Các địa phương tích cực chuẩn bị cho năm học mới 

(Chinhphu.vn) - Bảo đảm an toàn cho học sinh, sửa sang trường lớp, bổ sung giáo viên… là những hoạt động được nhiều địa phương trong cả nước, nhất là những vùng khó khăn, triển khai thực hiện nhằm chuẩn bị tốt nhất cho lễ khai giảng và cả năm học 2019-2020.

 

Ngày mai, 5/9, lễ khai giảng năm học 2019-2020 sẽ được tổ chức tại các trường học trên cả nước, mở đầu cho năm học mang tính bản lề của ngành GD&ĐT trước khi bắt tay vào thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới vào năm học tới.

Tại Sơn La, cùng với các em học sinh cả nước, hơn 360.000 học sinh các bậc học từ mầm non đến THPT trong toàn tỉnh sẽ bước vào lễ khai giảng năm học 2019-2020 đúng ngày 5/9. Để chuẩn bị cho năm học mới, ngành GD&ĐT tỉnh Sơn La đã tích cực chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để một năm học đạt kết quả cao nhất.

Năm học này, toàn tỉnh Sơn La có hơn 12.600 phòng học, trong đó có trên 8.000 phòng kiên cố, cùng với đó, nhiều trường đầu tư phòng vi tính, phòng thực hành, thư viện... phục vụ tốt việc dạy và học.

Việc chăm lo cho 50.000 học sinh bán trú ở Sơn La cũng được quan tâm. Tại 182 trường tổ chức nấu ăn tập trung cho học sinh bán trú, hơn 1.800 phòng ở bán trú, trên 200 nhà bếp, gần 500 nhà vệ sinh, trên 240 công trình nước sinh hoạt và giếng nước phục vụ cho sinh hoạt, nấu ăn bán trú đã được chuẩn bị chu đáo nhằm phục vụ tốt nhất cho các em.

Ở các tỉnh miền núi khác như Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai, Hòa Bình… việc chuẩn bị cho lễ khai giảng và công tác giảng dạy năm học mới cũng đã sẵn sàng.

Tại Hòa Bình, toàn tỉnh hiện có 8.635 phòng học, trong đó có 7.136 phòng kiên cố và 708 phòng học bán kiên cố… Các trường học đã tiến hành huy động các nguồn lực xã hội hóa giáo dục để xây dựng, chỉnh trang nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ cho mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục. Trong đó, những công trình, hạng mục đã xuống cấp đã được rà soát, tu sửa kịp thời nhằm bảo đảm an toàn trường học. Ngành GD&ĐT và các địa phương cũng đã tăng cường nguồn lực, đầu tư mạnh mẽ cho việc xây dựng, sửa chữa, hoàn thiện cơ sở vật chất các nhà trường.

Theo Sở GD&ĐT tỉnh Kon Tum, việc chuẩn bị cho năm học mới trên địa bàn đã bảo đảm các yêu cầu cho công tác dạy và học. Năm học 2019- 2020, tỉnh Kon Tum có 538 cơ sở giáo dục, đào tạo, với 157.900 học sinh tại tất cả các bậc học, tăng khoảng 3.000 học sinh so với năm trước. Trong đó, học sinh dân tộc thiểu số là hơn 90.000 em.

Năm học này, Kon Tum đã đưa vào sử dụng 3 trường học mới, đầu tư xây mới 128 phòng học, xóa được 36 phòng học tạm, đồng thời nâng cấp cơ sở vật chất các trường học còn lại để các em bước vào năm học mới với điều kiện học tập tốt nhất.

Ngôi trường mới-Trường Tiểu học Alua dành cho các em học sinh người dân tộc C'tu ở xã Dang, huyện Tây Giang, Quảng Nam-sẵn sàng đón các em học sinh vào ngày khai giảng năm học mới.

Bước vào năm học 2019-2020, các em học sinh tiểu học người dân tộc C’tu ở thôn Alua (xã Dang, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) được học trong ngôi trường mới-Trường Tiểu học Alua. Ngôi trường được xây dựng từ sự sự hỗ trợ của Quỹ MoneyGram, Tổ chức Children of Vietnam và sự đóng góp của các nhà hảo tâm, là nơi học tập của 127 em học sinh người C’tu ở 8 bản, làng thuộc xã Dang.

Đến thời điểm này, tất cả các trường trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã sẵn sàng cho ngày khai giảng năm học mới.

Tại Tu Mơ Rông, một trong những huyện nghèo nhất của tỉnh Kon Tum, ngành giáo dục đã cùng các xã, các trường vận động nhân dân chuẩn bị cơ sở vật chất để đầu tư sửa chữa 6 phòng học, làm mới 66 công trình vệ sinh và 52 công trình nước sinh hoạt cho các điểm trường trên địa bàn… để đón các em học sinh vào năm học mới.

Tại Đắk Nông, chuẩn bị cho năm học 2019-2020, từ các nguồn vốn khác nhau, ngành GD&ĐT các huyện, thị xã đã đầu tư 234,4 tỷ đồng xây dựng mới các phòng học và các công trình phụ trợ theo quy chuẩn. Nhiều trường học được xây mới tạo phấn khởi cho cán bộ, giáo viên, phụ huynh và học sinh.

Một số huyện, thị xã được đầu tư xây dựng trường lớp với số vốn khá lớn như thị xã Gia Nghĩa ( hơn 50 tỷ đồng, xây mới 34 phòng học); huyện Cư Jút (34 tỷ đồng xây mới 21 phòng học), huyện Tuy Đức (trên 31 tỷ đồng xây mới 27 phòng học), huyện Đắk Song (18,3 tỷ đồng, xây dựng 14 phòng học)…

Trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, việc chuẩn bị cho năm học mới cũng đã sẵn sàng. UBND TP. Hà Nội yêu cầu các đơn vị tăng cường bảo đảm TTATGT trong thời gian khai giảng năm học mới, nhất là tăng cường kiểm tra, xử lí nghiêm vi phạm đối với xe hợp đồng, xe buýt trong việc đưa đón học sinh đến trường, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho học sinh đến trường.

Công an Thành phố Hà Nội được giao nhiệm vụ bảo đảm ATGT tại khu vực trường học, không để xảy ra ùn tắc giao thông trong ngày khai giảng…

Do một số huyện của Hà Tĩnh vẫn trong tình trạng ngập úng, lễ khai giảng sẽ được tổ chức linh hoạt.

Còn ở “rốn lũ” Hà Tĩnh, lễ khai giảng năm học 2019-2020 vẫn được tiến hành theo kế hoạch. Tuy nhiên, ngành GD&ĐT yêu cầu ở những vùng còn bị ngập lụt (các huyện Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn, Can Lộc…), các trường cần linh động tổ chức lễ khai giảng với tinh thần bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh.

Cụ thể, lễ khai giảng sẽ được tổ chức tùy theo tình hình thực tế (có thể tổ chức ở hội trường UBND các xã, hội trường các thôn và nhà đa chức năng trường học...) với quyết tâm khích lệ tinh thần các em học sinh bước vào năm học mới.

Bên cạnh đó, để có đủ giáo viên cho năm học mới, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã đồng ý chủ trương để UBND các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tuyển dụng 456 giáo viên tiểu học còn thiếu so với biên chế được UBND tỉnh giao.

Thanh Phương (tổng hợp)

324 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 892
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 892
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87228672