|
Ảnh minh họa (Ảnh: M.P) |
Thời gian qua, NHNN theo dõi sát diễn biến tiền tệ trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ (CSTT). Đồng thời, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) tích cực tiết giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Thực tế, giảm lãi suất huy động đã được các ngân hàng rục rịch giảm khoảng 1 tháng trở lại đây; nhất là trong tuần trước, nhiều ngân hàng đã giảm mạnh từ 0,3 – 1% tùy từng kỳ hạn, bao gồm cả những ngân hàng quy mô nhỏ.
Cụ thể như, Ngân hàng TMCP NCB giảm lãi suất huy động 2 lần liên tiếp trong 4 ngày đầu tháng 3, đưa lãi suất huy động kỳ hạn cao nhất chỉ còn 9,25%/năm, tức giảm 0,75%/năm so với cuối tháng 2/2023.
Ngân hàng TMCP Việt Á đã giảm lãi suất thêm 0,4-0,5%/năm với nhiều kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Theo đó, lãi suất kỳ hạn dưới 15 tháng cao nhất chỉ còn 9%/năm. Lãi suất cao nhất 9,1%/năm chỉ còn áp dụng cho kỳ hạn 18 tháng trở lên...
Trước đó, một loạt ngân hàng cũng đã giảm lãi suất huy động. Lãi suất của SaigonBank kỳ hạn cao nhất chỉ còn 9%/năm. Tại PVCombank, lãi suất kỳ hạn cao nhất cũng chỉ còn 8,9%/năm (kỳ hạn 12 tháng). Tại OCB, lãi suất huy động các kỳ hạn 6-12 tháng cũng giảm 0,5%, lãi suất kỳ hạn cao nhất chỉ còn 8,8%/năm. Thậm chí, tại PGBank, lãi suất huy động kỳ hạn cao nhất đã về dưới 8%/năm…
Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 diễn ra vào hôm qua (3/3), Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã có sự chỉ đạo các tổ chức tín dụng giảm lãi suất và thực tế lãi suất trên thị trường đã bắt đầu giảm. Lãi suất cho vay bình quân phát sinh mới đã giảm 0,43%. Đã có 22 ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay bình quân. Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều tiết theo hướng phấn đấu giảm lãi suất./.
M.P