|
Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP/Lưu Hương |
Hội nghị nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (CNHT) trên địa bàn miền Trung-Tây Nguyên và các tỉnh, thành phố trong cả nước hợp tác, đồng thời thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp CNHT với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp lớn, các tập đoàn đa quốc gia, các nhà đầu tư nước ngoài để thâm nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng: Khu vực miền Trung có nhiều bất lợi hơn so với các vùng khác tại Việt Nam, các điều kiện kêu gọi đầu tư, phát triển kinh tế cũng như công nghiệp, CNHT nói riêng gặp khó khăn hơn. Hội nghị lần này sẽ khuyến khích và đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp đầu tư, phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Đà Nẵng, Quảng Nam, các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên cũng như cả nước.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định Chính phủ, trực tiếp là Thủ tướng, các bộ, ngành rất quan tâm đến công tác triển công nghiệp nói chung, công nghiệp phụ trợ nói riêng. Bộ Công Thương đang tích cực, quyết liệt triển khai các định hướng, các chỉ đạo về phát triển CNHT.
Theo thống kê, Việt Nam hiện có 1.800 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng linh kiện, trong đó, 1.500 doanh nghiệp sản xuất nguyên vật liệu cho ngành dệt may da giày, tạo nhiều việc làm cho người lao động. Trình độ, năng lực của doanh nghiệp CNHT của Việt Nam ngày càng có tiến bộ. Các doanh nghiệp cũng đã sản xuất trong một số lĩnh vực như linh kiện xe máy, xe đạp, ô tô, linh kiện dây cáp điện, linh kiện cơ khí tiêu chuẩn, linh kiện nhựa, cao su, kỹ thuật, săm lốp các loại… chất lượng tốt đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu ra nhiều quốc gia trên thế giới. Doanh nghiệp CNHT Việt Nam đã tích cực áp dụng tiêu chuẩn công cụ quản lý hiện đại vào sản xuất chế tạo.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, hội nghị sẽ giúp các doanh nghiệp tiếp cận thông tin đầy đủ, cụ thể hóa đường hướng, sự phát triển của các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp đầu cuối để đẩy mạnh sản xuất, cải thiện hiệu quả năng suất sản xuất, đổi mới công nghệ để từng bước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo ông Lê Dương Quang, Chủ tịch Hiệp hội CNHT Việt Nam thì các doanh nghiệp CNHT của Việt Nam hiện đang gặp các rào cản chính về tiếp cận vốn, đổi mới công nghệ và vấn đề về đầu ra của sản phẩm. Một điểm yếu cố hữu của doanh nghiệp CNHT hiện nay đó là rời rạc, không có tính liên kết. Theo ông Quang, các doanh nghiệp ngoài việc phải chủ động tiếp cận với các chính sách hỗ trợ thì tự thân doanh nghiệp phải chủ động mở rộng hợp tác, kết nối, phối hợp với nhau để cùng phát triển.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Takizama Saturo, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP. Đà Nẵng cho rằng thách thức lớn nhất của doanh nghiệp CNHT tại Việt Nam, bao gồm cả doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, đó chính là tính liên kết lỏng lẻo. Ông Takizama Saturo cho biết, liên kết và hoàn thiện chuỗi cung ứng thúc đẩy tăng trưởng là điểm mạnh và là đặc trưng của công nghiệp sản xuất Nhật Bản. Các doanh nghiệp CNHT của Việt Nam cần đẩy mạnh vấn đề này hơn nữa để cùng nhau phát triển.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cũng kiến nghị cần đẩy mạnh tổ chức các chương trình xúc tiến kết nối doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về lĩnh vực này để doanh nghiệp chủ động tìm kiếm cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu…
Lưu Hương