|
Ảnh minh họa |
Tuyên Quang nỗ lực tái đàn, ổn định chăn nuôi
Dịch tả lợn Châu Phi đã khiến ngành chăn nuôi của tỉnh Tuyên Quang bị thiệt hại khá lớn. Tỉnh đã buộc tiêu hủy 29.513 con lợn, tương đương 1.424 tấn lợn hơi. Hiện dịch tả lợn Châu Phi có chiều hướng giảm, đã có 116 xã công bố hết dịch.
Việc phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi cũng như tái đàn sau dịch của tỉnh cũng có những khó khăn nhất định như: Dịch tả lợn Châu Phi chưa được khống chế triệt để, một số địa phương đã công bố hết dịch lại tái phát dịch; việc tái đàn còn gặp khó khăn do thiếu lợn giống, mặc dù hiện trên địa bàn có một số cơ sở chăn nuôi lợn nái với số lượng lớn nhưng việc sản xuất lợn giống chủ yếu phục vụ nội bộ, không có xuất bán ra ngoài; mặt khác chăn nuôi lợn trên địa bàn chủ yếu quy mô nhỏ, xen kẽ trong khu dân cư, việc áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học chăn nuôi trang trại chiếm tỷ lệ thấp, nên việc tái đàn gặp nhiều khó khăn…
Tuy vậy, qua rà soát sơ bộ, có khoảng 23% số hộ nuôi lợn bị dịch tả lợn Châu Phi đã tái đàn, khoảng 2% chuyển đổi sang chăn nuôi khác. Đến nay, tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh có 586.100 con, bình quân tăng 1%/năm.
An Giang: Tái đàn một cách thận trọng
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, toàn tỉnh An Giang đã tiêu tủy gần 29.000 con lợn. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang cho biết: Sau khi An Giang công bố hết dịch tả lợn Châu Phi, ngành nông nghiệp đang khuyến khích các trang trại, hộ dân thực hiện tái đàn lợn trên địa bàn một cách thận trọng và hiệu quả, nhằm giảm thiểu nguy cơ tái phát dịch trở lại, nhằm góp phần bình ổn giá lợn trên thị trường tỉnh.
Cùng đó tăng cường quản lý chăn nuôi lợn, phục hồi đàn lợn nái bị thiệt hại sau dịch, nâng cao nhận thức cộng đồng trong phòng chống dịch bệnh, cung cấp cho thị trường các sản phẩm thịt lợn đảm bảo an toàn thực phẩm. Chăn nuôi phát triển theo hướng gia trại, trang trại công nghiệp, nuôi theo hướng an toàn sinh học, bảo vệ môi trường.
Đồng thời đẩy mạnh tăng cường quản lý chăn nuôi lợn bằng sổ sách, tạo mối gắn kết giữa các chủ nuôi nhỏ lẻ không ổn định để đưa họ vào sản xuất trong tổ nhóm, sản phẩm đưa ra thị trường an toàn. Khắc phục khó khăn để ổn định sản xuất và đời sống, đảm bảo mục tiêu phát triển chăn nuôi của tỉnh.
Phục hồi 80% số lượng lợn đã bị tiêu hủy do bệnh dịch tả lợn Châu Phi, tổng đàn lợn dự kiến tái đàn đến cuối năm 2020 đạt khoảng 22.774 con, trong đó hỗ trợ phục hồi khoảng 652 con lợn nái sinh sản chất lượng cao được mua từ trại lợn có uy tín, nhằm cung cấp con giống tốt cho hộ chăn nuôi tái đàn.
Để giúp các hộ dân tái đàn lợn hiệu quả và vượt qua khó khăn bệnh dịch tả lợn Châu Phi, ngành nông nghiệp An Giang trong quý 2/2020 tiến hành hỗ trợ các hộ tái đàn lợn mua 605 con lợn cái giống chất luợng cao. Định mức hỗ trợ 50% giá trị con giống nhưng không vượt quá 3,2 triệu đồng/con. Số lượng hỗ trợ cho một hộ chăn nuôi từ 5 - 40 con.
Đồng Tháp: Từng bước phục hồi
Tại Đồng Tháp, tỉnh đang từng bước phục hồi tỷ trọng của ngành chăn nuôi lợn, sẽ phấn đấu giá trị sản xuất năm 2020 đạt 2.352 tỷ đồng, tăng 10,3% so với năm 2019.
Về nguyên tắc tái đàn, mỗi cơ sở chăn nuôi thực hiện tái đàn với số lượng khoảng 10%, tổng số lợn có thể nuôi tại cơ sở có quy mô nuôi trên 100 con lợn ở một thời điểm hoặc nuôi không quá 10 con đối với cơ sở có quy mô nuôi từ 100 con trở xuống. Theo dõi, giám sát chặt chẽ số lợn tái nuôi trong khoảng thời gian ít nhất 30 ngày.
Theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp Đồng Tháp, sau khi nuôi tái đàn được 30 ngày, thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm, nếu tất cả mẫu xét nghiệm đều âm tính với bệnh dịch tả lợn Châu Phi, khi đó mới nuôi tái đàn với số lượng có thể lên đến 100% tổng số heo có thể nuôi tại cơ sở.
Tổ chức, cá nhân chăn nuôi lợn chịu sự quản lý, định hướng của ngành chuyên môn trong việc tái đàn, gắn với tái cơ cấu sản xuất. Đồng thời tuân thủ điều kiện về an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường theo quy định. Không được tái đàn khi chưa bảo đảm các điều kiện cơ sở chăn nuôi, xử lý chất thải chăn nuôi và điều kiện bảo vệ môi trường.
Tại tỉnh Hậu Giang, sau khi UBND tỉnh có quyết định công bố hết bệnh dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn của 8 huyện, thị xã, thành phố trên toàn tỉnh, người chăn nuôi đã có thể phát triển đàn trở lại. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân tái đàn cần phải khai báo để được hướng dẫn và áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi.
Tại Kiên Giang, người chăn nuôi cũng đang chuẩn bị cho việc tái đàn sau khi dịch bệnh được khống chế. Tuy nhiên, cái khó hiện nay đối với người chăn nuôi là việc mua lợn giống để tái đàn quá khó, không chỉ giá cao mà muốn mua cũng không có nơi bán. Trung tâm Giống nông lâm ngư nghiệp Kiên Giang cho biết, hiện nay, đơn vị mới đang làm thủ tục để nhập lợn ông bà từ các cơ sở thuộc Viện chăn nuôi trực thuộc ngành nông nghiệp về gây dựng lại. Như vậy, sớm nhất cũng phải qua tới đầu năm sau mới có lợn giống để cung cấp ra cho dân tái đàn.
Từ đầu năm 2020 đến nay, dịch bệnh giảm dần. Toàn tỉnh Tiền Giang chỉ có 16 hộ có lợn bị bệnh. Ngành chức năng tiêu hủy 268 con, với khối lượng trên 9 tấn. Kể từ ngày 21/4, tỉnh Tiền Giang đã công bố hết dịch. Toàn tỉnh đã có 3 đơn vị là huyện Cái Bè, huyện Cai Lậy và thị xã Cai Lậy đã ban hành quyết định công bố hết dịch. Hiện nay, do nguồn con giống khan hiếm và vốn chăn nuôi cạn kiệt nên người dân chậm tái đàn. Ngành chức năng địa phương khuyến cáo và đã có những hướng dẫn cho người dân chăn nuôi theo quy trình an toàn sinh học để bảo vệ đàn lợn tốt hơn.
Tuệ Văn (tổng hợp)