Thành công bước đầu trong phòng chống dịch COVID-19, môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, hệ thống giao thông kết nối rộng khắp, nguồn lao động chất lượng cao dồi dào… là những yếu tố tạo nên sức hút để đón các dự án đầu tư chất lượng cao dịch chuyển vào Việt Nam.
Tại Bắc Ninh, UBND tỉnh vừa tổ chức Hội thảo “Bắc Ninh cải thiện môi trường kinh doanh động lực mới thu hút đầu tư và phát triển”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hữu Thành cho biết, năm 2019, chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh Bắc Ninh đã có sự cải thiện vượt bậc, đạt mức xếp hạng rất tốt, đứng thứ 4/63 tỉnh, thành, vị trí cao nhất kể từ khi chỉ số PCI được công bố. Điều này cho thấy nỗ lực, quyết tâm của các cấp, các ngành trong cải thiện môi trường kinh doanh nhằm thu hút đầu tư hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.
Phó Chủ tịch UBND cũng nhấn mạnh năm 2020, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến các mặt của đời sống xã hội và hầu hết các ngành kinh tế, từ đó doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Trước thách thức trên, tỉnh Bắc Ninh đã quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa bảo đảm duy trì các hoạt động kinh tế cần thiết.
UBND tỉnh đã triển khai các biện pháp phát triển doanh nghiệp khi dịch bệnh bùng phát và sau khi các lệnh giãn cách được nới lỏng. Theo đó, Bắc Ninh đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp trong giải quyết các thủ tục hành chính, trực tiếp kịp thời, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước liên kết và tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn...
Đề cập đến những kiến nghị của doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bắc Ninh, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bắc Ninh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành và chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo các chủ dự án các cụm công nghiệp, khu công nghiệp nhanh chóng đầu tư cơ sở hạ tầng để có mặt bằng sạch mời gọi các doanh nghiệp có nhu cầu thuê đất để mở rộng sản xuất kinh doanh.
Đồng thời, kiến nghị tỉnh có chủ trương hỗ trợ xử lý rác thải, nước thải và hạ tầng giao thông, nhất là các cụm công nghiệp làng nghề nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất và đảm bảo cảnh quan môi trường cho nhân dân. Đối với những doanh nghiệp khởi nghiệp, mong muốn tỉnh tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện để có mặt bằng khởi nghiệp nhằm quảng bá sản phẩm, giới thiệu sản phẩm, tuyên truyền phổ biến kiến thức về khoa học kỹ thuật cho thanh niên khởi nghiệp….
Theo số liệu thông báo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, năm 2019 điểm Chỉ số PCI của tỉnh Bắc Ninh đạt 70,79 điểm (tăng 6,29 điểm so với năm 2018), tăng 11 bậc lên vị trí số 4/63 tỉnh có chỉ số PCI cao toàn quốc và được đánh giá là tỉnh được xếp hạng ở mức rất tốt.
Tỉnh Đồng Nai, với vị trí nằm ở cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có số lượng lớn các khu công nghiệp đang chuẩn bị các điều kiện, sẵn sàng đón nhận dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai, riêng từ đầu năm 2020 đến nay, các khu công nghiệp trên địa bàn đã cho thuê được 50,3 ha, tập trung tại các khu công nghiệp: Nhơn Trạch 6, Lộc An - Bình Sơn, Dầu Giây, An Phước và Giang Điền.
Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai cho biết, hiện nay do quỹ đất cho thuê tại các khu công nghiệp không còn nhiều, do vậy trong thu hút đầu tư, đơn vị này luôn giám sát và định hướng các chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp tập trung lựa chọn các dự án có suất vốn đầu tư cao, thân thiện với môi trường và sử dụng lao động phù hợp.
Công ty cổ phần Khu công nghiệp Dầu Giây cho biết, sau khi hết thời hạn giãn cách xã hội, vào tháng 5/2020, một số nhà đầu tư từ Hàn Quốc, Nhật Bản đã đến khảo sát để đầu tư vào Khu công nghiệp Dầu Giây. Đây là tín hiệu khả quan hơn so với 5 tháng đầu năm, do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Theo Cục Thống kê tỉnh Đồng Nai, 5 tháng đầu năm 2020, tổng vốn đăng ký cấp mới và dự án tăng vốn đầu tư FDI trên địa bàn đạt 490 triệu USD; trong đó cấp mới 37 dự án với vốn đăng ký hơn 112 triệu USD, điều chỉnh vốn 48 dự án với vốn bổ sung 386,7 triệu USD.
Để chủ động đón dòng vốn FDI mới, Đồng Nai đã và đang quy hoạch phát triển thêm 3 khu công nghiệp mới gồm: Khu công nghiệp Phước Bình (huyện Long Thành), Khu công nghiệp Cẩm Mỹ (huyện Cẩm Mỹ) và Khu công nghiệp Gia Kiệm (huyện Thống Nhất). Ngoài ra, nhiều khu công nghiệp trên địa bàn Đồng Nai đang được đề xuất mở rộng như: khu công nghiệp Amata, An Phước, Long Đức, Tân Phú, Xuân Lộc, Hố Nai, Sông Mây, Long Khánh.
Ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, việc thành lập mới và mở rộng các khu công nghiệp trên địa bàn nhằm đón dòng vốn đầu tư chất lượng, những dự án có hàm lượng khoa học, công nghệ cao, thân thiện với môi trường.
Tại buổi làm việc giữa Thủ tướng Chính phủ với các tỉnh thành phố vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong tháng 5/2020 vừa qua, ông Cao Tiến Dũng kiến nghị Chính phủ tập trung ưu tiên quy hoạch đầu tư các công trình hạ tầng kết nối liên vùng, đặc biệt là các tuyến cao tốc, hệ thống đường vành đai, hệ thống cảng logistics để tạo động lực cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển nhanh hơn.
Với hệ thống giao thông kết nối hiện hữu cùng hàng loạt các dự án trọng điểm quốc gia đang triển khai như sân bay quốc tế Long Thành, hệ thống cụm cảng nước sâu trên sông Thị Vải, sông Đồng Nai, tuyến đường sắt và cao tốc Vũng Tàu - Biên Hòa, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông... đang là những lợi thế để Đồng Nai thu hút dòng vốn đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư FDI mới đang có xu hướng dịch chuyển vào Việt Nam.
Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết, để tìm ra những hạn chế, yếu kém níu chân sự phát triển, Tỉnh ủy đã giao Ban Cán sự UBND tỉnh cùng sở ngành chức năng tổ chức hàng loạt hội thảo tập hợp trí tuệ của thế hệ nguyên lãnh đạo tỉnh, các chuyên gia, doanh nhân, nhà tư vấn đóng góp ý kiến. Từ đó, giúp tỉnh xây dựng chiến lược thu hút đầu tư bền vững trong thời gian tới.
Cụ thể, Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo “giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, tăng năng lực cạnh tranh của tỉnh để thu hút các nhà đầu tư lớn, có năng lực tài chính và kinh nghiệm, công nghệ hiện đại”. Sở Tài chính tổ chức Hội thảo “các giải pháp đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn vốn cho đầu tư phát triển”. Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo “Giải pháp đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng, đấu giá, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư”.
Sở Giao thông Vận tải với hội thảo “Giải pháp nâng cao hiệu quả lợi thế hệ thống cảng Cái Mép-Thị Vải để cảng biển và dịch vụ hậu cần cảng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chủ lực của tỉnh”. Sở Du lịch với hội thảo “giải pháp phát triển du lịch Côn Đảo chất lượng cao, xanh, bền vững”. Ban Quản lý các Khu công nghiệp với hội thảo “Giải pháp để nâng cao sức cạnh tranh, sức hút của các khu công nghiệp”…
Trước nhận định Việt Nam đang trở thành điểm đến an toàn cho các nhà đầu tư trên thế giới, nhất là sau khi khống chế tốt dịch bệnh COVID-19, Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu đã yêu cầu các cuộc hội thảo cần đặt hàng rõ các nhà đầu tư, tư vấn, chuyên gia cho biết, tỉnh cần làm gì để đón làn sóng đầu tư một cách hiệu quả, bền vững. Các cuộc hội thảo cần hoàn thành trước cuối tháng 6 để Tỉnh ủy sớm tổng hợp ý kiến xây dựng kế hoạch, chiến lược thu hút cũng như tạo môi trường đầu tư hấp dẫn nhất.
Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, gần đây đang có sự quan tâm rất lớn của các nhà đầu tư tầm cỡ từ nhiều quốc gia đến tỉnh tìm hiểu cơ hội đầu tư. Thực tế là tại cuộc hội thảo do Ban đứng ra sẽ tổ chức vào ngày 25/6 tới, có những nhà quản lý, chủ doanh nghiệp hàng đầu thế giới đề nghị tham gia, khiến số lượng vượt quá dự kiến ban đầu.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng nhận định về làn sóng đầu tư “hậu COVID-19” sẽ hướng đến các khu công nghiệp của tỉnh. Hiện tỉnh có 15 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 8.500 ha; trong đó, 13 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tỉ lệ lấp đầy khoảng 60% và phần diện tích còn lại luôn sẵn sàng đón nhà đầu tư.
Tại Phú Thọ, mặc dù chịu tác động mạnh của dịch bệnh COVID-19 đối với sự tăng trưởng kinh tế nhưng tỉnh vẫn chưa điều chỉnh các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020, đồng thời phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Phú Thọ, trong thời gian tới tỉnh sẽ đẩy mạnh cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, cắt giảm các thủ tục còn rườm rà, phức tạp, nhất là các thủ tục liên quan đến lĩnh vực đầu tư; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đẩy mạnh xúc tiến đầu tư theo hướng trực tiếp, trọng tâm, trọng điểm; chú trọng triển khai các giải pháp hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, tích cực chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư thực hiện thành công dự án và phát triển bền vững với phương châm “Thành công của các bạn chính là thành công của chúng tôi”.
Ông Bùi Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho biết, để đưa kinh tế - xã hội bứt phá đi lên, thời gian tới tỉnh sẽ ưu tiên, lựa chọn các dự án đầu tư có sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, tạo ra giá trị sản xuất và giá trị thu nộp ngân sách cao, sử dụng lao động chất lượng cao với mức lương tương xứng. Kiên quyết không chấp thuận các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; sử dụng nhiều đất đai gây lãng phí và thu hút nhiều lao động thủ công với tính chất gia công là chủ yếu.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng giá trị gia tăng cao, trên cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học, phát triển nông nghiệp cận đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tập trung theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất nguyên liệu với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nhằm phát huy lợi thế sản phẩm và lợi thế vùng, địa phương...
Thành Đạt (tổng hợp)