Các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế-xã hội năm 2019 

(Chinhphu.vn) – Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019 được Quốc hội thông qua vào sáng 8/11. Cùng với việc xác định mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu chủ yếu, Nghị quyết đã xác định 10 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của năm 2019.

Theo đó, 10 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của năm 2019 được nghị quyết xác định là, thứ nhất, tăng cường năng lực, chủ động, phân tích, dự báo, theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, trong nước để chủ động có đối sách phù hợp và kịp thời. Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Điều hành lãi suất, tỷ giá linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường và yêu cầu quản lý; điều chỉnh giá dịch vụ công cần theo lộ trình phù hợp, tránh gây ra những tác động bất lợi đến chỉ số giá tiêu dùng. Kiểm soát tốt chất lượng hàng hóa, thiết bị nhập khẩu bằng các hàng rào kỹ thuật phù hợp; phấn đấu cân bằng thương mại bền vững. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên thế giới.

Thứ hai, thực hiện đồng bộ, quyết liệt các đột phá chiến lược. Kiên định mục tiêu đổi mới thể chế là đột phá quan trọng, tập trung rà soát, hoàn thiện các cơ chế chính sách tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa, nhất là những ngành, lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao. Phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và công nghệ thông tin. Đẩy nhanh triển khai dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, Cảng hàng không quốc tế Long Thành và các dự án giao thông, công nghiệp trọng điểm, có sức lan tỏa cao, tạo nền tảng phát triển giai đoạn tiếp theo. Quan tâm phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển.

Thứ ba, thực hiện quyết liệt, hiệu quả các Nghị quyết Quốc hội về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu. Tập trung phát triển các ngành dịch vụ ứng dụng công nghệ hiện đại, công nghệ cao, giá trị gia tăng cao. Nâng cao chất lượng hoạt động du lịch, đa dạng hóa sản phẩm, đẩy mạnh quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch, phát triển mạnh du lịch biển, đảo; mở rộng áp dụng thị thực điện tử và đơn phương miễn thị thực cho một số địa bàn trọng điểm. Có chính sách thu hút hiệu quả khách du lịch quốc tế; quản lý, kiểm soát chặt chẽ chất lượng kinh doanh dịch vụ du lịch, lưu trú, hoạt động lữ hành có yếu tố nước ngoài.

Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện và triển khai các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp. Ban hành chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xã hội hóa xây dựng hệ thống Trung tâm đổi mới sáng tạo để hỗ trợ nghiên cứu phát triển. Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho các dịch vụ và mô hình kinh doanh mới ứng dụng công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực ngân hàng. Tăng cường huy động và khai thác nguồn lực đầu tư từ xã hội cho hoạt động nghiên cứu, đổi mới, chuyển giao công nghệ.

Thúc đẩy mạnh mẽ phát triển doanh nghiệp, hình thành các doanh nghiệp quy mô lớn, hiệu quả và sức cạnh tranh cao. Thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, ưu tiên sử dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường, gắn với phát triển công nghiệp hỗ trợ của các doanh nghiệp trong nước...

Thứ tư, tiếp tục cơ cấu lại thu, chi ngân sách. Tăng cường công tác quản lý thu ngân sách nhà nước, thực hiện quyết liệt các giải pháp chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, xử lý nợ đọng thuế và triển khai hóa đơn điện tử. Triệt để tiết kiệm chi thường xuyên ngân sách nhà nước dành nguồn lực cho đầu tư phát triển. Tiếp tục cơ cấu lại đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn; kiểm soát các chỉ tiêu nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn theo Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020.

Đẩy mạnh thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, bảo đảm công khai, minh bạch hoạt động và nâng cao chất lượng đầu tư, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; phát huy vai trò, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Tập trung giải pháp để xử lý các dự án thua lỗ. Tiếp tục xây dựng thị trường vốn, thị trường tiền tệ, thị trường bất động sản minh bạch và lành mạnh. Sớm hình thành các trung tâm tài chính tại các khu đô thị lớn. Tiếp tục triển khai và giám sát chặt chẽ việc thực hiện cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu…

Thứ năm, quản lý, khai thác có hiệu quả nguồn lực tài nguyên, tăng cường bảo vệ môi trường; chủ động trong phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Nâng cao khả năng tiếp cận đất đai và hiệu quả sử dụng nguồn lực đất đai, khắc phục tình trạng chồng chéo, thiếu thống nhất giữa các quy định của pháp luật liên quan đến đất đai. Chấn chỉnh, xử lý nghiêm các sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai, nhất là ở các thành phố lớn và những địa phương mà Nhân dân có nhiều bức xúc. Kiểm soát chặt chẽ việc cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật về đất đai, nhất là đất lúa, đất rừng phòng hộ, đặc dụng. Rà soát, chuyển đổi quy hoạch đất lúa kém hiệu quả để chuyển đổi sang cây trồng, vật nuôi hiệu quả cao hơn. Kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm đất rừng phòng hộ, đặc dụng. Thực hiện nghiêm việc giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Tiếp tục tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai ở các công ty nông, lâm nghiệp, nhất là thu tiền sử dụng đất. Thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về đấu giá quyền khai thác khoáng sản; ngăn chặn và xử lý triệt để tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, phòng chống sạt lở sông suối, ven biển, kè sông, kè suối biên giới ở những vị trí xung yếu...

Thứ sáu là, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ và chăm sóc, nâng cao sức khỏe của nhân dân. Tiếp tục rà soát, giải quyết hiệu quả chính sách hỗ trợ đối với người có công với cách mạng bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng; kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm những sai phạm, tiêu cực. Chú trọng phát triển thị trường nhà ở cho thuê, nhà ở cho công nhân, nhà ở cho người có thu nhập thấp. Đẩy nhanh độ bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp. Kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Hoàn thiện các chính sách giảm nghèo, chuyển sang hỗ trợ có điều kiện gắn với đối tượng, địa bàn và thời hạn thụ hưởng nhằm khuyến khích sự tích cực, chủ động tham gia của người dân, tạo điều kiện để người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản và có cơ hội phát triển sản xuất, kinh doanh. Thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nhằm đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo bền vững. Tập trung chỉ đạo, bố trí nguồn lực thực hiện các chính sách đã ban hành về hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi...

Thứ bẩy, đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám bệnh, chữa bệnh và quản lý hiệu quả Quỹ bảo hiểm y tế; tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách về khám bệnh, chữa bệnh, dự phòng và nâng cao sức khỏe Nhân dân; xây dựng cơ chế tài chính y tế theo hướng tiếp tục thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, giảm dần mức chi của người dân tham gia bảo hiểm y tế gắn với lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của mạng lưới y tế cơ sở, thúc đẩy xã hội hóa, hợp tác công tư trong lĩnh vực y tế, tạo điều kiện để y tế tư nhân phát triển, tiến tới bao phủ bảo hiểm y tế, chăm sóc sức khỏe toàn dân; tăng cường và ưu tiên y tế dự phòng, y tế cơ sở, giảm quá tải cho tuyến trên. Đẩy mạnh hoạt động cung ứng dịch vụ tầm soát, phát hiện sớm các bệnh ung thư, tim mạch, bệnh bẩm sinh di truyền, bệnh lây nhiễm. Bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Tăng cường các giải pháp nhằm bảo đảm an ninh, an toàn tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh...

Thứ tám là tăng cường công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể; bảo tồn, gìn giữ giá trị văn hóa dân tộc thiểu số. Có chính sách huy động nguồn vốn xã hội để đầu tư tôn tạo các di tích quốc gia đặc biệt, di sản thế giới. Tập trung xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, từng bước cải thiện nâng cao giá trị đạo đức xã hội, nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Thực hiện tốt Cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh. Quản lý hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, bảo đảm đoàn kết dân tộc; quản lý tốt các lễ hội, hoạt động văn hóa thể thao, bảo đảm tiết kiệm, văn minh, an ninh trật tự xã hội. Đẩy mạnh phong trào quần chúng tự nguyện tham gia xây dựng các câu lạc bộ thể dục thể thao cơ sở. Tiếp tục duy trì thành tích, phấn đấu nâng cao thứ hạng của thể thao Việt Nam ở khu vực và châu lục.

Thứ chín là thực hiện nghiêm việc đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức; khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn để thực hiện đồng bộ, có hiệu quả. Khẩn trương triển khai việc tách chức năng quản lý nhà nước với quản lý của các đơn vị sự nghiệp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, thực hiện cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập trong tất cả các lĩnh vực; chuyển giao dịch vụ công đối với những lĩnh vực mà xã hội và thị trường có thể đảm nhận được. Siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính, tăng cường thanh tra công vụ. Nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành và hiệu lực thực thi pháp luật. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với kiểm soát quyền lực và trách nhiệm giải trình. Quyết liệt rà soát, đơn giản hóa, cắt giảm thực chất thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, coi đây là một khâu đột phá thúc đẩy tăng trưởng. Triển khai nhanh cấp mã số công dân, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia liên thông trong các lĩnh vực. Ứng dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao năng lực quản lý đô thị, hiệu quả quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân.

Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp; nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp. Triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, giải quyết vấn đề ngay từ khi mới phát sinh. Đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án kinh tế, tham nhũng, thu hồi hiệu quả tài sản bị thất thoát. Ngăn chặn hiệu quả hoạt động tín dụng đen, quản lý chặt chẽ đối với dịch vụ thu nợ, đòi nợ thuê...

Cuối cùng, thứ 10 là tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh để bảo vệ đất nước; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Nắm chắc tình hình, chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn làm thất bại âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, giữ vững an ninh quốc gia, bảo vệ độc lập chủ quyền lãnh thổ, lợi ích, an ninh của đất nước, không để bị động, bất ngờ. Bảo vệ vững chắc chính trị nội bộ, an ninh kinh tế, an ninh tư tưởng, văn hóa, truyền thông, các sự kiện chính trị, các ngày lễ lớn, hội nghị, các mục tiêu trọng điểm về an ninh quốc gia. Bảo đảm an toàn thông tin mạng và không gian mạng. Tăng cường truyền thông về an toàn giao thông, phòng, chống cháy nổ, bảo đảm an toàn cuộc sống của người dân.

Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế. Thúc đẩy đàm phán, xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC). Tăng cường thúc đẩy để đạt kết quả thực chất trong giải quyết các vấn đề biên giới trên biển và trên đất liền còn tồn đọng với các nước. Hoàn thiện các điều kiện cần thiết và xây dựng, sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật để thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); đẩy mạnh vận động sớm ký kết và phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA). Chủ động phòng ngừa, nâng cao năng lực giải quyết tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế. Nâng cao hiệu quả công tác ngoại giao phục vụ phát triển, quan tâm công tác người Việt Nam ở nước ngoài, bảo hộ công dân. Tiếp tục mở rộng và đưa các mối quan hệ với các đối tác, các nước láng giềng chung biên giới, nước lớn, đối tác quan trọng đi vào chiều sâu, ổn định và hiệu quả. Chủ động, tích cực tham gia đóng góp, xây dựng, định hình các cơ chế đa phương, tiếp tục vận động các nước ủng hộ Việt Nam ứng cử làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021; chuẩn bị tốt cho việc Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á 2020.

Thực hiện nghiêm quy chế phát ngôn, tăng cường kỷ luật báo chí. Tăng cường tính kịp thời, hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền. Cơ quan nhà nước chủ động cung cấp thông tin, nhất là tình hình kinh tế - xã hội, các cơ chế, chính sách mới cho cơ quan thông tấn, báo chí, nhằm tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong xã hội; đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật, qua đó tạo chuyển biến trong nhận thức và ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật, tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Nguyễn Hoàng

664 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 750
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 750
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87068648