Các động lực tăng trưởng kinh tế 9 tháng 2022 

(ĐCSVN) -Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực còn phức tạp, dịch bệnh COVID-19 còn căng thẳng, nhờ những nỗ lực của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, tình hình kinh tế-xã hội của Việt Nam 9 tháng năm 2022 đạt được kết quả đáng ghi nhận. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, an sinh xã hội được quan tâm…

 

Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, khu vực doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người dân đã thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 128 của Chính phủ, chống chọi với chi phí sản xuất đầu vào ngày càng tăng thông qua biện pháp thay đổi mô hình sản xuất kinh doanh, khôi phục sản xuất, tiết kiệm chi phí, mở cửa trở lại nền kinh tế nên nhìn chung, tăng trưởng kinh tế quý III và 9 tháng năm 2022 đạt khá cao ở mức 13,67% và 8,83% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu dựa vào các động lực tăng trưởng sau:

 Nguồn: Tổng cục Thống kê 

Đáng chú ý, báo cáo của Tổng cục Thống kê nhận định rõ, chính sách đối phó với dịch COVID-19 tiếp tục có hiệu quả và các chính sách hỗ trợ sản xuất, mở cửa kịp thời là cơ sở cho các hoạt động kinh tế diễn ra bình thường, bình ổn tâm lý doanh nghiệp và người dân. Đặc biệt, Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội đã phát huy hiệu quả, được thực hiện tương đối tốt; nhiều chính sách, gói hỗ trợ được triển khai và đi vào thực tế.

Điểm sáng đầu tiên là hoạt động nông, lâm nghiệp và thủy sản duy trì được năng lực sản xuất ổn định, tiếp tục là trụ đỡ vững chắc cho nền kinh tế, đảm bảo nguồn cung nguyên vật liệu, đồng thời đáp ứng nhu cầu lương thực trong nước, nhất là trong bối cảnh an ninh lương thực thế giới đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Tiếp đến phải kể đến ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo có sự bứt phá mạnh ở hầu hết các ngành, đặc biệt như: Sản xuất đồ uống 9 tháng tăng 31,9%; sản xuất trang phục tăng 22,5%; sản xuất da, các sản phẩm có liên quan tăng 20,4%; sản xuất thuốc, hóa dược, dược liệu tăng 18,3%;sản xuất máy móc thiết bị chưa phân vào đâu tăng 17,3%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 16,4%; sản xuất thiết bị điện 14,9%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 10,8%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 10%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 9,8%; sản xuất các sản phẩm điện tử, máy tính và sản phẩm quang học tăng 9% …

Song song là các ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn bị suy giảm nghiêm trọng trong cùng kỳ 2021 do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đang dần khôi phục mạnh mẽ và sôi động trở lại. Trong quý III/2022 và 9 tháng, giá trị tăng thêm của nhiều ngành dịch vụ trọng điểm đạt tốc độ tăng 2 con số như: Bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy tăng lần lượt 20,98% và 10,24%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng lần lượt 171,68% và 41,7%; dịch vụ vận tải kho bãi tăng 28,77% và 14,2%; thông tin truyền thông tăng 9,14% và 7,65%; kinh doanh bất động sản tăng 11,75% và 6,5%; nghệ thuật vui chơi, giải trí tăng 26,49% và 14,48%; hoạt động tài chính ngân hàng tăng 8,68% và 9,05%. Ngành tài chính ngân hàng đang thực hiện tốt vai trò là huyết mạch, hỗ trợ tốt cho các ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đồng thời điều hành chính sách hợp lý nhằm duy trì sự ổn định vĩ mô của nền kinh tế.

Kết quả tăng trưởng 9 tháng năm 2022 là một minh chứng cho sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam (Ảnh: HNV)

Đặc biệt, hoạt động xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng mạnh, kim ngạch xuất khẩu 9 tháng tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhiều sản phẩm công nghiệp xuất khẩu tăng mạnh như: Thủy sản tăng 38%; cà phê tăng 37,6%; hóa chất tăng 44,2%; sản phẩm hóa chất tăng 33,3%; xăng, dầu tăng 45%; giấy và sản phẩm từ giấy tăng 19,9%; dệt, may tăng 24,3%; giày, dép tăng 36,6%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 13,3%…

Thêm vào đó, cầu tiêu dùng tăng trưởng mạnh mẽ, trong đó bán lẻ hàng hóa 9 tháng năm 2022 tăng 21% so với cùng kỳ năm trước; dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 54,7%; doanh thu du lịch lữ hành tăng 294,9%.

Ngoài ra, lạm phát trong tầm kiểm soát cũng là dấu hiệu tích cực cho kinh tế Việt Nam; chỉ số giá tiêu dùng bình quân 9 tháng năm 2022 tăng 2,73% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù, lạm phát đang có dấu hiệu gia tăng do một số hàng hóa, nguyên vật liệu tăng giá nhưng với sự linh hoạt trong các chính sách vĩ mô, chính sách điều hành giá của Chính phủ nên lạm phát chưa gây nhiều áp lực lên hoạt động sản xuất, kinh doanhnhư ở nhiều nước khác trên thế giới.

Tổng cục Thống kê cũng nhìn nhận, trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều ngành, lĩnh vực chuyển hướng sang ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ, tận dụng những thành tựu từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thông qua chuyển đổi số, ứng dụng giao dịch điện tử. Đến nay các hình thức hoạt động sản xuất kinh doanh mới tích hợp công nghệ đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả cao hơn đã trở thành hoạt động thường xuyên; giúp cho nền kinh tế nâng cao năng lực đối phó trong bối cảnh khủng hoảng và bắt kịp với xu hướng thế giới.

Không thể không nhắc đến một điểm sáng tích cực nữa là vị thế của Việt Nam đang dần cải thiện trong mắt cộng đồng quốc tế khi nhiều tổ chức quốc tế đánh giá nâng hạng kinh tế Việt Nam (Ngày 26/5/2022, S&P Global Ratings nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+, triển vọng “Ổn định”. Ngày 6/9/2022, Moody’s nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam lên mức Ba2 (mức Triển vọng ổn định) sau 4 năm ở mức Ba3) và các định chế tài chính quốc tế vấn tiếp tục dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam khá khả quan trong bối cảnh kinh tế toàn cầu dự báo suy giảm.

Có thể thấy, kết quả tăng trưởng 9 tháng năm 2022 là một minh chứng cho sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam, đem lại những triển vọng tích cực cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2022 và những năm tiếp theo./.

 
Hà Anh
819 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 758
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 758
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87072040