Lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ tại chốt kiểm dịch gồm sáu người từ các đơn vị: Chi cục Chăn nuôi-Thú y, Công an tỉnh, Chi cục Quản lý thị trường, Sở Tài nguyên và Môi trường. Ngoài chốt kiểm dịch động vật nằm trên tuyến Quốc lộ 1 A, UBND huyện Hải Lăng cũng chủ động thành lập các chốt kiểm dịch động vật tại địa bàn các xã: Hải Hỏa, Hải Tân…, nơi có tuyến đường giáp ranh với huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Đồng chí Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, trước đó, tỉnh Quảng Trị đã khẩn cấp thành lập hai chốt kiểm dịch động vật ở phía bắc để triển khai các biện pháp phòng, chống, ngăn dịch bệnh lây lan từ các tỉnh phía bắc vào, gồm chốt tại xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh nằm trên Quốc lộ 1 A và chốt ở thị trấn Bến Quan, nằm trên tuyến đường Hồ Chí Minh, nơi giáp ranh với tỉnh Quảng Bình.
Như vậy, hiện Quảng Trị là địa phương nằm giữa hai vùng dịch Nghệ An và Thừa Thiên - Huế, chỉ cách nhau 300 km.
Trước tình hình này, đồng chí Hà Sỹ Đồng đề nghị các địa phương cần phối hợp các ngành chức năng chủ động cung cấp thông tin khi phát hiện gia súc nghi mắc bệnh trên địa bàn. Tuyên truyền kịp thời, chính xác cho người dân về diễn biến tình hình dịch tả lợn châu Phi và các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc vừa bảo đảm yêu cầu ngăn ngừa, phòng, chống, vừa bảo vệ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thịt lợn, tránh gây hoang mang trong xã hội và gây thiệt hại kinh tế cho ngành chăn nuôi.
Tính đến nay, tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị hơn 242.400 con. Địa phương này có gần 30 trang trại chăn nuôi nuôi lợn, trong đó có hai trang trại được cấp giấy chứng nhận VietGAP.
Các hộ chăn nuôi tăng cường vệ sinh chuồng trại, phòng, chống dịch bệnh cho đàn lợn nuôi. (Ảnh: MAI LUẬN)
* Sáng 20-3, Chi cục Thú y tỉnh Thanh Hóa cho biết, đến thời điểm này dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 33 hộ ở 17 thôn, 15 xã, thuộc các huyện: Yên Định, Thiệu Hóa và TP Thanh Hóa; buộc tiêu hủy 1.272 con lợn, tổng trọng lượng 65.280,5 kg.
Tại huyện Yên Định, nơi phát sinh ổ dịch đầu tiên vào cuối tháng 2, đến thời điểm này bệnh tả lợn châu Phi xảy ra ở 13 hộ chăn nuôi, thuộc bảy thôn, sáu xã, thị trấn. Huyện Thiệu Hóa phát sinh ổ bệnh tả lợn châu Phi vào ngày 5-3, muộn hơn điểm sinh ổ dịch đầu tiên ở huyện Yên Định 10 ngày và lũy kế dịch bệnh đã xảy ra tại 19 hộ chăn nuôi, thuộc chín thôn, tám xã; buộc phải tiêu hủy 350 con lợn, tổng trọng lượng 22.235 kg. Qua hai ngày, tăng thêm năm hộ chăn nuôi có lợn ốm, chết dương tính với vi-rut tả lợn châu Phi nhưng dịch bệnh này được bao vây ở các thôn, xã, thị trấn đã phát sinh dịch bệnh tại hai huyện nêu trên.
Dù vậy, với ổ dịch tả lợn châu Phi phát sinh ở xã Đông Lĩnh, TP Thanh Hóa vào ngày 15-3, vùng phân bố, phát sinh các ổ dịch là các địa phương liền kề, nằm trên trục Quốc lộ 45 chạy qua các địa phương nêu trên. Trong ngày 19-3, có thêm lợn chết ở ba hộ chăn nuôi thuộc các huyện, thành phố đã phát sinh dịch tả lợn châu Phi và thêm một huyện có lợn nuôi trong nông hộ bị ốm, đang chờ kết quả phân tích các mẫu bệnh phẩm.
Qua kiểm tra, sáu trạm, chốt kiểm dịch cấp tỉnh đủ thành phần, thực hiện nhiệm vụ đúng quy định; đã kiểm tra, kiểm soát, tiêu độc, khử trùng gần 120 lượt phương tiện chở gia súc, gia cầm vào, ra địa bàn Thanh Hóa trong ngày. Hai huyện và TP Thanh Hóa thành lập 52 chốt kiểm soát ra, vào vùng dịch, vùng đệm; năm tổ, đội kiểm tra lưu động liên ngành tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn việc buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn không rõ nguồn gốc, không bảo đảm các yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm. Đồng thời huy động gần 73 nghìn lít hóa chất, hơn 372 tấn vôi bột cho công tác phòng, chống dịch bệnh; thực hiện Tháng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại các khu vực chăn nuôi, các chợ, điểm buôn bán sản phẩm của lợn, giết mổ lợn...
Các lực lượng, cơ quan chức năng tăng cường lấy mẫu giám sát, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch chủ động; duy trì nghiêm túc chế độ thường trực kiểm tra, kiểm soát, bảo đảm hiệu quả hoạt động của 188 trạm, chốt kiểm dịch, tổ kiểm soát lưu động; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, đã cấp phát 150 nghìn tờ rơi để cộng đồng nắm chắc, hiểu rõ tác hại cùng biện pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, nhất là dịch bệnh này không lây sang người nên vẫn sử dụng thịt lợn, các sản phẩm từ lợn rõ nguồn gốc xuất xứ, bảo đảm vệ sinh trong bữa ăn hằng ngày.