Các doanh nghiệp FDI chuyển giao công nghệ mới còn hạn chế 

(Chinhphu.vn) – Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tuy nhiên, việc chuyển giao công nghệ trong khu vực này còn hạn chế, cần có những cơ chế chính sách cũng như nỗ lực từ các doanh nghiệp trong nước để vốn FDI có hiệu quả lan toả lớn hơn.

Đây là nội dung được trao đổi tại Hội thảo về “Thu hút và chuyển giao công nghệ trong khu vực đầu tư nước ngoài” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp tổ chức.

 

 

Các chuyên gia đánh giá về chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực FDI.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương cho biết, sau 30 năm thực hiện chính sách mở cửa, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã trở thành một bộ phận quan trọng của nền kinh tế đất nước.

 

Tính đến nay, Việt Nam đã thu hút được 25.949 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 326,3 tỷ USD, trong đó, 84% số dự án là đầu tư theo hình thức 100% vốn nước ngoài. Vốn thực hiện luỹ kế ước đạt 180,7 tỷ USD bằng 56% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực. 

 

Riêng trong 6 tháng năm 2018, chúng ta đã thu hút được 1.362 dự án cấp mới và 507 dự án điều chỉnh vốn và 2.749 dự án góp vốn mua cổ phần với tổng vốn đăng ký là hơn 20 tỷ USD.

 

Đầu tư nước ngoài hiện là nguồn vốn bổ sung quan trọng, chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư cả nước, đóng góp khoảng 20% GDP. Năm 2017, khu vực FDI đóng góp gần 8 tỷ USD, chiếm 14,4% tổng thu ngân sách.

 

Hiện nay, 58% vốn FDI tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, tạo ra 50% giá trị sản xuất công nghiệp, góp phần hình thành một số ngành công nghiệp chủ chốt của nền kinh tế như dầu khí, điện tử, viễn thông…

 

Vốn FDI giúp tạo việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thay đổi cơ cấu lao động. Tính đến nay, khu vực doanh nghiệp FDI tạo việc làm cho hơn 3,6 triệu lao động trực tiếp và 5-6 triệu lao động gián tiếp.

 

Đầu tư nước ngoài còn góp phần nâng cao trình độ công nghệ, tạo sức ép cạnh tranh. Cùng với bổ sung vốn cho nền kinh tế, doanh nghiệp FDI sẽ góp phần chuyển giao kỹ năng quản lý cho người Việt, tạo sức ép cạnh tranh, đổi mới công nghệ đối với các doanh nghiệp trong nước.

 

Thông qua các dự án FDI, trình độ công nghệ sản xuất trong nước phần nào được nâng cao so với thời kỳ trước. Do sự cạnh tranh ngày càng cao với các sản phẩm của doanh nghiệp FDI, nhiều doanh nghiệp trong nước cũng cố gắng đổi mới công nghệ bằng việc nhập thiết bị và công nghệ mới để sản xuất ra sản phẩm có tính cạnh tranh, không thua kém hàng nhập khẩu, đây là chuyển giao công nghệ một cách gián tiếp.

 

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương thẳng thắn cho rằng, các dự án FDI chủ yếu tập trung vào lắp ráp, gia công, tỷ lệ nội địa hoá thấp, giá trị tạo ra tại Việt Nam không cao.

 

FDI chưa tạo được mối liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp Việt để cùng tham gia chuỗi giá trị, chưa thúc đẩy được công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phát triển, hoạt động chuyển giao công nghệ và kinh nghiệm quản lý chưa đạt kỳ vọng. Đóng góp ngân sách nhà nước chưa tương xứng, một số doanh nghiệp có hiện tượng chuyển giá, trốn thuế và vi phạm các quy định về xử lý môi trường.

 

Ông Trần Toàn Thắng, Trung tâm Thông tin và dự báo Kinh tế xã hội quốc gia, Bộ  Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, đổi mới công nghệ ở Việt Nam chưa bền vững so với các nước xung quanh, tập trung vào giảm giá thành hơn là đưa ra sản phẩm mới để chiếm lĩnh thị trường.

 

Các doanh nghiệp Việt Nam có sự thay đổi nhanh về năng suất, tuy nhiên, đóng góp của cải thiện công nghệ chưa nhiều. Điều này đúng cho cả doanh nghiệp trong nước và FDI. Nhìn chung, những năm trở lại đây DN đã tích cực nâng đời công nghệ, tuy nhiên, FDI không quá vượt trội so với DN trong nước. Tỷ lệ công nghệ từ các nước hiện đại (Âu&Mỹ) khá thấp, trong khi tỷ lệ công nghệ cũ từ Trung Quốc khá cao, FDI dùng nhiều hơn doanh nghiệp trong nước, xu hướng đang giảm dần

 

Việt Nam có nhiều DN có hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), tuy nhiên chi tiêu thực tế cho R&D không cao. Chi tiêu chủ yếu cho đào tạo cán bộ R&D, hơn là mua các sáng chế. Chuyển giao công nghệ chủ yếu dưới dạng mua thiết bị máy móc có kèm công nghệ. FDI mua nhiều hơn. Không có sự khác biệt giữa quy mô doanh nghiệp. Kênh chuyển giao chủ yếu qua các DN nội địa khác ngành.

 

Về khuôn khổ pháp lý, ông Vũ Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Đánh giá, thẩm định và Giám định công nghệ cho biết cơ quản lý thời gian qua đã tích cực hoàn thiện các quy định để giám sát chặt hơn vấn đề chuyển giao công nghệ.

 

Cụ thể, Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017 có nêu rõ yêu cầu là: Cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành để kiểm tra, giám sát công nghệ trong dự án đầu tư cùng với việc kiểm tra, giám sát đầu tư theo quy định của pháp luật.  Khi có dấu hiệu vi phạm về ứng dụng, chuyển giao công nghệ trong quá trình triển khai,thực hiện dự án đầu tư và hoạt động chuyển giao công nghệ.

 

Hơn nữa, Luật yêu cầu việc thống kê chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ là một nội dung trong báo cáo thống kê hàng năm của cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ. Hằng năm, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ thống kê chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ trong phạm vi cả nước; Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với cơ quan thống kê trung ương trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng hệ thống chỉ tiêu thống kê và tổ chức thu thập thông tin thống kê về chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp. Ở địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm thực hiện thống kê chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ thuộc địa bàn quản lý.

 

Tổ chức, cá nhân được yêu cầu cung cấp thông tin về chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ có trách nhiệm cung cấp thông tin trung thực, chính xác, đầy đủ và đúng thời hạn theo yêu cầu của cơ quan thực hiện thống kê. Bộ Khoa học và Công nghệ quy định cụ thể việc triển khai thu thập số liệu thống kê về chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ.

 

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương nhấn mạnh, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, cạnh tranh ngày càng gay gắt thì một trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam là tập trung thu hút các dự án công nghệ cao, hiện đại, thân thiện với môi trường, sử dụng tiết kiệm năng lượng và nguyên vật liệu…

 

“Mục tiêu về chuyển giao công nghệ trong thời gian qua chưa đạt được như mong đợi. Sự lan toả công nghệ từ doanh nghiệp FDI sang doanh nghiệp trong nước còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn tới", lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói.

 

Tuy đã có Luật, trong đó, có vai trò khá quan trọng của cơ quan quản lý về khoa học  công nghệ, nhưng các chuyên gia cho rằng, để triển khai cần các quy định cụ thể cũng như sự vào cuộc của các bộ, ngành cũng như địa phương cần đồng bộ, mang lại hiệu quả thực chất cao hơn.

 

   Huy Thắng

500 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1163
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1163
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76397912