệ giữa hai bên sẽ thay đổi theo hướng hạn chế hơn nhiều so với hiện tại.
Thỏa thuận giữa Anh và EU sẽ giúp các doanh nghiệp hai bên có quyền tiếp cận các thị trường của nhau thuận lợi hơn so với các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đảm bảo rằng hàng hóa mua bán giữa hai bên không phải đối mặt với hạn ngạch và thuế quan.
Theo đó, Anh là nền kinh tế duy nhất ngoài EU được tiếp cận thị trường chung châu Âu một cách rộng mở như vậy. Tuy nhiên, dù có được ưu đãi, Anh sẽ không được hưởng các quyền như khi là thành viên của thị trường chung và liên minh hải quan châu Âu.
Kể từ ngày 1/1/2021, hàng rào kiểm soát biên giới và hải quan cứng sẽ được dựng lên giữa Anh và EU. Hàng hóa qua lại giữa hai bên sẽ phải đối mặt với việc kiểm tra, kiểm soát và những thủ tục hải quan nhất định./.
Mạnh Hùng (TTXVN/Vietnam+)