Thông tin trên được chia sẻ tại Báo cáo kết quả hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII của Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương, phương hướng triển khai nhiệm trọng tâm năm 2018 và những năm tiếp theo.

Nhà máy DAP Lào Cai (Ảnh: H.H)

Ghi nhận nỗ lực xử lý bước đầu của 12 dự án thua lỗ

Theo Bộ Công Thương, triển khai thực hiện nhiệm vụ do Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ giao, Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương đã chỉ đạo khẩn trương rà soát, đánh giá tổng thể thực trạng, mức độ thiệt hại của 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương và hoàn thành việc xây dựng phương án xử lý dứt điểm các dự án, doanh nghiệp này trình Thường trực Chính phủ, Bộ Chính trị xem xét.

Đến nay, các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương, bước đầu đạt kết quả tích cực ở một số dự án, các dự án khác đều có lộ trình và phương án xử lý cụ thể.

Theo thông tin của Bộ Công Thương, sau hơn một năm triển khai xử lý, trong số 6 nhà máy trước đây có hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng thua lỗ, đến nay đã có 2 nhà máy hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi (Dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 – Hải Phòng và Dự án nhà máy thép Việt Trung), 4 dự án còn lại đã từng bước giảm lỗ và hoạt động sản xuất kinh doanh dần đi vào ổn định (Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình, Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc, Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 – Lào Cai, Công ty DQS).

Đáng chú ý, trong số 3 dự án trước đây bị dừng sản xuất kinh doanh đến nay đã có 1 dự án vận hành sản xuất trở lại được một phần của Nhà máy (Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ). Đối với 3 dự án trước đây đầu tư xây dựng dở dang, ngoài Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam đang thực hiện phương án bán đấu giá toàn bộ tài sản và hàng tồn kho, 2 dự án còn lại đều đang tích cực thực hiện các biện pháp để tiếp tục triển khai đầu tư hoàn thành dự án và đưa vào sử dụng (Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ và Dự án mở rộng giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên).

“Các dự án đi vào hoạt động ổn định và vận hành trở lại sau thời gian dừng sản xuất đã đảm bảo duy trì việc làm và đời sống cho hàng nghìn lao động, góp phần ổn định chính trị - xã hội tại địa phương, đồng thời tạo tiền đề quan trọng cho việc thực hiện xử lý dứt điểm và có hiệu quả các dự án trong thời gian tới theo kế hoạch và lộ trình đề ra. Phấn đấu đến năm 2020 cơ bản hoàn thành việc xử lý 12 dự án”, Bộ Công Thương thông tin.

Cắt giảm nhiều điều kiện đầu tư kinh doanh không còn phù hợp

Cũng theo Ban cán sự đảng Bộ Công Thương, trong thời gian vừa qua, Bộ đã lãnh đạo, chỉ đạo tiến hành sắp xếp lại tổ chức bộ máy, cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh không còn phù hợp, triển khai mạnh dịch vụ công trực tuyến gắn với đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Ban cán sự đảng Bộ Công Thương xác định yêu cầu, mục tiêu xuyên suốt trong toàn bộ nhiệm kỳ là đổi mới hoạt động của ngành Công Thương theo tinh thần kiến tạo, cải cách, lấy doanh nghiệp và người dân làm trọng tâm phục vụ.

Theo hướng đó, ngay từ năm 2016 - năm đầu tiên của nhiệm kỳ Đại hội Đảng khóa XII, nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV đến nay, Bộ Công Thương đã thực hiện những cải cách hết sức mạnh mẽ và toàn diện.

Thứ nhất, cải cách tổ chức bộ máy, thu gọn đầu mối từ 35 đơn vị xuống còn 30 đơn vị, số lượng cấp phòng từ 197 phòng xuống còn 125 phòng, giảm 72 phòng.

Thứ hai, tiến hành cắt giảm theo thẩm quyền hoặc trình Chính phủ cắt giảm 675 điều kiện đầu tư kinh doanh không còn phù hợp, chiếm tới 55,3% tổng số điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Công Thương.

Thứ ba, xóa bỏ tới 420 mã hàng trong tổng số 720 mã hàng phải kiểm tra trước thông quan thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương, đạt tỷ lệ xóa bỏ lên tới 58,3%.

Thứ tư, cắt giảm và đơn giản hóa 183 trong tổng số 508 thủ tục hành chính của Bộ (cắt giảm 49 thủ tục hành chính (TTHC), đơn giản hóa 134 TTHC; triển khai 154 trong tổng số 298 dịch vụ công trực tuyến của Bộ ở cấp độ 3 và cấp độ 4 thông qua một Cổng dịch vụ công trực tuyến thống nhất của Bộ Công Thương.

Cuối cùng, Bộ đã triệt để áp dụng công nghệ thông tin để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành và phối hợp công tác trong cơ quan Bộ cũng như trong các đơn vị thuộc ngành Công Thương.

Liên quan đến Nghị quyết số 11-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Bộ Công Thương cũng cho hay, năm 2016, 2017 là 2 năm trọng tâm xây dựng và hoàn thiện thể chế của Bộ Công Thương.

Trong 2 năm, Bộ Công Thương đã xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 110 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó năm 2016 đã trình/ban hành 63 văn bản, tỷ lệ hoàn thành 100%; năm 2017 đã trình/ban hành 47 văn bản, hoàn thành 100% kế hoạch đề ra. Trong đó, nhiều văn bản đã được rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới nhằm tháo gỡ những rào cản đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, phát triển.

Năm 2018, theo chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Công Thương sẽ xây dựng để trình hoặc ban hành theo thẩm quyền 49 văn bản quy phạm pháp luật./.

An Nguyên