Các địa phương gỡ khó giúp doanh nghiệp 

(Chinhphu.vn) – Thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, nhiều địa phương đang nỗ lực triển khai các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

 

Để tạo đà tăng trưởng trong sản xuất công nghiệp, tỉnh Phú Thọ đang quyết triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn giúp đỡ doanh nghiệp phát triển sản xuất trong các tháng cuối năm và những năm tiếp theo.

Ông Hoàng Công Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho biết, hiện tỉnh đang quyết liệt tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Mặt khác, đẩy nhanh tiến độ các dự án đang thực hiện đầu tư sớm hoàn thành đi vào hoạt động, tạo năng lực sản xuất tăng thêm cuối năm 2018 và trong năm 2019.

Ngoài ra, tỉnh cũng tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh; chủ động theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp; nắm bắt, phổ biến kịp thời thông tin thị trường; tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại cũng như đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư mới trong mọi lĩnh vực vào các khu, cụm công nghiệp.

Theo ông Hoàng Công Thủy, thời gian qua tỉnh đã công khai, minh bạch các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ; thành lập tổ tư vấn, hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc giữa doanh nghiệp với thuế, ngân hàng và chính sách nhà nước để doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận được nguồn vốn vay …

Hơn nữa, tỉnh còn tập trung đẩy mạnh triển khai các chính sách hỗ trợ về đất đai, mặt bằng sản xuất, đào tạo nghề, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, gặp mặt đối thoại tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng được tỉnh chú trọng.

Không những thế, tỉnh cũng đã tập trung cải cách hành chính, xây dựng bộ quy tắc đánh giá độc lập, khách quan mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với các sở, ngành địa phương; đẩy mạnh hình thành các cụm liên kết kinh tế, cụm liên kết ngành. Đặc biệt, chú trọng và  mở rộng xúc tiến mở rộng thị trường cho doanh nghiệp; đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ khoa học công nghệ; đẩy mạnh huy động nguồn lực đầu tư theo hình thức đối tác công tư, tập trung xây dựng hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ sản xuất.

Ông Hoàng Công Thủy khẳng định, mục tiêu phấn đấu của tỉnh trong năm 2018 này giá trị tăng thêm ngành công nghiệp - xây dựng đạt mức 15.068 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng trên 9,8%, vượt kế hoạch đề ra.

Theo Sở Công Thương tỉnh Phú Thọ, trong giai đoạn năm 2016 -2018, tốc độ tăng giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp, xây dựng dự kiến đạt 10,67% (vượt mục tiêu nghị quyết đại hội đảng bộ đề ra); trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,2%.

Tại Long An, ngày 9/11, UBND tỉnh tổ chức buổi đối thoại với các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn hai huyện Đức Hòa và Đức Huệ với sự tham gia của lãnh đạo tỉnh Long An, các sở, ngành liên quan cùng đại diện của 260 doanh nghiệp.

Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp đã bày tỏ nhiều ý kiến liên quan đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh; trong đó, phần lớn  tập trung phản ánh về thực trạng hạ tầng giao thông hiện nay vẫn còn nhiều bất cập như đường nhỏ, xuống cấp, chợ tự phát mọc lên nhiều dẫn đến tình trạng tắc đường, kẹt xe diễn ra thường xuyên.

Bên cạnh vấn đề hạ tầng giao thông, các doanh nghiệp còn nêu nhiều phản ánh, kiến nghị liên quan về hạ tầng khu công nghiệp, điện nước, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tuyển dụng lao động…

Do đó, các doanh nghiệp mong muốn chính quyền tỉnh Long An sớm có giải pháp hữu hiệu để giải quyết triệt để những khó khăn, vướng mắc liên quan đến giao thông, hạ tầng khu công nghiệp, môi trường… tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh.

Ông Nguyễn Văn Được, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, các kiến nghị, đề xuất thiết thực của doanh nghiệp là rất cần thiết để cho tỉnh tiếp tục cải thiện môi trườn đầu tư kinh doanh. Do đó, các sở, ban, ngành liên quan tiếp thu đầy đủ ý kiến, kiến nghị của các doanh nghiệp để giải quyết theo đúng thẩm quyền, những vấn đề vượt quá thẩm quyền thì trình lên cấp trên xem xét, giải quyết kịp thời để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

 Riêng đối với các doanh nghiệp, trong quá trình hoạt động nếu nảy sinh khó khăn, vướng mắc cần gửi ngay văn bản đến UBND tỉnh hoặc các sở, ngành liên quan chứ không cần chờ đến những buổi hội nghị, đối thoại mới nêu ý kiến.

 

Tại Tiền Giang, theo ông Lê Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, trong 10 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh đã có thêm 556 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký trên 3.561 tỷ đồng, tăng 8% về số doanh nghiệp thành lập mới và tăng 67,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ. Đây là mức tăng kỷ lục cao nhất từ trước đến nay.

Thống kê cho thấy, tỉnh hiện có 5.039 doanh nghiệp đang hoạt động trên các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, thương mại – dịch vụ. Tính đến hết tháng 10, Tiền Giang cũng đã có thêm 3.830 hộ kinh doanh đăng ký hoạt động, nâng số hộ kinh doanh trên toàn tỉnh lên gần 61.000 hộ.

Bên cạnh đó, Tiền Giang cũng thu hút được 23 dự án đầu tư vào các khu – cụm công nghiệp với tổng vốn đăng ký trên 2.835 tỷ đồng, tăng 9 dự án và tăng 51% về vốn đầu tư so với cùng kỳ năm trước đồng thời còn có thêm 7 dự án tăng thêm 3865 tỷ đồng. Do vậy, tổng nguồn vốn thu hút đầu tư từ đầu năm đến nay đã được nâng lên mức trên 6.401 tỷ đồng, tăng 73,6% so cùng kỳ năm trước.

Ông Lê Văn Nghĩa cho biết, năm 2018, các hoạt động phát triển doanh nghiệp của tỉnh Tiền Giang có nhiều khởi sắc qua việc lãnh đạo tỉnh thực hiện nhiều biện pháp tích cực trải thảm đỏ, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp cũng như kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, doanh nhân mạnh dạn đầu tư làm ăn, khuyếch trương sản xuất – kinh doanh, giải quyết công ăn việc làm và an sinh xã hội. 

UBND tỉnh đã tổ chức định kỳ các phiên tiếp xúc doanh nghiệp và tổ chức thành công hội nghị Xúc tiến đầu tư Tiền Giang 2018 tạo dấu ấn, được các doanh nhân hết sức quan tâm.  

Mặt khác, phát huy vai trò, vị trí thuận lợi nằm ở cửa ngõ vùng Đồng bằng sông Cửu Long và trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Tiền Giang coi trọng cải cách thủ tục hành chính, tăng cường xúc tiến đầu tư – thương mại nhằm khuyến khích phát triển doanh nghiệp cũng như thu hút đầu tư vào làm ăn trong các khu – cụm công nghiệp trong tỉnh.

Theo UBND tỉnh Tiền Giang, việc phát triển doanh nghiệp đạt kết quả tốt đã tác động tích cực đến tình hình phát triển kinh tế tại địa phương. Do đó, tính đến hết tháng 11 tỉnh đã đạt tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội lên đến trên 46.867 tỷ đồng, tăng 8,9% so cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, giá trị sản xuất công nghiệp cũng đạt trên 75.560 tỷ đồng theo giá so sánh 2010, tăng 14,2% so cùng kỳ năm 2017./.

Thanh Hằng

417 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 870
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 870
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87230953