Các kế hoạch giai đoạn 2021-2025 cần “trúng” trọng tâm, sát với thực tiễn 

(Chinhphu.vn) – Ngày 26/8, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Hội nghị trực tuyến về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), đầu tư công giai đoạn 2021-2025 và năm 2021 vùng Đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía bắc với sự tham gia của đại diện nhiều địa phương.

Bám sát định hướng, không dàn trải

 

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nêu lên một số định hướng quan trọng trong việc lập kế hoạch. Cụ thể, các đơn vị, địa phương đánh giá khách quan, toàn diện tình hình kinh tế hiện tại, từ đó xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH và đầu tư công 2021-2025 sát với thực tế, đặc biệt có tính đến cả những thách thức phát sinh trong bối cảnh “bình thường mới”.

 

 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu. Ảnh: VGP.

Việc xây dựng kế hoạch phải bảo đảm sự nhất quán, kết nối, kế thừa các thành tựu giai đoạn trước, tiếp tục đổi mới tư duy, tầm nhìn, có giải pháp phù hợp tiềm năng, lợi thế của địa phương.

 

Cần phải có tư duy mới, có tầm nhìn tạo ra sự khác biết để tìm ra con đường đi nhanh nhất đạt mục tiêu cao nhất, từ đó có các kế hoạch phát triển kinh tế và đầu tư công hiệu quả.

 

“Cần bám sát các định hướng của Đảng, xác định cho được đâu là cực tăng trưởng, đâu là vùng động lực, đâu là hành lang kinh tế, chúng ta phải tập trung đầu tư, không đầu tư dàn trải, có cách làm đúng, trúng, mạnh”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

 

Lãnh đạo Bộ KH&ĐT cũng nêu các nguyên tắc khi triển khai, đó là gắn với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng. Việt Nam đang bước đầu triển khai quy hoạch tích hợp cần có sự vào cuộc phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị, địa phương.

 

Đất đai là nguồn lực cần phải siết chặt quản lý, để có các dự án thật sự hiệu quả, tránh việc lãng phí các nguồn lực đất đai, những kiểu dự án “giữ chỗ”, hay việc để các DN lợi dụng triển khai đi kèm với mục đích chiếm đất kiếm chênh lệch khi giá đất lên…

 

Về lập kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 và năm 2021, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lưu ý cần ưu tiên các dự án quy mô lớn, dự án động lực và có tác động lan tỏa tích cực đến phát triển KT-XH của vùng, địa phương.

 

Các dự án đầu tư mới giai đoạn 2021-2025 phải gắn với quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và nhằm giải quyết được các điểm nghẽn, ách tắc của vùng theo hướng kết nối, tạo động lực phát triển mới.

 

Cần lựa chọn các dự án thật sự có ý nghĩa và thiết thực cho địa phương, không vay các dự án có nguồn lực trong nước đảm đương tốt hơn, hạn chế thấp nhất gánh nặng trả nợ cho các thế hệ sau này…

 

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu định hướng phát triển phải hướng tới người dân, lấy người dân làm trọng tâm, phải xoay quanh hạnh phúc của số đông người dân.

 

“Làm một con đường, bệnh viện, trường học cũng vì người dân, xác định rõ thế thì sẽ biết cái gì cần làm trước, làm sau, cái gì cần ưu tiên”, ông Nguyễn Chí Dũng nêu định hướng.

 

Đầu tư thiết thực, vì lợi ích tổng thể

 

Tại Hội nghị, các địa phương cũng có những kiến nghị trong việc xây dựng các kế hoạch giai đoạn 2021-2025.

 

Tại đầu cầu Bắc Ninh (tỉnh có nguồn thu điều tiết về Trung ương), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Quang Khải đề nghị Bộ KH&ĐT nghiên cứu trình Trung ương cho phép tỉnh phát hành trái phiếu để huy động nguồn vốn đầu tư công; hỗ trợ đầu tư xây dựng một số công trình, bổ sung vốn cho các dự án còn thiếu như cầu Chì, cầu Đại Đồng Thành…

 

Ở điểm cầu Vĩnh Phúc, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Độ cho rằng, việc dự báo kết quả phát triển kinh tế-xã hội các năm 2020, 2021 và giai đoạn 2021-2025 rất khó khăn do ảnh hưởng và diễn biến phức tạp từ dịch bệnh COVID-19. Tổng cục Thống kê cần rà soát, sớm công bố số liệu chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh để các địa phương làm căn cứ xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 và giai đoạn 2021-2025 theo tinh thần Chỉ thị số 18, 31 của Thủ tướng Chính phủ. Tỉnh cũng đề nghị được quan tâm đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng liên vùng do Trung ương quản lý và hỗ trợ bổ sung các nguồn vốn ngân sách Trung ương, vốn trái phiếu Chính phủ cho Vĩnh Phúc.

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Nguyễn Văn Khánh đề nghị các cơ quan quản lý cấp Trung ương cho chủ trương đầu tư đối với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và chương trình giảm nghèo bền vững để các địa phương có cơ sở xây dựng kế hoạch giai đoạn 2021-2025. Cần sớm ban hành nguyên tắc, tiêu chí định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 để các địa phương có cơ sở xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn và đề xuất tăng mức hỗ trợ định mức cho tỉnh…

 

 

Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến. Ảnh:VGP.

Bà Vũ Thị Lưu Mai, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội lưu ý, các địa phương có nhu cầu tăng là chính đáng nhưng cần tính các nguồn lực, tính khả thi.  Có địa phương đề nghị tăng đến gần 3 lần là không khả thi.

 

Đặc biệt trong bối cảnh khó khăn hiện nay tổng mức đầu tư có thể tăng nhưng sẽ không được nhiều. Do đó, việc xây dựng các kế hoạch không chỉ bám sát nhu cầu mà còn phải thực tế.

 

Các địa phương cần chú ý tuân thủ chính xác kế hoạch với trật tự ưu tiên đã quy định trong các luật hay Nghị quyết đã ban hành. Ưu tiên tập trung vào các dự án dở dang, tiến độ hoàn thành sớm, sau đó mới là các dự án mới.

 

Cần tăng cường phối hợp đẩy nhanh tiến độ triển khai vì dự kiến trong tháng 9, các cơ quan của Quốc hội sẽ thẩm tra và cho ý kiến về kế hoạch đầu tư công trung hạn.

 

“Cần có tổng kết tính hiệu quả của các dự án đầu tư trong gian đoạn vừa qua. Nếu trả lời được câu hỏi về hiệu quả của các dự án đầu tư vừa qua, mang lại những kết quả thực tế nào thì sẽ thuyết phục hơn”, bà Vũ Thị Lưu Mai nói.

 
 

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, nhu cầu đầu tư công vùng Đồng bằng sông Hồng giai đoạn 2021-2025 là 706.905,49 tỷ đồng, cao gấp 1,38 lần số giao của giai đoạn 2016-2020, trong đó nhu cầu từ nguồn Ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu cao gấp 3,36 lần. Vùng Trung du miền núi phía bắc là hơn 394.707 tỷ đồng, tăng 2,44 lần so với giai đoạn 2016-2020, trong đó nhu cầu từ nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu cao gấp 2,8 lần.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, về cơ bản, đề xuất các dự án mới của địa phương là phù hợp với nhu cầu phát triển, nhưng có một số địa phương xây dựng nhu cầu đầu tư công quá cao.

 

 

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu. Ảnh:VGP.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, các địa phương phải xác định rõ mục tiêu, tránh dàn trải, bố trí theo thứ tự ưu tiên từ kế hoạch đầu tư công năm 2021 phù hợp với kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025, khả năng cân đối các nguồn vốn đầu tư, khả năng thực hiện, tiến độ giải ngân của từng dự án trong năm 2021. Cần rà soát nhu cầu nguồn vốn NSNN năm 2021 và giai đoạn 2021-2025 theo 13 ngành, lĩnh vực đã được quy định tại Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 8/7/2020 bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng trong việc phân bổ vốn kế hoạch đầu tư công, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính và tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

 

Các kế hoạch vốn đầu tư 2021-2025 được xây dựng gắn với các mục tiêu về phát triển kinh tế-xã hội, định hướng ưu tiên đầu tư theo ngành, lĩnh vực, chương trình trọng tâm và các khâu đột phá.

 

“Các địa phương phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan kịp thời đề xuất giải quyết khó khăn, vướng mắc, không để trình trạng chưa hiểu, chưa rõ nên chưa thực hiện”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương lưu ý.

 

Huy Thắng

468 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1210
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1210
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 84187851