Các địa phương dốc lực phòng chống dịch tả lợn châu Phi 

(Chinhphu.vn) - Dịch tả lợn Châu Phi đã chính thức có mặt tại 4 tỉnh, thành của nước ta (Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa) và đang có nguy cơ lây lan ra nhiều địa phương khác. Nhiều địa phương đã dốc sức chủ động ngăn chặn sự xâm nhập và lây lan bệnh dịch tả lợn châu Phi.

 

 

Ảnh minh họa

Hà Tĩnh: Phòng dịch như chống dịch

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh thông tin, sau khi theo dõi diễn biến của dịch tả lợn châu Phi, UBND tỉnh Hà Tĩnh kịp thời ban hành công điện hỏa tốc số 03 chỉ đạo các địa phương thực hiện đồng bộ giải pháp phòng dịch từ xa, xem việc phòng dịch như chống dịch.

Theo nhận định của ngành chuyên môn Hà Tĩnh, nhiều khả năng dịch tả lợn châu Phi lây lan ở các tỉnh phía Bắc thông qua phương tiện giao thông và con người – những nơi có lưu lượng buôn bán động vật, sản phẩm động vật và có lao động tiếp xúc nước ngoài nhiều. Vì thế, trong tổng thể các biện pháp phòng chống dịch, Hà Tĩnh tập trung chỉ đạo các huyện giáp ranh tỉnh Nghệ An là Đức Thọ, Hương Sơn, Nghi Xuân và những xã có tổng đàn lợn lớn, mật độ chăn nuôi cao như Cẩm Bình (Cẩm Xuyên); Thạch Hội (Thạch Hà)… xem xét lập chốt kiểm soát, phun tiêu độc khử trùng tất cả phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật đi qua địa bàn”.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh cũng đã tăng cường lực lượng cho chốt kiểm dịch đặt tại khu vực gần cầu Bến Thủy (huyện Nghi Xuân); đồng thời, khuyến cáo các cơ sở chăn nuôi lớn thực hiện đầy đủ, triệt để các biện pháp phòng dịch, thậm chí cách ly phương tiện vận chuyển cám, lợn xuất chuồng từ 500 – 1.000m để đảm bảo an toàn.

Vựa heo miền Trung dốc lực phòng chống dịch

Huyện Hoài Ân (Bình Định) được mệnh danh “vựa heo” của miền Trung. Chính quyền địa phương các cấp ở Bình Định và người chăn nuôi ở Hoài Ân đang dốc lực phòng chống dịch.

Ông Hoàng Phi Long - Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân cho biết, khi dịch tả lợn châu Phi đang hoành hành ở Trung Quốc, nước láng giềng với Việt Nam, ngành chức năng ở Bình Định đã phát động chiến dịch phòng chống dịch. Hoài Ân là huyện thực hiện ráo riết nhất nhằm bảo vệ đàn lợn. “Do đây là vựa heo nên không có heo thịt nhập về địa phương, chỉ có xuất đi, do đó chúng tôi chỉ phải tăng cường khống chế heo giống nhập về. Xác định nguy cơ lây lan dịch là từ đối tượng này, nên chúng tôi tăng cường các chốt kiểm soát để quản lý chặt những con heo giống nhập từ các nơi khác”, ông Long cho biết.

Cũng theo ông Long, tại huyện, lực lượng thú y cơ sở đã được bố trí đến cấp thôn. Lực lượng này là nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động hộ chăn nuôi chủ động thực hiện các giải pháp phòng chống nhằm ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi xâm nhập địa bàn.

Theo ông Nguyễn Văn Quốc, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thú y Bình Định, tỉnh đang tăng cường hết cỡ trong công tác kiểm soát đàn lợn nhập tỉnh, đồng thời hỗ trợ hộ chăn nuôi tăng cường công tác tiêu độc sát trùng chuồng trại. Trong đợt 1/2019, ngành chức năng đã hỗ trợ người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh 10 tấn thuốc sát trùng để vệ sinh chuồng trại.

Theo ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định, Sở đã tăng cường cán bộ thú y tại 2 chốt kiểm dịch động vật. Các cán bộ thú y túc trực 24/24 giờ tại chốt kiểm dịch Bình Đê trên tuyến Quốc lộ 1A thuộc địa bàn huyện Hoài Nhơn và chốt kiểm dịch động vật trên tuyến Quốc lộ 1D thuộc địa bàn phường Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn) để giám sát, kiểm tra các phương tiện vận chuyển gia súc ra vào tỉnh. Các chủ phương tiện vận chuyển gia súc qua 2 chốt kiểm dịch nói trên đều phải xuất trình giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ động vật và sản phẩm động vật, đảm bảo an toàn vệ sinh thú y. Ngoài kiểm tra, lực lượng thú y còn phun thuốc khử độc, sát trùng phương tiện.

Đồng Nai lập chốt chặn lợn bệnh chạy từ Bắc vào Nam

Đồng Nai là địa phương có đàn lợn lớn nhất cả nước với hơn 2,5 triệu con. Trước nguy cơ lợn bệnh có thể được vận chuyển từ Bắc vào dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch, tỉnh Đồng Nai đã tức tốc lập chốt và đưa ra nhiều giải pháp nhằm bảo vệ đàn lợn của tỉnh.

Ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Nai cho biết: “Ngoài giám sát tình hình dịch tễ để phát hiện những ca bệnh, cơ quan chức năng ưu tiên kiểm soát chặt các tuyến đường vận chuyển heo. Cụ thể, Chi cục tiến hành lập chốt kiểm dịch tại huyện Xuân Lộc nhằm quản lý và kiểm soát chặt nguồn heo vận chuyển từ các tỉnh phía Bắc vào. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai cũng đã có văn bản trình UBND tỉnh này xin lập thêm chốt kiểm dịch tại huyện Tân Phú”.

Những ngày qua các địa phương trong tỉnh đều tổ chức điều tra thống kê đàn, giám sát tình hình dịch tễ để phát hiện những ca bệnh. UBND tỉnh Đồng Nai cũng chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn từ các địa phương khác qua địa bàn tỉnh. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm dịch tại cơ sở giết mổ để phát hiện những trường hợp bất thường. Các địa phương tích cực tuyên truyền cung cấp cho người chăn nuôi thông tin về dịch và các giải pháp phòng chống dịch, đẩy mạnh các giải pháp giám sát dịch tễ. 

Hưng Yên: Loa phát thanh liên tục tuyên truyền về dịch tả lợn châu Phi

Ghi nhận tại xã Xuân Hòa (huyện Yên Mỹ, Hưng Yên), người dân và chính quyền đều tập trung ưu tiên cho phòng chống dịch. Cứ cách khoảng 2 tiếng, đài truyền thanh của xã lại phát các bản tin về phòng chống, các công điện, các biện pháp… để người dân nắm rõ, chủ động trong phòng chống dịch. Những ngày này, thứ 7, chủ nhật UBND xã không nghỉ, các lãnh đạo chủ chốt của xã túc trực tại các thôn.

Tại thôn Khóa Nhu, xã Yên Hòa (huyện Yên Mỹ) đường vào thôn có chốt kiểm soát, gồm công an, lãnh đạo xã, cán bộ thú y… Xe cộ, hay người vào đều được kiểm tra kỹ lưỡng. Các phương tiện lưu thông đều phải dừng lại xuất trình giấy tờ, phun thuốc khử trừng.

Ông Lê Văn Duyệt, Chủ tịch UBND xã Yên Hòa chia sẻ: “Trên địa bàn xã đã lập 1 chốt, 3 tổ tuyên truyền vận động, cho nhân dân yên tâm chăn nuôi. Dịch tả lợn châu Phi không lây sang người, nhưng về chăn nuôi rất tổn thất. Vì vậy, xã đã vận động nhân dân vệ sinh môi trường, chuồng trại, rắc vôi bột, phun thuốc khử trùng. Đồng thời, khuyến cáo nhân dân, hạn chế những người không có liên quan vào trong chuồng lợn”.

Tuệ Văn (tổng hợp)

320 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 911
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 911
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87121767