Các ngân hàng ngoại thoái vốn hay thay đổi chiến lược kinh doanh? 

(ĐCSVN) - Chỉ trong một thời gian ngắn, khá nhiều ngân hàng ngoại đã có động thái thu hẹp hoạt động hoặc rút vốn khỏi thị trường Việt Nam. Động thái này khiến nhiều người lo lắng về tính hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam giảm sút.

Nhiều ngân hàng ngoại thu hẹp hoạt động, rút vốn

Hình ảnh lễ chuyển giao hoạt động của CBA sang VIB hồi đầu tháng 7/2017
(Ảnh: P.V)

Những ngày đầu của tháng 7, có thông tin gây tác động không nhỏ tới giới tài chính ngân hàng đó là Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia (CBA) chuyển giao toàn bộ hoạt động của CBA, Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho Ngân hàng quốc tế (VIB). Sau gần 10 năm hoạt động tại Việt Nam, ngân hàng này đã có hoạt động chuyển giao và dự kiến sẽ hoàn tất toàn bộ thương vụ chuyển giao tất trong quý III năm nay. Hiện ngân hàng đến từ Úc là nhà đầu tư chiến lược và cổ đông lớn nhất của VIB với tỷ lệ sở hữu là 20% vốn điều lệ.

Vào tháng 6 qua, Ngân hàng Techcombank cũng bất ngờ thông báo về thỏa thuận thoái toàn bộ vốn của ngân hàng HSBC.

Trước đó, hồi tháng 4, ngân hàng ANZ đã bán toàn bộ mảng dịch vụ ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam cho một đối tác nước ngoài là ngân hàng Shinhan Bank của Hàn Quốc.

Sớm hơn, vào năm 2016, Standard of Chartered cũng đã rút hai đại diện khỏi hội đồng quản trị ngân hàng ACB, đồng thời xác nhận kế hoạch thoái vốn tại ngân hàng ACB.

Theo báo cáo kinh tế vĩ mô quý II/2017 của Viện Kinh tế và Chính sách (VEPR), động thái rút vốn hoặc thu hẹp hoạt động tại Việt Nam của các ngân hàng ngoại cho thấy tính hấp dẫn của hoạt động kinh doanh ngân hàng trong nước đang suy giảm, có thể do những rủi ro tiềm tàng từ nợ xấu và quản trị doanh nghiệp còn hạn chế… Đồng thời, nhiều ý kiến cho rằng khối nợ xấu hiện tại của các ngân hàng Việt Nam là lý do gián tiếp dẫn đến "làn sóng ngầm" rút khỏi thị trường Việt Nam của một số ngân hàng ngoại.

Tuy nhiên, trái ngược lại với báo cáo của VEPR, một số chuyên gia đầu ngành về tài chính ngân hàng lại có cái nhìn khá lạc quan về vấn đề này.

Thoái vốn hay thay đổi chiến lược kinh doanh

Để xác định đây là động thái thoái vốn hay thay đổi chiến lược kinh doanh của ngân hàng ngoại, chúng ta phải xem xét yếu tố bên ngoài và bên trong. Có thể thấy, sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 đến nay, rất nhiều ngân hàng vẫn còn bị tổn thương. Nhiều ngân hàng phải sa thải số lượng nhân viên rất lớn, nên họ cần cơ cấu lại để ngân hàng họ hoạt động hiệu quả hơn. Do đó, sau khoảng thời gian khủng hoảng chúng ta thấy các khái niệm ngân hàng điện tử, ngân hàng kĩ thuật số. Họ tận dụng tối đa công nghệ để phát huy hoạt động cho ngân hàng. Song song, xem xét quy mô và lợi ích mà họ kinh doanh trên khắp thế giới, xem xét chỗ nào phát triển được, mảng nào mang lại lợi nhuận hoặc trong định hướng phát triển thì họ mới quyết định đầu tư.

Việc thu hẹp hoạt động và thoái vốn có thể đơn giản chỉ là do chiến lược của họ thay đổi, từ ngân hàng bán lẻ sang tập trung cho mảng tài trợ thương mại và vốn. Và nếu việc chuyển nhượng trên mang lại lợi nhuận, thì cũng có thể xem là một quyết định chốt lời sau quá trình đầu tư...

Tuy nhiên, để đánh giá được việc các ngân hàng rút vốn, thu hẹp hoạt động là tích cực hay tiêu cực thì cần quan tâm tới vấn đề dòng tiền họ rút ra để làm gì, đó là vấn đề bản chất.

Chẳng hạn như, Ngân hàng HSBC sẽ rút vốn khỏi Techcombank, họ sẽ dùng chính nguồn vốn đó để phát triển kinh doanh tại Việt Nam. Nếu họ rút ra để tái đầu tư hoặc rút ra khỏi Việt Nam mà không kinh doanh cũng không mở rộng thêm mà đem đi đầu tư cho một quốc gia khác thì đó lại là yếu tố tiêu cực.

Thị trường bán lẻ là một phân khúc rất tốt và là phân khúc các ngân hàng ở Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy phát triển. Tuy nhiên, xét về vấn đề tổng quan, đối với các ngân hàng ngoại thì có thể phân khúc này phát triển chưa theo kì vọng của họ. Họ cảm thấy vốn đầu tư và hoạch định vĩ mô chưa theo định hướng và họ rút bớt một phần nào đó. Hoặc có thể do hoạch định của các ngân hàng, họ chỉ rút ra 1 phần do họ cảm thấy chưa phù hợp với những sản phẩm họ thiết kế.

Do đó, có thể thấy đây là điều bình thường. Tuy nhiên, Việt Nam cần làm gì kéo các ngân hàng nước ngoài vào, thúc đẩy mảng bán lẻ và số vốn ngoại góp vào. Thiết nghĩ, để làm được điều đó, cần phải giảm bớt tính chất thủ tục hành chính, nâng cao trình độ công nghệ thông tin, hoạch định thị trường, định hướng thị trường, quan tâm vấn đề lãi suất khách hàng./.

                                                                                                        

TS. Lê Bá Chí Nhân

555 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1198
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1198
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87139680